Lần đầu tiên ngành trồng chuối nhìn thấy hy vọng kiểm soát được dịch Panama - căn bệnh đã xoá sổ về thương mại một trong những loài chuối ngon nhất và đang đe dọa sự tồn tại của cả loài chuối trên toàn cầu; nhưng cái giá phải trả cho thành công kỳ diệu này không hề nhỏ.

Bệnh héo rũ Panama

Những người trồng chuối - ngành nông nghiệp có tổng giá trị trên toàn cầu là 36 tỷ USD - không xa lạ gì với căn bệnh Panama khiến chuối héo rũ và chết. Bệnh do một loại nấm Fusarium gây ra, được ghi nhận lần đầu tiên tại Queensland (Australia) vào năm 1876.

Fusarium từng xóa sổ 100 ngàn hécta chuối tại Trung Mỹ trong những năm trước thập niên 1960. Cũng dưới sức tàn phá của Fusarium, giống chuối tuyệt ngon Gros Michel đã chính thức được tuyên bố “tuyệt chủng về thương mại” vào năm 2015.

Giống chuối phần lớn chúng ta đang ăn chính là chuối tiêu Cavendish, tuy còn xa mới ngon bằng Gros Michel nhưng nhờ kháng Fusarium nên được trồng thay thế kể từ thập niên 1960 và dần đạt đến 90% lượng chuối xuất khẩu toàn cầu.

Thế nhưng cuộc chiến chống Fusarium không chấm dứt một cách đơn giản như vậy. Các chủng nấm xâm nhiễm trên giống mới cũng lần lượt được ghi nhận, trong đó nguy hiểm nhất là chủng Tropical Race 4 (TR4) trên chuối nhiệt đới, vốn đang ở ngưỡng của một đợt bùng phát bệnh Panama mới.

Giống chuối Cavendish. Ảnh: MamboLook

Hiểu được sự nguy hiểm của Fusarium và “tấm gương” Gros Michel, mới đây Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) đưa ra yêu cầu hành động tức thời. Liên Hợp Quốc cũng vào cuộc kêu gọi thế giới tài trợ 50 triệu USD để kiểm soát bệnh dịch.

Theo tài liệu của FAO, hiện chưa có cách trị bệnh Panama mà chỉ có thể kiểm soát bằng cách phát hiện kịp thời các triệu chứng để tiêu hủy cây nhiễm nấm, cô lập mầm bệnh. Điều này đặc biệt quan trọng do nấm TR4 có khả năng lưu lại trong đất hàng thập kỷ và từ đó lây lan qua rễ cây, đất, nguồn nước hoặc công cụ canh tác.

TR4 đã lây lan trên toàn thế giới và nguy cơ chuối Cavendish theo gót Gros Michel khiến loài người không được ăn loại quả này nữa không còn là viễn cảnh xa vời.

Niềm hy vọng tại Queensland

Nếu cần một ví dụ để có thể lạc quan về tương lai ngành chuối, có lẽ bang Queensland nơi loài người phải nín thở theo dõi chặt chẽ. Đây chính là nơi phát sinh chủng Fusarium hại chuối đầu tiên. Bắc Queensland sản xuất 90% sản lượng chuối của Australia. TR4 cũng chính thức được ghi nhận ở trang trại chuối nhà Robson tại thung lũng Tully, Queensland vào năm 2015.

Queensland cũng chính là nơi đang áp dụng những hành động quyết liệt nhất nhằm chứng minh khả năng cô lập bệnh dịch. Cơ quan kiểm dịch Queensland (BQ) xác định việc cô lập nguồn bệnh là mục tiêu ưu tiên hàng đầu và thực hiện các biện pháp giám sát chặt chẽ chưa từng có.

Trang trại Robson rộng 166ha bị cô lập với chế độ gác 24/7 và các thành viên trong gia đình này cũng được đặt trong tình trạng theo dõi 24/24. Trang trại vẫn được phép bán chuối ra thị trường, nhưng giá thành tăng cao do yêu cầu áp dụng các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt.

BQ khẳng định, các biện pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt được áp dụng có vai trò sống còn đối với số phận của ngành nông nghiệp trị giá 600 triệu USD của Queensland. Quả thực câu chuyện kiểm dịch tại trang trại Robson đang là tia hy vọng lớn nhất cho ngành trồng chuối trên toàn thế giới. Cho đến giờ, chưa có ghi nhận về sự lây nhiễm TR4 từ nơi phát bệnh sang bất kỳ một trang trại nào khác.

Theo Doug Phillips - đại diện Hội đồng Những người trồng chuối Australia (ABGC) - việc cô lập và kiểm soát được căn bệnh là “thành tựu kỳ diệu”. BQ nhận định, việc phát hiện sớm virus TR4 gia đình báo cáo kịp thời đã cứu sống ngành trồng chuối địa phương.

