Maria Mitchell là nữ giáo sư thiên văn học đầu tiên của Mỹ. Cô trở nên nổi tiếng vào năm 1847 khi phát hiện và lập biểu đồ quỹ đạo của một sao chổi mới, sau này được biết đến với tên gọi “Sao chổi Mitchell”.

Nhà thiên văn Maria Mitchell. Ảnh: History.
Nhà thiên văn Maria Mitchell. Ảnh: History.

Maria Mitchell sinh ra tại Nantucket, bang Massachusetts (Mỹ) vào ngày 1/8/1818. Cha của cô là giáo viên, sau đó chuyển sang làm việc cho một ngân hàng. Dù là con gái nhưng cô vẫn được cha mẹ cho học hành đầy đủ. Điều này hiếm khi xảy ra vào thời bấy giờ do tình trạng bất bình đẳng giới, khiến phụ nữ thường không được đi học.

Cha của Mitchell rất yêu thích thiên văn học. Do đó, ông mua một chiếc kính thiên văn nhỏ để quan sát bầu trời ngay ở nhà. Lúc còn nhỏ, Mitchell là đứa trẻ khá trầm tính nhưng ham học và thích đọc sách. Vào thời gian rảnh rỗi, cô luôn giúp đỡ cha mình quan sát các ngôi sao và hành tinh. Năm 12 tuổi, cô đã có khả năng tính toán chính xác thời điểm xảy ra nhật thực.

Sau khi hoàn thành chương trình học tại trường Cyrus Peirce, cô ở lại đây để làm trợ lý giảng dạy trước khi mở trường học riêng vào năm 1835. Điều đặc biệt là cô cho phép cả học sinh không phải người da trắng theo học. Quyết định này gây ra nhiều tranh cãi do trái ngược hoàn toàn với chính sách tuyển sinh của các trường công lập hồi đó.

Năm 1836, Mitchell được mời làm thủ thư đầu tiên của Thư viện Nantucket Atheneum, nơi cô đã công tác cho đến năm 1856. Dù rất bận rộn với công việc nhưng cô vẫn dành thời gian vào ban đêm để tiến hành các quan sát thiên văn mới. Cha của Mitchell luôn ủng hộ con gái theo đuổi niềm đam mê. Ông giới thiệu cô đến gặp một số nhà khoa học nổi tiếng nhất trong nước nhằm trao đổi và học hỏi thêm kiến thức từ họ.

Lúc bấy giờ các nhà khoa học đã tìm ra một số sao chổi, nhưng việc phát hiện sao chổi mới vẫn được coi là một thành tựu quan trọng. Do đó, vua Frederick VI của Đan Mạch quyết định sẽ trao giải thưởng cho bất kỳ ai khám phá thêm sao chổi mới.

Mỗi khi màn đêm buông xuống, Mitchell lại trèo lên sân thượng, sử dụng kính viễn vọng phản xạ 5cm của gia đình để quan sát bầu trời. Vào tối ngày 1/10/1847, cô rời khỏi một bữa tiệc và quay về nhà, tiến hành công việc nghiên cứu hằng ngày của mình. Cô nhận thấy một vệt sáng nhỏ hơi mờ, không thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng có thể nhìn rõ ràng thông qua kính viễn vọng. Ngay lập tức, cô phòng đoán rằng đây là một sao chổi.

Do quá vui mừng, Mitchell chạy đến nói với cha của mình. Ông muốn cô công bố phát hiện này ngay lập tức, nhưng cô đã thận trọng hơn. Cô ghi lại vị trí của thiên thể và tiếp tục quan sát để chắc chắn đó là sao chổi. Vào ngày 3 tháng 10, cô gửi thư tới Đại học Cambridge nhằm thông báo khám phá mới của mình.

Cộng đồng khoa học đặt tên cho sao chổi mới là “Sao chổi Mitchell” nhằm gợi nhớ đến người đã phát hiện ra nó. Ngày nay, sao chổi được biết đến với tên gọi chính thức C/1847 T1.

