Châm cứu đóng vai trò quan trọng trong lịch sử y học Trung Quốc và thường được coi là một phần không thể thiếu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe truyền thống của quốc gia này.

Nguồn gốc châm cứu

Châm cứu là một phương pháp thực hành y tế bổ sung nhằm kích thích một số điểm nhất định trên cơ thể, thường là bằng kim xuyên qua da, để giảm đau hoặc điều trị nhiều căn bệnh khác.
Các nhà sử học khẳng định rằng phương pháp chữa bệnh này có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng thời điểm người ta bắt đầu sử dụng nó vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Các nhà nghiên cứu từng phát hiện những chiếc kim làm bằng đá mãi nhẵn có niên đại vào năm 6000 trước Công nguyên (TCN). Tuy nhiên, họ không thể xác định nó được dùng để châm cứu hay sử dụng trong các thủ thuật khác, chẳng hạn như lấy máu hoặc chích áp xe [dùng kim chọc vào túi dịch, mủ để tháo ra ngoài].



Các tài liệu được tìm thấy trong lăng mộ của Ma-Wang-Dui ở Trung Quốc có niên đại năm 198 TCN không nhắc đến thủ thuật châm cứu, mặc dù chúng đề cập đến lý thuyết về kinh mạch.

Vào những năm 1970, các nhà khảo cổ đã tìm thấy bên trong lăng mộ của hoàng tử nhà Hán Liu Sheng (? -113 TCN) bốn cây kim bằng vàng và năm chiếc kim bạc. Tuy nhiên, họ không rõ loại kim châm này dùng vào mục đích gì, có phải là châm cứu hay không.

Văn bản cổ xưa nhất ghi chép về châm cứu là tác phẩm Hoàng Đế nội kinh, có niên đại vào năm 100 TCN. Cuốn sách này mô tả kinh mạch nhưng không chỉ rõ vị trí chính xác của các huyệt đạo. Thủ thuật điều trị bằng “kim châm” cũng được nhắc đến trong tác phẩm The Shiji (Sử ký) của Tư Mã Thiên vào năm 90 TCN.

Trong vài thế kỷ tiếp theo, châm cứu tiếp tục phát triển và được đề cập trong nhiều văn bản khác. Nó dần trở thành một trong những liệu pháp tiêu chuẩn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc thời cổ đại. Người ta cũng kết hợp châm cứu với các phương pháp điều trị khác như dùng thảo mộc, xoa bóp, chế độ ăn uống và chế độ ăn kiêng.

Kể từ khi Yang Jizhou, một vị thầy thuốc nổi tiếng sống trong triều đại nhà Minh (1368-1644), xuất bản cuốn sách “Châm Cứu Đại Thành”, các kiến thức về châm cứu mới được tổng hợp đầy đủ và có nền tảng lý luận chặt chẽ, tương tự những gì chúng ta biết về châm cứu hiện đại ngày nay. Cuốn sách mô tả 365 huyệt đạo, nơi có lỗ thông với các kinh mạch. Tại đó, liệu pháp kim châm có tác dụng điều chỉnh dòng chảy của khí.

Các lý thuyết là nền tảng của châm cứu gắn chặt với sự hiểu biết chung về y học ở Trung Quốc thời cổ đại. Những người sử dụng thuật châm cứu tin rằng cơ thể người chứa dòng năng lượng chảy bên trong gọi là “khí”.

Khí lưu thông trong cơ thể thông qua hệ thống kinh lạc (bao gồm kinh mạch và lạc mạch) nằm tách biệt với hệ thần kinh và các mạch máu. Dòng năng lượng này nếu được phân phối và tác động đúng cách thông qua châm cứu có thể tạo ra trạng thái cơ thể cân bằng và luôn khỏe mạnh.

Thời kỳ bị ngăn cấm

Mặc dù châm cứu đã phát triển mạnh trong thời nhà Minh ở Trung Quốc từ thế kỷ 14 đến 16, nhưng phương pháp chữa bệnh này dần trở nên ít phổ biến từ sau thế kỷ 17. Một phần là do mọi người bắt đầu liên kết châm cứu với mê tín dị đoan và bác bỏ nó vì không có cơ sở khoa học vững chắc.

