Năm 1609, Henry Hudson dong buồm dọc sông (sau được đặt theo tên ông) tới vùng đất mà nay là New York, trong sứ mệnh khám phá tuyến giao thương mới đến châu Á cho công ty Tây Ấn Hà Lan.

Khu vực này khi ấy là nơi sinh sống của rất nhiều hải ly. Hàng ngàn người Hà Lan đã kéo tới; họ gọi nơi này là New Amsterdam và xây dựng một ngành kinh doanh phát đạt nhờ làm ăn với người bản địa. Những thợ săn Lenape và Mahica (hai bộ tộc da đỏ) thường đổi da, lông hải ly để lấy kim loại, vải và các mặt hàng giá trị khác từ người Hà Lan.

Hình chụp Hạ Manhattan từ trên cao. Nguồn: Justin Tierney/EyeEm/Getty Images.

Huyền thoại kể rằng, năm 1626, thổ dân bản địa đã bán toàn bộ mảnh đất Manhattan cho người Hà Lan chỉ để đổi lấy những món trang sức rẻ tiền trị giá 60 guilder (tiền Hà Lan thời ấy, tương đương 24 USD ngày nay). Đó là sự kiện có sức ảnh hưởng to lớn trong lịch sử thành phố New York – giáo sư Paul Otto tại Đại học George Fox (tiểu bang Oregon) viết như vậy trong một bài luận năm 2015. Tuy nhiên, vụ mua bán này còn rất nhiều chi tiết mơ hồ, chẳng hạn: Giao dịch đã diễn ra theo cách nào? Tại sao người bản địa lại dễ dàng từ bỏ Manhattan sau nhiều thế kỷ gắn bó với mảnh đất này?,...

Theo bức thư (viết năm 1626) của một thương gia Hà Lan mang tên Pieter Schagen được lưu trữ trong văn khố thì Peter Minuit là người đã đàm phán mua Manhattan. Ông này sau trở thành thống đốc thứ ba của vùng đất New Netherland – thuộc địa của Hà Lan tại Bắc Mỹ, bao gồm các bang New York, New Jersey, Delaware, Connecticuit, Rhode Island và Providence ngày nay. Người Hà Lan khi ấy đang cố gắng bảo vệ lợi thế của mình ở Tân Thế giới trước các đối thủ Anh, Pháp,... Để làm được điều này, họ phải tăng cường sự hiện diện ở những vùng đất như Manhattan, Brooklyn, đảo Governors và Staten. Theo giả thuyết được Schagen đưa ra thì chính người Munsee – một bộ tộc con của người Lenape – đã bán Manhattan, tuy nhiên thư lại không hề đề cập tới bất cứ giấy tờ nào liên quan đến giao dịch.

Tranh vẽ giao dịch giữa người Hà Lan và thổ dân bản địa.
Nguồn: New Netherland Institute.
Tranh vẽ Peter Minuit, người được cho là đã đàm phán mua lại Manhattan từ người da đỏ. Ảnh: Wikipedia.

Johanna Gorelick, chuyên gia lưu trữ thông tin về người da đỏ tại Bảo tàng Quốc gia Smithsonian (Mỹ), cho biết Schagen thậm chí còn chưa hề đến New York, vì thế khó có thể coi thư của ông là bằng chứng đáng tin cậy. Ngay cả con số 60 guilder (được lấy từ một cuốn sách lịch sử xuất bản năm 1846) cũng bị diễn dịch sai khác theo thời gian và được quy đổi thành 24 USD theo thời giá hiện tại (thực ra phải là 1.000 USD); ngoài ra còn không có thông tin về món đồ trang sức mà người thổ dân nhận được sau giao dịch.

Tuy nhiên, việc thiếu bằng chứng không có nghĩa là vụ trao đổi đã không diễn ra. Hoạt động mua bán đất thực sự rất phổ biến trong thời kỳ này; nhiều bằng chứng xác đáng cho các giao dịch hiện vẫn còn được lưu trữ, chẳng hạn khế ước ghi chép việc người Hà Lan mua đảo Staten năm 1630, một phần đảo Long Island năm 1639 và toàn bộ Manhattan năm 1649, ... Nhưng điều trớ trêu là những tư liệu ghi chép về vụ mua bán năm 1626 lại có độ tin cậy rất thấp, và ngay cả khi giao dịch thật sự diễn ra thì hẳn là Manhattan cũng không thể được đổi chác theo cách đơn giản như vậy.

Các sử gia đã liên tục mổ xẻ câu chuyện này và kết luận: chính sự khác biệt trong cách hiểu về quyền sở hữu tài sản giữa người Hà Lan và người da đỏ đã làm sai lệch ý nghĩa thực sự của việc “bán đất”. Khác với di dân châu Âu, người da đỏ gần như không hề có khái niệm về quyền sở hữu và chuyển nhượng tài sản, bao gồm đất đai. Với thói quen du mục, họ xem đất đai là không gian chia sẻ giữa các nhóm người theo nguyên tắc cùng chung sống, và trong nhiều trường hợp thì đất có thể mang ra cho mượn hoặc thuê. Có thể vì lẽ đó mà họ đã ký vào thỏa thuận và đồng ý với mức giá khiêm tốn – chỉ mang tính tượng trưng – do người Hà Lan đưa ra. Thỏa thuận cũng là nhằm đảm bảo an toàn cho người Hà Lan đi qua khu vực này.Vì thế, vấn đề cần thắc mắc ở đây không phải là có tồn tại vụ mua bán năm 1626 hay không, mà là nó có ý nghĩa như thế nào.

Theo các ghi chép khác, sau khi mua được đất, người Hà Lan đã chung sống khá “hòa thuận” với thổ dân trong suốt nhiều năm, mặc dù họ luôn coi mình mới là chủ nhân của vùng đất này. Tuy nhiên, đến năm 1664, người Hà Lan lại bị người Anh đuổi khỏi New Amsterdam và đổi tên nó thành New York. Những cuộc chiến tranh giành đất đai liên lục nổ ra khiến khu vực sinh sống của người da đỏ ngày càng bị thu hẹp lại.

Manhattan, New York, thường được xem là một trong những thủ phủ văn hóa, tài chính, truyền thông, và giải trí của thế giới, nơi đặt trụ sở Liên Hiệp Quốc và có hai sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới theo giá trị vốn hóa thị trường: Sở giao dịch chứng khoán New York và NASDAQ. Rất nhiều tập đoàn truyền thông quốc tế đang hiện diện ở Manhattan, và đây cũng là nơi đặt bối cảnh cho nhiều cuốn sách, bộ phim, chương trình truyền hình. Giá bất động sản tại Manhattan cũng thuộc hàng đắt nhất thế giới - tổng giá trị bất động sản của cả hòn đảo, theo ước tính năm 2013, đã vượt quá 3 ngàn tỷ USD.