Ở những loài cá sống sâu dưới đại dương, lớp da "siêu đen" mang đến khả năng ngụy trang để sống sót trong thế giới của những loài cá ăn thịt.

Theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Current Biology, những loài cá sống sâu dưới đáy biển có sắc tố trên da ít phản xạ ánh sáng chiếu vào (chỉ dưới 0,5%), như cá răng nanh, cá rồng đen Thái Bình Dương, cá cần câu...

Cá rồng đen Thái Bình Dương (Idiacanthus antrostomus), một trong số những loài cá biển sâu có lớp da với các hạt chứa sắc tố sắp xếp độc đáo, cho phép chúng hấp thụ gần như tất cả ánh sáng chiếu vào da, chỉ 0,05% ánh sáng chiếu vào phản xạ trở lại.

Cá răng nanh (Anoplogaster) sống độ sâu 487,68 m những vùng biển ôn đới hoặc nhiệt đới. Cá răng nanh khi nhỏ thường có màu xám sáng nhưng khi trưởng thành ngả màu nâu đậm hoặc màu đen. Loài này ăn bất cứ thứ gì chúng kiếm được, phần lớn lượng thức ăn của chúng là những mẩu thừa từ tầng nước trên rơi xuống.

Cá cần câu (Lophiiformes) sống ở độ sâu dưới 1,5 km dưới mặt biển Đại Tây Dương và Nam Cực. Cá thường có màu nâu và nâu đậm, phần thân dẹp hai bên, phần miệng hình lưỡi liềm, khổng lồ, sở hữu hàm răng sắc nhọn luôn chìa ra và hướng lên trên. Vây của chúng có khả năng phát sáng để thu hút con mồi.

Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu 16 loài cá phù hợp với định nghĩa "siêu đen" thuộc vào 6 bộ cá khác nhau.

"Trong đại dương sâu thẳm, không có nơi nào để ẩn nấp và có rất nhiều kẻ săn mồi đói khát, các loài động vật chỉ có lựa chọn duy nhất là ngụy trang," theo chuyên gia động vật học Karen Osborn thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Viện Smithsonian ở Washington, đồng tác giả của nghiên cứu.

Rất ít ánh sáng mặt trời xuyên qua hơn 200 mét bên dưới bề mặt đại dương, và một số loài cá thì cư trú tận 5.000 mét dưới biển sâu. Ở độ sâu như vậy, phát quang sinh học - phát xạ ánh sáng của các sinh vật sống - là nguồn sáng duy nhất. Một số loài cá siêu đen phát quang sinh học trên cơ thể để dụ con mồi đến gần.

Da của những con cá này cũng là một trong những vật liệu đen nhất được biết đến, hấp thụ ánh sáng hiệu quả đến mức ngay cả dưới ánh sáng mạnh cũng chỉ trông như những bóng mờ, như Osborn đã quan sát khi cố gắng chụp ảnh những loài cá này sau khi chúng được đưa lên mặt nước.

Các sắc tố melanin có nhiều trong loại da này và được phân phối theo một cách bất thường. Bằng cách đóng gói các melanosome (các cấu trúc chứa đầy sắc tố trong các tế bào da) có kích thước và hình dạng hoàn hảo thành các lớp liên tục trên bề mặt da, lớp da sẽ giữ lại tất cả ánh sáng chiếu vào.

"Cơ chế vật liệu siêu đen, mỏng và linh hoạt này có thể được sử dụng để tạo ra vật liệu siêu đen cho quang học công nghệ cao hoặc làm vật liệu ngụy trang cho các chiến dịch ban đêm," Osborn nói.

Nguồn: