Nằm tại cực Nam dãy núi Ural ở Nga, cách biên giới Kazakhstan khoảng 140 km về phía Tây, là những khu đồi cực kỳ giàu quặng sắt.
Trữ lượng sắt của nơi này lớn đến mức la bàn không thể hoạt động bình thường, và các loài chim thường phải tránh bay qua. Nó thường được gọi bằng cái tên Magnitnaya (núi từ trường) trong tiếng Nga. Tọa lạc tại chân Magnitnaya (sườn Đông của dãy Ural) là Magnitogorsk – thành phố lớn thứ hai của Nga không phải là trung tâm hành chính của bất cứ chủ thể liên bang hay raion1 nào. Đây cũng là nơi đặt bản doanh của Magnitogorsk Iron and Steel Works – nhà máy luyện thép lớn nhất Liên Xô cũ (nay là Cộng hòa Liên bang Nga) và thuộc hàng lớn nhất thế giới.
Magnitogorsk được xây dựng trong thập niên 1930 để hiện thực hóa tầm nhìn của Iosif Vissarionovich Stalin – nhà lãnh đạo Xô viết tối cao, nhằm biến một đất nước nông nghiệp lạc hậu trở thành “cường quốc luyện kim”. Vô cùng ấn tượng trước những tiến bộ vượt bậc của người Mỹ trong các ngành công nghiệp nặng, bao gồm luyện kim, Stalin đã cho xây dựng Magnitogorsk phỏng theo hai trung tâm sản xuất thép tiên tiến nhất ở Mỹ tại thời điểm đó: Gary (ở tiểu bang Indiana) và Pittsburgh (tiểu bang Pennsylvania).
Theo kỳ vọng, Magnitogorsk sẽ phải có một quy hoạch bài bản và hoàn chỉnh. Bố cục ban đầu do kiến trúc sư và quy hoạch sư Ernst May (Đức) - người nổi tiếng vì đã xây dựng các khu nhà ở theo tinh thần của chủ nghĩa bình quân (egalitarianism) cho công nhân ở Frankfurt - phác thảo. Đó sẽ là một thành phố ngăn nắp với các dãy nhà ở tuyệt đẹp có thiết kế giống nhau, nằm song song với khu nhà máy và được phân cách bởi những dải cây xanh. Nhưng khi đến công trường vào tháng 10/1930, ông thấy các quan chức địa phương đã cho xây dựng sai khác nhiều so với bản vẽ. Khu vực nhà máy và các hồ hóa chất tẩy rửa khổng lồ đã chiếm quá nhiều diện tích, khiến những ý tưởng tốt đẹp của May không còn chỗ để nảy nở.
Khoảng 250.000 lao động đã bị điều tới đây làm việc trong giai đoạn xây dựng ban đầu. Nhiều người trong số họ là lao động cưỡng bức: tù chính trị, địa chủ hoặc phú nông mất đất trong cuộc cải cách điền địa và chính sách tập thể hóa. Toàn bộ công trường được bao quanh bởi hàng rào dây thép gai dày đặc và có lính canh giám sát nghiêm ngặt; Công nhân thì sống trong những căn lều tồi tàn hay lán chật chội, xiêu vẹo, sàn đất, … qua mùa đông lạnh giá lẫn mùa hè nóng như thiêu đốt, thiếu nhiều tiện ích cơ bản và chăm sóc y tế. Sau ngày Liên Xô tan rã, các số liệu được bạch hóa cho biết: trong 5 năm, khoảng 10.000 người đã chết vì đói rét và bệnh tật.
Nhưng bất chấp tất cả, công việc xây dựng vẫn được tiến hành với một tốc độ khẩn trương gần như không tưởng. Tuy nhiên, do thiếu thốn quá nhiều nguồn lực, nhất là lao động lành nghề, nguyên liệu và thiết bị, … các công trình đã không đạt được chất lượng tốt nhất. Ngoài ra, địa điểm được lựa chọn để đặt nhà máy cũng quá xa xôi hẻo lánh; hệ thống đường sắt kết nối được xây dựng vội vàng mà bỏ sót nhiều tiêu chí quan trọng liên quan đến độ an toàn, tin cậy, … cho nên rất khó chống đỡ các đoàn tàu di chuyển ở tốc độ cao, chưa kể nó còn nằm cách nguồn cung cấp nhiên liệu ở Siberia tới 2.000 km.
Mặc dù vậy, những mẻ thép nóng chảy đầu tiên vẫn ra lò vào năm 1932 và sản lượng không ngừng tăng lên kể từ đó. Trong Thế chiến II, Magnitogorsk đã chứng tỏ được giá trị của mình khi cung cấp gần một nửa lượng thép mà Liên Xô sử dụng để chế tạo xe tăng, và một phần ba lượng được dùng làm vỏ đạn. Để ghi nhớ và vinh danh những nỗ lực “anh hùng” ấy, chính quyền đã cho dựng một tượng đài hùng vĩ mang phong cách đặc trưng của Xô viết – khắc họa hình ảnh người công nhân đang trao một thanh kiếm mới rèn cho người chiến sĩ. Đến giữa những năm 1970, sản lượng tại Magnitogorsk đã lên tới 15 triệu tấn thép thô và 12 triệu tấn thép cán. Tính đến năm 2005, nó đã luyện được tổng cộng 500 triệu tấn gang.
Bầu không khí tại Magnitogorsk thường bị ám mùi “than cháy” rất đặc trưng, và gây không ít khó chịu cho người hô hấp mẫn cảm. Giống như nhiều trung tâm công nghiệp khác ở Nga, Magnitogorsk chính là một trong những thành phố ô nhiễm nhất. Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu môi trường EcoMagnitka, cứ 20 trẻ em sinh ra tại đây thì chỉ có một không gặp các vấn đề về sức khỏe như dị ứng, viêm mũi, …
Hiện nay, mặc dù vẫn còn hoạt động nhưng Magnitogorsk đã không còn giữ được vị thế như thời Chiến tranh lạnh. Nhà máy thường chỉ vận hành chưa hết 1/3 công suất, trong khi chất lượng thép thành phẩm cũng ngày càng tụt hậu. Những năm gần đây, một số biện pháp đã bắt đầu được nghiên cứu và áp dụng nhằm cải thiện tình hình, song chưa thật sự thành công.
Chú thích:
1. Thuật ngữ bắt nguồn từ rayon trong tiếng Pháp, chỉ những thực thể vừa thuộc địa phương lại vừa là bộ phận của một thành phố, tương đương với district (quận) trong tiếng Anh (chẳng hạn từ DC trong tên Washington DC ở Mỹ là viết tắt của District of Columbia).