Hannah Arendt (1906-1975), một trí thức Do Thái gốc Đức, từng hai lần thoát khỏi trại tập trung của Phát-xít, là một trong những triết gia có ảnh hưởng nhất của thế kỉ 20. Tác phẩm của bà mở ra nhiều câu hỏi mới cho các lĩnh vực lý thuyết chính trị, triết học, lịch sử hiện đại, nghiên cứu văn hóa và văn học.
“Giữa quá khứ và tương lai” là cuốn sách đầu tiên của Hannah Arendt được dịch ra tiếng Việt, nơi độc giả Việt Nam có thể thưởng thức vẻ đẹp của thứ ngôn ngữ phức tạp, vừa giàu chất thơ vừa đậm đặc suy tư triết học.
Cuốn sách mở đầu bằng “Lời tựa”, nêu lên tình thế cam go của con người trong thế giới hiện đại, được cụ thể hóa trong nhận định của René Char - “Ta được để lại một di sản mà không có di chúc”, Tocqueville - “Vì quá khứ không còn chiếu ánh sáng lên tương lai, tinh thần của con người lạc trong tăm tối”, và truyện ngụ ngôn “Hắn” của Franz Kafka: “Hắn có hai đối thủ: lúc đầu kẻ thứ nhất đẩy hắn từ phía sau. Kẻ thứ hai khóa đường phía trước. Hắn chiến đấu với cả hai. Hẳn là, kẻ thứ nhất hỗ trợ hắn trong cuộc chiến với kẻ thứ hai, vì y muốn đẩy hắn lên trước, và theo cách tương tự kẻ thứ hai hỗ trợ hắn trong cuộc chiến với kẻ thứ nhất, vì kẻ này đẩy hắn trở lại. Nhưng đó chỉ là trên lý thuyết. Vì ở đó không chỉ có hai đối thủ, mà còn có bản thân hắn nữa, và ai mà thực sự biết những ý định của hắn? Dù vậy, giấc mơ của hắn là trong một khoảnh khắc xuất kỳ bất ý nào đó - và điều này sẽ cần một đêm tối hơn bất cứ đêm nào từng có – hắn sẽ nhảy ra khỏi vòng chiến và, nhờ kinh nghiệm chiến đấu của mình, được nâng cấp lên vị trí trọng tài đối với hai đối thủ trong cuộc chiến giữa họ với nhau.” (Hannah Arendt, tlđd, tr.23, 25, 28).
Tình thế đó là gì? Là khi tư duy và thực tại đã chia tay nhau, quá khứ đẩy ta về phía trước với niềm hi vọng, nỗi sợ về tương lai lại đẩy ta quay trở lại quá khứ mong tìm nơi nương náu, kiếm một câu trả lời, song rốt cuộc vẫn không thể hiểu được những gì đang diễn ra trước mắt, tinh thần con người vướng vào cuộc chiến với chính mình thay vì có được bình yên và hòa giải.
Tuy nhiên, từ trong khủng hoảng, Hannah Arendt vẫn ươm mầm hi vọng bằng những khả thể của con người suy tư: không đứng yên để mặc cho những lực lượng quá khứ và tương lai xô đẩy mình đến khi kiệt sức, cũng không hẳn mơ giấc mơ siêu hình học từ Parmenides tới Hegel, nhảy ra khỏi vòng chiến để làm một trọng tài, con người suy tư của Arendt có thể có một khả thể khác: nỗ lực sống “ở trong - ở giữa” (living in-between), nương vào các lực của quá khứ và tương tai để tìm con đường thứ ba – đường chéo của hình bình hành lực – đi về vô tận. Đó cũng là con đường mà con người có thể sống đúng với bản tính người của mình từ lúc được sinh ra, con đường khởi tạo một điều mới mẻ, nơi tự do có thể xuất hiện và được gọi tên.
Cuốn sách gồm 8 bài tiểu luận: Truyền thống và thời hiện đại; Khái niệm lịch sử: cổ đại và hiện đại; Quyền uy là gì; Tự do là gì; Khủng hoảng trong giáo dục; Khủng hoảng trong văn hóa: ý nghĩa xã hội và chính trị của nó; Chân lý và chính trị; và Việc chinh phục không gian và tầm vóc của con người. Đây là những bài thực hành tư duy, vừa phê phán, vừa thử nghiệm, với “mục đích duy nhất” là “đạt được kinh nghiệm trong việc làm thế nào để suy tư; chúng không chứa đựng các hướng dẫn kiểu kê đơn về việc suy nghĩ gì hay các sự thật nào. Tối thiểu chúng nhằm buộc lại sợi chỉ đã đứt của truyền thống hay phát minh ra một số cái thay thế tân tiến mà với nó người ta rót đầy khoảng trống giữa quá khứ và tương lai. Các bài luyện tập này tạm thời đình lại vấn đề chân lý; điều quan tâm chỉ là làm thế nào để vận động trong khoảng trống này - vùng miền duy nhất mà có lẽ chân lý rốt cuộc sẽ xuất hiện” (Hannah Arendt, tlđd, tr. 37).
Đặc biệt, nhận định của Hannah Arendt từ 100 năm trước “Quy tắc có thể xem là phổ biến của thế kỉ này là bất kì điều gì có thể xảy ra ở một đất nước này có thể cũng sẽ xảy ra ở hầu như bất kì một nước nào khác trong tương lai” (Hannah Arendt, tlđd, tr. 250) đến nay vẫn chưa hề cũ. Ở thế kỉ này, khi đối mặt với một loạt các khủng hoảng toàn cầu, việc đọc lại bà có thể cho ta nhiều gợi ý về khả thể của con người suy tư trong khủng hoảng.