Mùi hương quyến rũ của nước hoa từ lâu được coi là biểu tượng của sự tinh tế, sang trọng, làm say đắm hàng triệu người trên thế giới. Lịch sử hình thành và phát triển của nước hoa gắn liền với các nền văn minh cổ đại từ cách đây hàng nghìn năm.
Các nhà nghiên cứu tìm thấy bằng chứng về loại nước hoa lâu đời nhất trên đảo Síp ở phía Đông Địa Trung Hải có niên đại cách đây 4.000 năm. Loại nước hoa này có hương thơm chiết xuất từ hoa oải hương, cây nguyệt quế, cây hương thảo và nhựa thông. Khi giải mã ý nghĩa của chữ tượng hình trong những ngôi mộ cổ, các nhà khoa học phát hiện người Ai Cập và Lưỡng Hà cổ đại sử dụng nước hoa từ hơn 3.000 năm trước. Phiến đất sét khắc chữ hình nêm được tìm thấy ở Lưỡng Hà ghi nhận người phụ nữ tên Tapputi là nhà sản xuất nước hoa đầu tiên trong khu vực.
Hình thức sớm nhất của chai nước hoa xuất hiện ở Ai Cập vào khoảng năm 1.000 trước Công nguyên. Người Ai Cập là những cư dân đầu tiên trên thế giới biết cách làm ra những chai thủy tinh, và họ thường xuyên dùng chúng để đựng nước hoa.
Nước hoa đóng vai trò quan trọng trong tín ngưỡng tôn thờ các vị thần của người Ai Cập. Họ sử dụng gỗ thơm, thảo mộc hoặc rễ cây cỏ để làm nước hoa trong các buổi lễ tế thần. Họ tin rằng hương thơm sẽ giúp kết nối con người với thần thánh, giúp con người nhận được sự che chở và bảo hộ của các vị thần. Ngày nay, những người yêu thích nước hoa có thể đến tham quan ngôi đền Edfu thờ thần bầu trời Horus ở bờ phía Tây sông Nile – nơi vẫn còn lưu giữ các văn bản chữ tượng hình ghi lại công thức tạo ra dầu thơm.
Người Ai Cập cổ đại còn sử dụng nước hoa trong những ngôi mộ chôn cất các pharaoh hoặc thầy tế cấp cao. Giới quý tộc Ai Cập tin họ sẽ sớm được lên thiên đàng khi đắm mình trong những hương thơm ngào ngạt. Truyền thuyết kể lại rằng, nữ hoàng xinh đẹp Cleopatra của Ai Cập cho người bôi dầu thơm lên những cánh buồm khi chiếc thuyền chở nàng ra khơi tìm gặp tình nhân người La Mã, Mark Antony. Nữ hoàng muốn Mark Antony biết trước sự xuất hiện của nàng trước khi chạm mặt nhau thông qua mùi thơm.
Khi người Ai Cập kiểm soát những tuyến đường thương mại lớn ở Địa Trung Hải, việc sử dụng nước hoa nhanh chóng lan truyền trên diện rộng và du nhập sang nhiều vùng lân cận. Các thương gia người Phoenicia là những người đã vận chuyển, buôn bán nước hoa từ Ai Cập sang Hy Lạp. Không lâu sau, người Hy Lạp xem nước hoa là một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, thậm chí chúng còn xuất hiện trong các tác phẩm văn học và nghệ thuật.
Từ nước hoa (perfume) trong tiếng Anh bắt nguồn từ tiếng Latinh “perfumus”: trong đó “per” nghĩa là “thông qua” và “fumus” nghĩa là “khói”. Người Pháp sau đó đã mượn từ gốc này để tạo ra từ mới “parfum” dùng để miêu tả những mùi hương dễ chịu mà họ cảm nhận được thông qua làn khói của những chất thơm đốt lên.
Nước hoa chỉ được sử dụng phổ biến trong tầng lớp quý tộc của Ba Tư thời cổ đại. Vì thế, hình ảnh các vị vua Ba Tư thường gắn liền với lọ nước hoa, điển hình là những tác phẩm hội họa với chi tiết chai nước hoa cầm trong tay của hai nhà cai trị huyền thoại: Darius và Xerxes. Trong nhiều thế kỷ, người Ba Tư thống lĩnh thị trường nước hoa và người ta cho rằng quy trình chưng cất rượu cũng bắt nguồn từ xứ sở này.
