Thoạt nhìn, Hogewey – một cộng đồng nhỏ nằm cách Amsterdam khoảng 20 km – trông chả khác mấy so với những ngôi làng bình thường trên khắp lãnh thổ Hà Lan.
Hằng ngày, người dân nơi đây vẫn đi mua sắm, xem phim, gặp gỡ bạn bè và tham gia vô số hoạt động; song không ai hay biết rằng họ thật ra chỉ đang sống một cuộc đời được dàn dựng: camera quan sát được bố trí ở khắp mọi nơi; từ ông chủ tiệm tạp hóa cho đến anh thợ làm vườn, nhà tạo mẫu tóc hay nha sĩ trong làng, ai ai cũng chỉ là một phần của vở kịch đó.
Đằng sau dáng vẻ của một ngôi làng thực chất là một viện dưỡng lão – được xây dựng để cho những người mắc chứng mất trí nghiêm trọng. Nhưng không giống các viện dưỡng lão truyền thống, nơi bệnh nhân thường phải sống trong những ngôi nhà buồn tẻ, lạnh lẽo với hành lang sâu hun hút và sàn lát gạch bóng loáng, cũng như chẳng có gì ngoài chiếc tivi cho đông người tụ tập, nhà sáng lập Hogewey lại đang cố gắng kiến tạo một cộng đồng thật sự đáng sống cho những người vốn đã bị gạt ra ngoài rìa xã hội. Tại đó, họ sẽ được sống cùng nhà, chia sẻ những tiện ích thiết yếu như rạp hát, tiệp tạm hóa, bưu điện, vườn cây, … hay thậm chí lui tới các câu lạc bộ. Từng người chủ tiệm, bồi bàn, quản gia, … đều là nhân viên của Hogewey, hoàn thành trọn vai diễn của mình (như trong Truman Show). Hiện tại, Hogewey đang có khoảng 150 cư dân (bệnh nhân) và gần 250 nhân viên trông coi, chăm sóc họ.
Ý tưởng về Hogewey được Yvonne van Amerongen ấp ủ khi bà còn làm việc cho một viện dưỡng lão truyền thống ở Hà Lan. Thấu hiểu cách thức vận hành của những nơi như vậy, van Amerongen quyết tâm phải làm cho chúng trở nên dễ sống và ít khổ đau hơn. Theo bà, điều quan trọng nhất khi đã lâm vào tình cảnh này, bên cạnh nhu cầu được tiếp cận các phương pháp điều trị tốt nhất, người bệnh cần có thêm quyền tự do làm những điều mà họ thích. Vì thế, bà đã hình dung ra viễn cảnh về một môi trường mà các bệnh nhân có thể sống thoải mái như ở nhà, được cung cấp những sự hỗ trợ cần thiết và tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa.
Ra đời từ năm 2009, Hogewey có cơ sở vật chất rất tốt, gồm 30 ngôi nhà hai tầng bằng gạch và nhiều tiện ích khác nằm rải rác trong một khuôn viên rộng khoảng 4 mẫu Anh (1,6 ha). Mỗi ngôi nhà như vậy lại được sắp xếp làm nơi ở của 6, 7 người cùng chung sở thích hoặc xuất thân, hoàn cảnh (thể hiện qua phong cách thiết kế nhà, vật dụng lẫn cách bài trí nội thất), và giao cho 1, 2 nhân viên chăm sóc. Các cư dân ở đây sẽ tự lên lịch sinh hoạt và thực đơn ăn uống cho riêng mình. Trong lúc người này ưa dùng bữa tại tiệm cafe hoặc nhà hàng, những người khác có thể chọn phương án tự nấu nướng. Hằng tháng, họ còn được phát tiền [giả] để sử dụng tại các cửa tiệm, nhà hàng, … trong làng. Nhưng đôi khi có người bước vào siêu thị, mang hàng ra khỏi cửa và quên không trả tiền.
Mục đích của tất cả những sự sắp xếp này là nhằm duy trì cảm giác được tự chủ, điều rất quan trọng trong việc chăm sóc người sa sút trí tuệ. Ngay đến các chi tiết dù là nhỏ nhất cũng có thể mang ý nghĩa đặc biệt. “Cho dù biết trước tách cafe sáng của người bệnh đã có đường, chúng tôi vẫn sẽ hỏi: ‘Bạn có muốn thêm đường vào không?’ để họ tự đưa ra lựa chọn hằng ngày,” Eloy van Hal – giám đốc điều hành của Hogewey – cho biết.
Một cuộc sống viên mãn, hạnh phúc sẽ mang lại rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe thể chất. Các kết quả kiểm tra cho thấy, người dân tại Hogewey thường ít phải dùng thuốc, ăn ngon, sống lâu và tỏ ra vui vẻ hơn những người tại các cơ sở dưỡng lão truyền thống. Thành công này đã truyền cảm hứng cho nhiều “ngôi làng của người mất trí” trên khắp thế giới, chẳng hạn Penetanguishene (Ontario, Canada) hay Canterbury (Kent, Anh Quốc).
Tuy nhiên, sáng kiến độc đáo trên cũng gặp phải một số chỉ trích. Có người đặt dấu hỏi, rằng liệu việc cố tình đánh lừa những người mất trí – thuộc nhóm dễ bị tổn thương – bằng cách đạo diễn một cuộc sống khác [giả tạo] cho họ, có phải là hành vi phi đạo đức. Trong khi các ý kiến ủng hộ lại lập luận: sự thao túng bởi lòng trắc ẩn và nhân từ sẽ chẳng gây hại gì, bởi các quan sát cho thấy: mặc dù sống trong ảo tưởng nhưng những bệnh viên lại có biểu hiện rất tốt, như điềm tĩnh, cân bằng, … và đó mới là điều tối quan trọng.
Trong một nghiên cứu công bố năm 2013, các tác giả người Đức nhận định: “Giữa những cuộc tranh luận sôi nổi về đạo đức, chúng tôi tin điểm mấu chốt vẫn là đáp ứng nhu cầu của con người. Nếu hướng tiếp cận của Hogewey có thể mang đến cho những người kém may mắn một chút độc lập, tự chịu trách nhiệm và khả năng kiểm soát tình huống, thì nó rất đáng để thử.” Nhà nhân chủng học Megan Strickfaden tại Đại học Alberta (Canada) cũng đồng tình: “Không thể nói Hogewey là giả tạo hay trò lừa bịp. Đó đơn giản chỉ là một môi trường để mọi người sinh sống, và họ hoàn toàn có quyền được đối xử giống như các thành viên của những cộng đồng khác”.
Sau cùng, gia đình không nên chỉ biết có mô hình do nhà cung cấp dịch vụ đề xuất khi tìm hiểu phương án chăm sóc người sa sút trí tuệ – Strickfaden khuyến nghị. “Nếu bệnh nhân cảm thấy an toàn, thoải mái, hài lòng và bình yên trong sự yêu thương, chăm sóc, thì hiệu quả mà chúng ta đạt được là rất tốt; trong khi những hành vi không mong muốn [của họ] lại thường là kết quả từ sự lo lắng, bất an, bối rối và cảm giác bị bỏ rơi, với tư cách là con người,” ông nói.