Trong khi Nhật Bản có một di sản tương đối “đau thương” tại Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên thì ở Đài Loan, điều này lại hoàn toàn trái ngược1.
Elia Yeh sinh trưởng tại Đài Bắc, có tuổi thơ gắn liền với những trang truyện tranh (manga) Nhật Bản. Cô là một fan cuồng văn hóa Nhật khi còn học sơ trung (lớp 7 – 9) và tình yêu đó theo Yeh đến tận tuổi trưởng thành. Hiện tại, ở tuổi 32 và đang làm giáo viên cao trung (lớp 10 – 12), Yeh rất thích du lịch, đọc tiểu thuyết và ăn đồ Nhật,…
Cảnh xếp hàng ăn sushi tại Đài Bắc. Ảnh: LA Times
Theo một số nhà nghiên cứu, người Đài Loan thích Nhật bởi sự đồng điệu trong văn hóa Á Đông – chú trọng sự hoàn hảo, từ kích thước miếng sushi cho đến nội tâm của các nhân vật trong tiểu thuyết. Những yếu tố khác bao gồm “xung đột chính trị xuyên eo biển với Trung Quốc đại lục, hoài niệm về thời kỳ thuộc địa và đặc biệt là sự ngưỡng một thực sự dành cho văn hóa Nhật” – giáo sư chính trị Stephen Nagy từ Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế (ICU) Tokyo phát biểu. Nhiều người lớn tuổi tại Đài Loan thừa nhận, thời kỳ Nhật Bản cai trị đã có đóng góp hữu ích, giúp hòn đảo phát triển vượt bậc về sau2. Người Nhật đã mở mang hệ thống đường sắt, tổ chức sản xuất nông nghiệp, truyền bá tri thức và phổ biến phong cách kiến trúc Baroque,… Mặc dù vấp phải sự phản kháng “đẫm máu”3 trong vài năm đầu nhưng người Nhật đã nhanh chóng bình định Đài Loan, thanh toán bệnh sốt rét, dịch tả, ép dân bản xứ cai nghiện thuốc phiện, làm ăn và hành xử theo lối văn minh, thượng tôn pháp luật.
Việc người Đài đánh giá cao văn hóa Nhật cũng một phần bắt nguồn từ nhận thức rằng những sản phẩm “made in Japan” thường đồng nghĩa với chất lượng4, bởi thế hệ trẻ Đài Loan thì không có nhiều mối liên hệ với thời thuộc địa – GS. Yoshihisa Amae ngành Đài Loan học tại Cơ Đốc giáo ở Đài Nam nhận định. Ông tin người Hàn Quốc và cả Triều Tiên5 cũng bị ám ảnh bởi Nhật Bản vì lý do tương tự, mặc dù tình cảm của họ hơi có phần “cực đoan” và mâu thuẫn. Amae tự hào gọi Nhật Bản là một “cường quốc văn hóa” (cultural powerhouse). Bên cạnh đó, người Đài cũng vô cùng ngưỡng mộ nền dân chủ kiểu Nhật. “Nhật Bản là xã hội Á châu tiên tiến và cởi mở nhất” – Lee Cheng-an, chủ một đại lý du lịch ở Đài Bắc, người rất thích văn chương và phim ảnh Nhật, nhận định.
Tseng Shu-hsien, hiện làm quản lý tại Thư viện Quốc gia Trung ương (NCL), cho biết: khoảng 30% đầu sách cho trẻ em trong các thư viện công ở Đài Bắc là do tác giả Nhật viết, trong khi sách từ Trung Quốc thì rất hiếm. “Ảnh hưởng của văn hóa Nhật trong sách vở đối với trẻ em Đài Loan hết sức rõ rệt,” cô nói và dẫn trường hợp của bộ truyện tranh "Shin – cậu bé bút chì". Còn đối với người lớn, những tiểu thuyết thuộc thể loại thần bí của Kotaro Isaka thường bán rất chạy,… Một ví dụ sinh động khác là cô mèo Hello Kitty, hình ảnh hiện đang được cấp phép sử dụng tại hơn 200 tiệm bách hóa, nhà hàng, một hãng hàng không (Eva Air) và một bệnh viện trên khắp hòn đảo. Sanrio, công ty sở hữu thương hiệu cho biết: biểu tượng Hello Kitty vẫn thường xuất hiện trên các mặt hàng gia dụng, quần áo, … và đạt doanh thu năm 2016 tại Đài Loan lên tới 580 triệu USD.
Du lịch cũng lại là một điểm nóng nữa khi lượng du khách Đài Loan đến Nhật Bản hằng năm đã vượt quá 4 triệu người và đang tiếp tục gia tăng. Điểm khiến họ thích nhất ở nước Nhật là môi trường trong lành, đường phố sạch sẽ, văn hóa và ẩm thực độc đáo,… Các chuyến đi cũng trở nên dễ dàng hơn nhiều nhờ vào sự bùng nổ của lĩnh vực hàng không giá rẻ và những dịch vụ lưu trú công nghệ như Airbnb,…
Trở lại Đài Loan, dân đảo thi thoảng cũng mặc kimono như các loại trang phục truyền thống Trung Hoa khác. Nhiều phụ nữ Đài Bắc thậm chí còn dạo phố cùng những bộ tóc giả và trang phục sặc sỡ theo trào lưu cosplay các nhân vật manga – xu hướng thịnh hành ở Nhật Bản từ hơn 20 năm trước. “Đứng trên giác độ chính trị, việc gắn kết với Nhật Bản giúp Đài Loan phần nào duy trì vị thế độc lập trên thực tế của mình. Còn từ góc nhìn văn hóa, việc nghiêng về Nhật Bản thay vì Trung Quốc giúp Đài Loan khắc họa một bản sắc riêng – yêu chuộng tự do và kết hợp hài hòa giữa truyền thống với hiện đại”, giáo sư Nagy phát biểu.