Do chịu sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Đông và Hy Lạp, người La Mã cũng bị hấp dẫn bởi hương thơm quyến rũ của nước hoa. Họ không chỉ sử dụng nước hoa trong các nghĩ lễ tôn giáo, đám tang mà còn bôi chúng lên đồ dùng hằng ngày để tạo mùi thơm như rèm cửa, đệm, nến, sản phẩm làm đẹp. Họ chiết xuất nhiều mùi hương mới từ hoa nhài, hoa hồng, hoa huệ tây, cây bách xù…để làm phong phú thêm các loại nước hoa. Những gia đình quý tộc thậm chí còn bổ sung tinh dầu thơm vào các đài phun nước và phòng tắm để tạo ra mùi thơm ngọt ngào, quý phái.
Sự sụp đổ của đế chế La Mã với những cuộc chiến tranh đẫm máu, những cuộc xâm lăng man rợ đã mang đến một thời kỳ đen tối cho nước hoa. Cuộc sống người dân bị đảo lộn, họ phải vất vả mưu sinh, tranh giành sự sống nên việc sử dụng nước hoa dần mai một. Nhưng sau khi nền hòa bình được thiết lập, nước hoa dần xuất hiện trở lại với kỹ thuật điều chế và bảo quản hiệu quả hơn.
Người Trung Hoa cổ không thoa trực tiếp nước hoa lên người mà họ chọn cách đốt trầm hương và các loại hương liệu. Họ sử dụng mùi thơm để ướp món ăn và sáng chế ra những bài thuốc khử trùng vì họ tin rằng thảo dược có mùi thơm sẽ chữa khỏi một số loại bệnh. Tầng lớp quý tộc thậm chí còn cạnh tranh nhau để sở hữu nước hoa có mùi hương lạ nhập khẩu thông qua con đường tơ lụa.
Khi phong trào Phục Hưng bùng nổ ở Ý cũng là lúc nước hoa trở nên phổ biến tại đây. Tương đồng quan điểm với người Trung Hoa, người dân Ý không chỉ xem nước hoa như mỹ phẩm triệt tiêu mùi hôi cơ thể mà còn là thuốc phòng chống nhiễm trùng. Họ bắt đầu biết khai thác nguyên liệu từ động vật để tạo ra hương thơm quyến rũ hơn. Nổi bật nhất trong số đó là long diên hương trong ruột của cá nhà táng, thành phần dùng để sản xuất nước hoa có mùi hương ngọt ngào, mát mẻ, cho cảm giác như đứng trước biển.
Nước hoa luôn là biểu tượng cho sự giàu có và quyền lực. Vào thế kỷ 17, vua Louis XIV của Pháp yêu cầu mỗi ngày người hầu phải thay đổi một mùi hương khác nhau cho cung điện nơi ông ở có tên “La Cour Parfumée” (Cung điện nước hoa). Sau này, Pháp trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong việc sản xuất nước hoa bằng máy móc và theo dây chuyền trong thời kỳ cách mạng công nghiệp.
Trước thế kỷ 19, người ta vẫn dùng xạ hương tự nhiên chiết xuất từ một tuyến đặc biệt của hươu xạ đực để làm nước hoa, đồng nghĩa với việc có rất nhiều hươu bị sát hại. Bước sang thế kỷ 20, những tranh cãi về đạo đức và kinh doanh cùng với những tiến bộ của khoa học đã thay đổi ngành công nghiệp sản xuất nước hoa. Nhiều nhãn hiệu nước hoa chuyển sang sử dụng hóa chất tổng hợp để mô phỏng hầu hết hương thơm trong tự nhiên.
Ngày nay, các hãng nước hoa luôn chạy đua không ngừng để mở rộng thị trường và phát triển sản phẩm, khiến nước hoa ngày càng dễ tiếp cận. Nước hoa không còn là thứ dùng để phân biệt tầng lớp quý tộc với nông dân như trước kia, do ai cũng có thể mua cho mình một chai nước hoa. Khách hàng cũng có nhiều sự lựa chọn hơn: từ nhãn hiệu phổ thông với mức giá dễ chịu cho đến những thương hiệu cao cấp với mức giá xa xỉ; từ những mùi hương nhân tạo cho đến những mùi hương mang phong cách tự nhiên.