Kể từ năm 1822, châm cứu trở thành hoạt động ngoài vòng pháp luật khi hoàng đế ban hành một sắc lệnh loại trừ châm cứu ra khỏi Cơ quan Y tế Hoàng gia. Đây là một nỗ lực để hiện đại hóa y học. Tuy nhiên, các thầy lang ở vùng nông thôn và một số học giả vẫn tiếp tục hành nghề châm cứu và lưu giữ kiến thức của họ về phương pháp điều trị này.

Sự phát triển của y học phương Tây ở Trung Quốc trong thế kỷ 20 làm cho liệu pháp châm cứu càng trở nên ít phổ biến hơn nữa. Năm 1929, Chính phủ Trung Quốc không những cấm hoạt động châm cứu mà còn bao gồm các hình thức y học cổ truyền khác.

Sự hồi sinh của châm cứu

Trong thời kỳ Đại nhảy vọt vào thập niên 1950 và cuộc Cách mạng Văn hóa những năm 1960, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy và hồi sinh các phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền, trong đó có châm cứu.

Nhiều trung tâm nghiên cứu đặc biệt về châm cứu đã được thành lập trên khắp đất nước vào thập niên 1950. Việc thực hành châm cứu diễn ra rộng rãi tại các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh. Những bệnh viện kiểu phương Tây cũng thường có khoa châm cứu riêng biệt.

Sự lan rộng của châm cứu

Châm cứu lan rộng đến nhiều quốc gia trong suốt tiến trình lịch sử. Nó đã đến Hàn Quốc và Nhật Bản vào thế kỷ thứ 6. Nó cũng đến Việt Nam thông qua các tuyến đường thương mại từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 10.

Các kỹ thuật y học của Trung Quốc được đề cập lần đầu tiên trong tài liệu phương Tây vào đầu thế kỷ 13, thông qua các ghi chép của nhà truyền giáo William of Rubruck. Tuy nhiên, người phương Tây không áp dụng rộng rãi các kiến thức về châm cứu cho đến một vài thế kỷ sau đó, khi bác sĩ Willem ten Rhijne làm việc cho Công ty Đông Ấn (Hà Lan) mô tả và truyền bá phương pháp điều trị này ở châu Âu.

Việc thực hành châm cứu tại châu Âu diễn ra sớm nhất tại Đức và Pháp thông qua các nhà truyền giáo Dòng Tên vào thế kỷ 16. Trong thế kỷ 18 và 19, một số bác sĩ nổi tiếng của Pháp đã ủng hộ dùng biện pháp châm cứu điều trị bệnh. Tuy nhiên, họ đã gặp phải sự phản đối của nhiều bác sĩ khác. Hoạt động châm cứu tại Pháp dần trở nên phổ biến hơn sau khi nhà ngoại giao Souliet du Morant – người đã sống nhiều năm ở Trung Quốc – xuất bản một số chuyên luận về chủ đề này kể từ năm 1939.

Trong nửa đầu thế kỷ 19, người dân Mỹ bắt đầu quan tâm đến châm cứu. Nhiều người dân biết đến nó hơn khi một thành viên của phái đoàn báo chí Mỹ đã điều trị bằng phương pháp châm cứu và dần hồi phục sau một ca phẫu thuật cắt ruột thừa khẩn cấp ở Trung Quốc năm 1971.
Tại Anh, châm cứu có một khoảng thời gian ngắn phổ biến trong thế kỷ 19. Một tạp chí được xuất bản năm 1821 đã mô tả chi tiết về quá trình châm cứu. Nhưng vào năm 1929, biên tập viên của tạp chí Medio-Chirurgical Review lưu ý rằng không còn ai nói về phương pháp này nữa. Có vẻ như nó đã lỗi thời khá nhanh tại quốc gia này.

Nói tóm lại, liệu pháp châm cứu có một lịch sử lâu dài và phức tạp. Nó đã trải qua một số thời kỳ phổ biến ở cả Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Cũng như nhiều phương pháp điều trị khác, các kiến thức về châm cứu đã thay đổi và dần hoàn thiện cùng với sự tiến bộ của y tế và phẫu thuật thời hiện đại.