Mặc dù nhà thiên văn học người Ý Francesco de Vico [một linh mục dòng Tên] cũng quan sát thấy sao chổi nhưng muộn hơn so với Mitchell hai ngày. Vì vậy, Mitchell cuối cùng được công nhận là người đầu tiên phát hiện sao chổi và nhận huân chương từ quốc vương Đan Mạch. Trên huân chương có khắc dòng chữ “Non Frustra Signorum Obitus Speculamur et Ortus” (Quan sát những vì sao mọc rồi lặn không phải là điều vô nghĩa).

Trong lịch sử thiên văn học, Maria Mitchell là người phụ nữ thứ hai phát hiện ra một sao chổi chỉ sau nhà khoa học người Đức Caroline Herschel – em gái của William Herschel, người phát hiện sao Thiên Vương.

Mitchell nhanh chóng nổi tiếng trong giới thiên văn học quốc tế. Năm 1848, cô trở thành người phụ nữ đầu tiên được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Mỹ. Cô cũng là một thành viên của Hiệp hội vì Sự tiến bộ Khoa học Mỹ.

Ngoài việc khám phá sao chổi, Mitchell cũng thực hiện nhiều quan sát thiên văn khác trong sự nghiệp của mình, bao gồm các vết đen Mặt trời, tinh vân, sao, nhật thực, các mặt trăng của sao Thổ và sao Mộc.

Mitchell luôn cảm thấy hứng thú với bầu trời đêm, không chỉ về khía cạnh khoa học mà còn vì vẻ đẹp của nó. Chúng ta có thể nhận thấy điều này khi đọc những gì cô viết trong nhật ký: “Ngày 12/2/1855, khi hướng kính viễn vọng vào một ngôi sao chổi trong khoảng một giờ, tôi rất thích thú khi nhìn thấy các màu sắc đa dạng của nó. Tôi tự nhủ với bản thân rằng, tại sao tôi không cảm nhận được sự quyến rũ này trên bầu trời sớm hơn. Các ngôi sao khác nhau cũng có màu sắc riêng của chúng…Thật đáng tiếc khi một số nhà sản xuất của chúng ta không thể đánh cắp bí mật về màu nhuộm của các ngôi sao.”

Năm 1865, Mitchell bắt đầu giảng dạy tại Trường Vassar College và trở thành nữ giáo sư thiên văn học đầu tiên của Mỹ. Cô cũng được bổ nhiệm làm Giám đốc của Đài thiên văn Vassar College. Cô làm việc ở đây cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1888.

Trong quá trình giảng dạy sinh viên, Mitchell luôn đề cao tầm quan trọng của việc quan sát thực tế bầu trời. Cô từng hỏi học trò của mình: “Các em đã học được điều này từ một cuốn sách hay tự mình quan sát nó?”. Năm 1878, cô và một số sinh viên đã đi quãng đường hơn 3.000km đến bang Colorado để tận mắt chứng kiến nhật thực toàn phần. Năm 1882, cô quan sát và ghi lại hiện tượng sao Kim đi qua phía trước Mặt trời

Hai trong số các hành tinh yêu thích của Mitchell là sao Mộc và sao Thổ. Trong những năm ở Vassar College, cô hợp tác với các sinh viên để tiếp tục nghiên cứu bề mặt của hai hành tinh này, cũng như chụp ảnh thêm nhiều ngôi sao khác trên bầu trời. Kết quả nghiên cứu của họ chủ yếu được xuất bản trên tạp chí Silliman.

Ngoài công việc nghiên cứu khoa học, Mitchell còn tích cực chống lại chế độ nô lệ và ủng hộ quyền bình đẳng cho phụ nữ. Cô tin rằng sự thông minh của phụ nữ thường bị lãng phí khi họ dành nhiều thời gian để may vá thay vì theo đuổi các hoạt động về trí tuệ.

Mitchell qua đời vào ngày 28/6/1889. Mặc dù ngày nay không có nhiều người biết đến cô, có lẽ vì thành tựu mà cô đạt được không quá ấn tượng so với các nhà bác học đương thời khác. Tuy nhiên, cô là một người nổi tiếng và được đồng nghiệp tôn trọng trong thời đại của mình. Người ta dùng tên của cô để đặt cho Đài thiên văn Maria Mitchell ở Nantucket cũng như miệng hố Mitchell trên Mặt trăng.