Sau khi tận mắt chứng kiến ​​lợi thế chiến đấu từ các loại súng hiện đại của Đức trên chiến trường, Mikhail Kalashnikov quyết tâm phát triển một loại vũ khí tốt hơn cho quân đội Liên Xô. Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, cuối cùng ông chế tạo thành công khẩu súng AK-47, mẫu vũ khí thịnh hành nhất thế giới trong thế kỷ 20.

Mikhail Kalashnikov và khẩu AK-47. Ảnh: AP
Mikhail Kalashnikov và khẩu AK-47. Ảnh: AP

Loại vũ khí gây ra nhiều cái chết nhất trong thế kỷ 20 là gì? Có lẽ bạn sẽ nghĩ ngay đến bom nguyên tử, khi Mỹ thả hai quả bom xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào năm 1945 giết chết khoảng 200.000 người. Tuy nhiên, có một loại vũ khí khác lại gây ra nhiều cái chết hơn, lên đến hàng triệu người. Đó là súng trường tấn công Kalashnikov, thường được gọi tắt là AK-47.

Ban đầu, súng AK-47 được chế tạo trong điều kiện bí mật dành cho quân đội của Liên Xô. Nhưng cho đến nay, người ta đã sản xuất tổng cộng khoảng 100 triệu khẩu AK-47 và các biến thể của nó. Loại súng này có mặt khắp nơi trên thế giới, kể cả trong tay của nhiều thường dân Mỹ – những người đã mua số lượng súng AK-47 vào năm 2012 không kém gì cảnh sát và quân đội Nga.

Sự ra đời của súng AK-47

Mikhail Kalashnikov (1919 – 2013), một vị Trung tướng người Nga, đã sáng chế ra loại vũ khí mang tên mình vào giữa thế kỷ 20. Trong thời kỳ xảy ra cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, ông là một thợ máy xe tăng hoạt động cho quân đội Liên Xô. Trong lúc nằm viện vì vết thương do một quả đạn pháo của Đức Quốc xã bắn trúng xe tăng của ông trong Chiến dịch tấn công Bryansk năm 1941, Kalashnikov quyết định thiết kế một khẩu súng trường tự động, kết hợp những tính năng tốt nhất từ khẩu súng M1 của Mỹ và khẩu StG44 của Đức.

Kalashnikov đã tạo ra một số mẫu súng hoạt động kém hiệu quả trước khi ra mắt khẩu AK-47 đầu tiên. Tên gọi AK-47 là viết tắt của cụm từ “Automat Kalashnikov 1947”. Trong đó “Automat” có nghĩa là “tự động”, và 1947 là năm Kalashnikov chế tạo thành công khẩu súng.

“Cuộc tấn công của Đức Quốc xã đã khiến tôi trở thành một nhà thiết kế súng. Trước đó tôi luôn chỉ muốn chế tạo máy móc nông nghiệp”, Kalashnikov cho biết.

Quân đội Liên Xô bắt đầu trang bị súng AK-47 cho binh sĩ của họ kể từ năm 1949, sau đó đến lượt các quốc gia khác trong khối Hiệp ước Warszawa. Súng AK-47 nhanh chóng trở nên phổ biến trên khắp thế giới và trở thành một trong những vũ khí mang tính biểu tượng của cuộc cách mạng giành lại độc lập ở Việt Nam, Afghanistan, Colombia. Thậm chí nó còn xuất hiện trên quốc kỳ của Mozambique.

Trong suốt quãng đời còn lại, Kalashnikov tiếp tục chỉnh sửa thiết kế và cải tiến súng AK-47. Năm 1959, ông tạo ra phiên bản súng AKM nhẹ hơn với chi phí sản xuất thấp hơn. Đầu thập niên 1960, ông phát triển súng máy PK nạp đạn nhằm thay thế một số loại súng máy cũ trong biên chế của quân đội Liên Xô. Các phiên bản súng AK-47 cải tiến của ông ngày nay vẫn được sản xuất ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Ưu điểm của súng AK-47

AK-47 có nhiều ưu điểm nổi trội, khiến nhiều người đánh giá nó là một khẩu súng trường mang tính cách mạng. AK-47 có chiều dài ngắn và nhẹ nên dễ mang theo. Súng dễ sử dụng, khi bắn ít giật. Điều đặc biệt là chi phí sản xuất AK-47 tương đối rẻ.

