Chuyện về ma cà rồng có từ khi nào?
Trước khi khoa học chiếu rọi vào ngành y tế, bệnh dịch có thể xuất hiện không cảnh báo và con người không thể lý giải, chữa trị, chỉ biết đau khổ chịu đựng. Loài người với hiểu biết hạn hẹp cho rằng đó là sản phẩm của các lực lượng siêu nhiên hay những quái vật như ma cà rồng.
Chuyện về ma cà rồng - quái vật thức dậy mỗi đêm từ nấm mồ để đi hút máu người - đã có từ thời cổ ở Hy Lạp, khi tuổi thọ trung bình chỉ khoảng 28 năm. Roger Luckhurst - người từng biên tập cuốn tiểu thuyết Dracula của Bram Stoker - đã nghiên cứu các điều kiện có thể truyền bá niềm tin ma cà rồng và thấy rằng huyền thoại này bắt đầu được phổ biến từ đầu thế kỷ 18.
“Ma cà rồng lần đầu được đề cập bằng tiếng Anh vào thập niên 1730. Đó là khi báo chí đưa tin ở châu Âu, người ta khai quật được những xác chết trông rất kỳ dị, có máu tươi quanh miệng. Câu chuyện này bắt nguồn từ những người nông dân, nhưng có vẻ rất hợp lý” - Luckhurst nói trên BBC.
“Những câu chuyện về ma cà rồng có thể được người dân thế kỷ 18 ở London và Paris đọc và truyền bá để cho thấy cuộc sống của họ văn minh so với người dân cách xa các trung tâm văn hóa của châu Âu”.
Nhân vật ma cà rồng do Bela Lugosi thủ vai trong phim Dracula là hình mẫu chuẩn mực đầu tiên về bá tước ma cà rồng. Ảnh: Vamped
Điều thú vị là nhiều nơi trên khắp thế giới và ở nhiều thời điểm khác nhau có các câu chuyện về sinh vật tương tự ma cà rồng. Đó là manananggal ở Philippines, peuchen tại Chile, Baobhan Sith của Scotland, Yara-ma-yha-who của thổ dân Australia.
Bệnh tật sinh ra ma cà rồng
Nhiều nhà nghiên cứu thống nhất rằng bệnh tật chính là nguyên nhân sản sinh câu chuyện về ma cà rồng. Điển hình nhất là porphyria - thường gọi là bệnh ma cà rồng - xuất hiện do rối loạn chuyển hóa heme - chất cần có để tạo ra hemoglobin trong máu. Bệnh nhân bị ngứa, phát ban và phồng rộp da mỗi khi tiếp xúc với ánh nắng.
Trong trường hợp tồi tệ nhất nướu răng bị rút ngắn, chuyển sang màu nâu đậm hoặc đỏ quạch, khiến răng trở nên dài ra, trông rất đáng sợ. Nước tiểu của bệnh nhân cũng có màu đỏ. Bệnh nhân trở nên cực kỳ nhạy cảm với ánh sáng, có thể mất tai và mũi - điều khiến họ rất giống ma cà rồng Nosferatu trên màn ảnh.
Chuyên gia Desiree Lyon Howe - thuộc Quỹ Porphyria (Mỹ) - cho biết trên BBC rằng có không quá vài trăm ca bệnh porphyria nghiêm trọng trên thế giới trong bất kỳ thời điểm nào; nhưng tỷ lệ này có thể lớn hơn trong các cộng đồng sống ở các vùng xa xôi thời trung cổ - những nhóm người rất ít khi liên hệ với thế giới bên ngoài và có nguồn gene ít đa dạng hơn. Các thôn làng ở Transylvania (Romania) là một nơi như vậy. Đây chính là “quê hương” của Bá tước Dracula - một ma cà rồng hư cấu nổi tiếng.
Từ những khu vực như Transylvania tại Đông Âu, huyền thoại về ma cà rồng lan về phía tây. Khi dịch bệnh xảy ra ở nông thôn - dịch hạch, gia súc chết, con người cho rằng đó là thảm hoạ do những sinh vật như ma cà rồng, ma sói… gây ra. Thường hành động đầu tiên của họ là đào xác của những người vừa chết để tìm thủ phạm.
Ở thời kỳ khoa học chưa phát triển đó, nhiều người được cho là đã chết chưa chắc đã thật sự chết, bởi một số căn bệnh đưa họ vào trạng thái hôn mê sâu đến nỗi những người xung quanh không biết họ còn sống và đã chôn họ. Khi thức dậy, họ điên lên vì sợ hãi, cộng thêm tình trạng đói khát quá độ khiến họ có thể tự cắn mình. Đây có thể là lời giải thích cho việc tìm thấy các xác chết với máu tươi ở miệng.
Ngoài ra vào thời đó, hầu hết các cộng đồng người có nuôi động vật và các ngôi làng thường ở gần rừng - nơi sinh sống của nhiều loài động vật. Trước khi có vaccine, bệnh dại rất phổ biến tại các thôn làng hoang dã châu Âu. Triệu chứng của bệnh này là sợ ánh sáng, sợ nước, điên loạn, cắn xé người, đồ đạc và mê sảng, sau đó là cái chết.
“Con người có thể lây bệnh dại do tiếp xúc với động vật. Chúng tôi tìm thấy sự liên kết giữa bệnh này với truyền thuyết về người sói hay ma sói” - Luckhurst nói.
Sự cô lập của nhiều cộng đồng cách xa trung tâm văn minh có thể khiến con người mắc thêm các bệnh khác. Chế độ ăn uống thiếu đa dạng ở miền núi khiến người dân dễ bị bướu cổ do thiếu iốt. Tình trạng thiếu chất dinh dưỡng không chỉ khiến họ dễ nhiễm bệnh mà còn có thể làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của chúng khi vài tác nhân tiềm ẩn trong gene trỗi dậy. Qua chuyện truyền miệng, các căn bệnh quái ác đó càng thêm ma quái, ly kỳ.
“Các câu chuyện về ma cà rồng luôn đến từ một nơi nào đó cách xa cuộc sống văn minh của người kể chuyện. Nó là phương tiện không chỉ để con người giải thích các loại bệnh kỳ lạ mà còn lý giải các câu chuyện kỳ lạ ở các vùng xa xôi” - Luckhurst nói.