Cơn ác mộng của gia đình Robson

Đối với gia đình Robson, trở thành đối tượng kiểm dịch không hề là một trải nghiệm dễ chịu. “Trang trại không còn là mảnh đất hạnh phúc nữa mà đã trở thành một vùng đất buồn. Thật đau lòng khi hằng ngày tôi phải chứng kiến cha mẹ đi ra đi vào trên trang trại. Khi đó tôi chỉ ước mọi việc trôi qua thật nhanh” - Shaye Robson - con gái nhà Robson - nói.

“Tôi không muốn ai bị đối xử như cách chúng tôi đang phải chịu đựng. Chúng tôi như bị nhốt lại vậy - chủ trang trại Robson cho biết - Hiện tôi chỉ trông mong đến thời điểm được ra ngoài và tôi muốn đời mình không phải gặp bất kỳ một nhân viên phụ trách an toàn sinh học nào nữa. 18 tháng vừa qua thật sự là khoảng thời gian ác mộng”.

Ông Robson - chủ trại chuối đang bị kiểm soát do dịch bênh Panama. Ảnh: MamboLook

Ông thừa nhận ban đầu họ lảng tránh truyền thông, nhưng giờ gia đình tin rằng việc hiểu được tác động của những gì họ trải qua có vai trò quan trọng đối với công chúng.

Bên cạnh việc đánh giá cao sự cộng tác của gia đình Robson và thành tựu kiểm dịch quan trọng tại đây, BQ cũng tuyên bố họ hiểu những gì gia đình này đang phải trải qua là “rất căng thẳng và khó chịu”.

“Cơn ác mộng” sắp chấm dứt?

Gia đình Robson đã mời Landline - kênh truyền hình chuyên về các vấn đề nông thôn của đài ABC - đến thung lũng Tully vào ngày họ quyết định bán trang trại và đặt nó vào trạng thái kiểm dịch vĩnh viễn. ABGC đã có kế hoạch mua lại trại chuối với giá 4,5 triệu USD và ngừng hoạt động canh tác tại đây. Nguồn tiền được lấy từ khoản thuế mà cộng đồng người trồng chuối đồng ý tăng lên để gây quỹ ủng hộ hoạt động kiểm dịch.

Nhưng không may cho nhà Robson, việc chuyển nhượng đã bị hoãn lại sau khi một trang trại khác gần đó cũng phải đưa mẫu vật đi xét nghiệm với những triệu chứng giống với cây nhiễm TR4. “Chúng tôi đương nhiên mong rằng kết quả xét nghiệm sẽ là âm tính giống như nhiều lần khác - đại diện ABGC nhận định - Với kịch bản đó, chúng tôi sẽ tiếp tục kế hoạch mua lại trang trại nhà Robson”.

Trả lời phỏng vấn kênh nông thôn của ABC, BQ tiết lộ, các kết quả ban đầu cho thấy mẫu xét nghiệm mới không mang các biểu hiện chắc chắn của TR4 nhưng cần thêm vài tuần để có kết quả chính thức.

Trước khi diễn biến này xảy ra, gia đình Robson đã tổ chức chia tay nhân viên làm việc trong trang trại và ngừng thu hoạch chuối; nhưng nay họ lại phải tiếp tục hoạt động cho đến khi có kết quả cuối cùng. “Chúng tôi hy vọng cơn ác mộng sẽ sớm chấm dứt và giờ nó lại bị kéo dài thêm một thời gian nữa” - bà chủ Jenny Robson nói.

“Sau đó tôi sẽ không làm trang trại nữa, không trồng chuối thêm nữa” - ông Robson bổ sung.

Theo Daily Mail, chủng nấm TR4 được phát hiện vào những năm 1960 ở Indonesia, sau đó lan rộng đến Trung Quốc, Đông Nam Á, Ấn Độ, châu Phi, Trung và Nam Mỹ. Hiện chủng nấm này đã tiến vào Pakistan, Lebanon, Jordan, Oman, Mozambique và bang Queensland phía đông bắc Australia. Ở mọi nước bị đại dịch tấn công, sản lượng xuất khẩu chuối giảm dần trong vài thập kỷ.

Tình hình nghiêm trọng đến mức Hội nghị chuối quốc tế vào tháng 4/2016 phải dời từ Costa Rica sang Miami (Mỹ) vào phút chót để các thành viên tham dự không mang dịch bệnh đến hội nghị qua bụi đất. Các chuyên gia dự đoán, người dùng có thể nhận thấy sự thay đổi về giống chuối và giá chuối trong thập kỷ tới.