Súng AK-47 hoạt động hiệu quả trong nhiều môi trường khác nhau, từ rừng ngập nước cho đến bão cát ở Trung Đông, cũng như các điều kiện thời tiết cực đoan [quá nóng hoặc quá lạnh]. Súng ít khi phải bảo dưỡng do có piston khí lớn và khoảng cách giữa các bộ phận chuyển động rộng, giúp nó tránh bị kẹt.

Kalashnikov thường tỏ ra hào hứng khi đề cập đến tính ưu việt của súng trường AK-47 so với súng trường M-16 của quân đội Mỹ. “Trong Chiến tranh Việt Nam, lính Mỹ sẽ vứt bỏ khẩu M-16 của họ để lấy khẩu AK-47 từ những người lính Việt Nam đã qua đời. Tôi nghe nói lính Mỹ ở Iraq cũng sử dụng AK-47 khá thường xuyên”, Kalashnikov trả lời phỏng vấn CBS News vào năm 2007.

Súng AK-47 cũng được tin dùng bởi nhiều tên tội phạm và kẻ khủng bố. Năm 1972, một nhóm khủng bố đã sử dụng loại vũ khí này để uy hiếp, bắt cóc người làm con tin tại Làng Olympic ở Munich (Đức). Những kẻ xả súng hàng loạt ở Mỹ đã sử dụng phiên bản bán tự động của súng AK-47 trong các vụ giết người ở Stockton, California và Dallas.

Quân đội Mỹ đóng vai trò là nhà phân phối súng AK-47 chủ yếu trong các cuộc xung đột ở Afghanistan và Iraq. Với tuổi thọ trung bình từ 20 đến 40 năm, súng AK-47 dễ dàng được bảo quản và dự trữ lâu dài.

Hiện tại, giá của mỗi khẩu súng AK-47 trên thị trường quốc tế khoảng vài trăm USD, nhưng có nơi giá chỉ 50 USD. Nguyên nhân là do nhiều quốc gia sản xuất vũ khí có giá nhân công thấp đã khiến giá cả đi xuống.

Những trăn trở cuối đời

Để tưởng nhớ đến công lao của Kalashnikov, Liên Xô đã trao cho ông giải thưởng Stalin, Ngôi sao Đỏ và Huân chương Lenin. Năm 2007, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố súng trường AK-47 là “biểu tượng của tài năng và sức sáng tạo thiên tài của dân tộc Nga”. Kalashnikov qua đời vào năm 2013, hưởng thọ 94 tuổi.

Trong suốt phần lớn cuộc đời mình, Kalashnikov đã phớt lờ những lời cáo buộc về một số lượng lớn các vụ giết người và thương tích do sáng chế của ông gây ra. Kalashnikov khẳng định rằng ông phát triển AK-47 để phục vụ mục đích phòng vệ chứ không phải để tấn công.

Năm 2007, khi một phóng viên của hãng thông tấn AP hỏi làm thế nào ông có thể ngủ vào ban đêm, ông trả lời: “Tôi ngủ rất ngon. Các chính trị gia mới là người phải chịu trách nhiệm về việc không đạt được thỏa thuận và sử dụng đến bạo lực”.

Nhưng vào năm cuối đời, Kalashnikov có suy nghĩ hoàn toàn ngược lại. Ông đã viết một lá thư cho người đứng đầu Nhà thờ Orthdox ở Nga với nội dung: “Nỗi đau trong tâm hồn khiến tôi gần như không thể chịu đựng được. Tôi luôn bị ám ảnh bởi một câu hỏi chưa có lời giải đáp: Nếu khẩu súng AK-47 của tôi cướp đi sinh mạng của con người, thì liệu tôi có bị quy trách nhiệm về những cái chết đó không?”