Câu hỏi trên đã thách thức tâm trí của rất nhiều nhà nghiên cứu suốt hàng thế kỷ qua. Hiện nay, phần lớn các nghiên cứu tổng hợp trên nhiều lĩnh vực như khảo cổ, địa chất, nhân chủng và di truyền học, … đều cho rằng lộ trình thứ hai là khả thi hơn, bởi người tiền sử thường có xu hướng ưa di chuyển trên bộ.
Trong khi đó, một số nghiên cứu khác gần đây lại chỉ ra chính đường biển mới là nơi con người đã vượt qua để lần đầu tiên đặt chân đến châu Mỹ: Vào cuối Kỷ Băng hà (Pleistocene), trước khi các khối băng tan hết, điều kiện sống trên đất liền là cực kỳ khắc nghiệt, cho nên con người chỉ có thể di chuyển trên bộ một khi đã thiết lập xong những khu định cư đầu tiên.
Hành trình vĩ đại
Nhóm di dân đầu tiên sang châu Mỹ – tổ tiên của người Da đỏ bản địa ngày nay – đã xuất phát từ khu vực Đông Bắc Á và Nam Siberia, sau đó tách đoàn tại Đông Á trong giai đoạn 25.000 – 20.000 năm về trước. Còn lại, những gì xảy ra tiếp theo cho đến nay vẫn còn là một chủ đề gây nhiều tranh cãi. Có thể đoàn người đã nhanh chóng băng qua đường cầu lục địa trên eo biển Bering (nay đã chìm xuống dưới mực nước biển), hoặc cũng có thể họ đã tìm cách để vượt qua Beringia – vùng đất rộng lớn, có nơi lên đến 1600 km (từ phía Bắc đến phía Nam) mà ngày nay là Alaska và Đông Siberia (Nga); giống với hầu hết khu vực Siberia và Mãn Châu, Beringia đã không bị đóng băng suốt cuối Kỷ Băng hà vì lượng tuyết rơi ít.
Bản đồ biểu diễn các di tích khảo cổ với niên đại hơn 13.000 năm (màu xám), 10.000 - 13.000 năm (màu trắng) và các mẫu sinh/địa chất 13.300 - 15.700 năm tuổi. Lưu ý rằng các điểm trên đất liền thường có niên đại lâu hơn so với ở ngoài khơi. Ảnh: Potter et al., (2018)
Một số tác giả khác lại nghĩ đến phương án như sau: có thể đoàn người đã ở lại Đông Bắc Á một thời gian, song bị cô lập với cộng đồng dân cư ở đây do sự khác biệt về đặc điểm di truyền. Sau khi vượt qua đường cầu lục địa để tới được Alaska, họ lại tiếp tục hành trình trên đất liền về phía những nơi không bị đóng băng. Tuy nhiên, giữa các nhà khoa học lại không đạt được sự đồng thuận về khoảng thời gian hình thành các tuyến đường không bị băng tuyết bao phủ.
Theo GS. Ben Potter - Trưởng khoa Khảo cổ tại Đại học Alaska, nhóm người di cư có lẽ đã trải qua một sự bùng nổ dân số trước khi gần đến châu Mỹ. Các dữ liệu nghiên cứu cho thấy tổ tiên của người Da đỏ bản địa đã tách khỏi cộng đồng người Đông Á rất lâu trở về trước (khoảng 25.000 năm) do sự cô lập liên quan đến những khác biệt di truyền và dấu hiệu gia tăng dân số trong giai đoạn 16.000 - 14.000 năm trước, sau khi đã thực hiện xong một cuộc hành trình vượt biển vĩ đại.
Ngoài ra, những khảo sát tại các di tích khảo cổ lâu đời nhất ở Alaska, có niên đại vào khoảng 8.000 năm trước - sớm hơn khu vực nội Beringian gần 6.000 năm – cũng cho thấy nhóm người di cư đầu tiên đã lựa chọn di chuyển bằng đường bộ sau khi đặt chân đến đây.
Con đường tốt nhất
Hầu hết các nhà khảo cổ đều đồng thuận với nhau rằng từ 13.000 – 12.600 năm trước, những cư dân - hậu duệ của nền văn minh Clovis cổ - đã đến sinh sống ở khu vực nay thuộc bang New Mexico (Mỹ). Tuy nhiên, họ đã đến đây bằng cách nào?
Khoảng 16.000 năm trước, hiện tượng bùng nổ dân số đã xảy ra khi con người di chuyển tới gần châu Mỹ, sau khi vượt qua cầu lục địa ở eo biển Bering. Các địa điểm được ghi nhận là có dấu tích của người cổ đại (những chấm tròn), và những di tích khảo cổ (dấu thập đen) được đánh dấu trên bản đồ. Ảnh: Potter et al., (2018)
Trong khi giới học giả của thế kỷ 20 thiên về lộ trình trên đất liền, thì khoảng hai thập kỷ gần đây, một số ý kiến khác lại nghiêng về hướng con đường biển. Bởi vì chưa rõ các tuyến đường không bị băng bao phủ được hình thành trước hay sau niên đại của những di tích khảo cổ, cho nên không thể khẳng định chắc chắn những người di cư đầu tiên có băng qua đó hay không. Tuy nhiên, các bằng chứng lại cho thấy những cung đường này đã xuất hiện sớm hơn nhiều so với ước tính của giới nghiên cứu.
Đó là niên đại của các loại hóa thạch động – thực vật ở đây thường rơi vào khoảng ít nhất 15.000 năm trước, hay thậm chí còn sớm hơn thế. Ngoài ra, một vài yếu tố khác cũng thiên về đáp án tuyến đường đất liền, chẳng hạn nguồn gốc Siberia và Đông Bắc Á của những người bản địa đầu tiên – GS Potter nói: “Họ săn voi ma–mút, bò rừng Bizon, ngựa, … và người Beringian cũng vậy.”
Đường biển
Một điều đáng lưu ý là các di tích khảo cổ nằm trên tuyến đường biển thường có niên đại muộn hơn nhiều so với trên đất liền. Theo sự lý giải của những người ủng hộ thuyết thứ nhất thì các di tích này phần lớn đều đã bị nhấn chìm hoặc biến mất. Tuy nhiên GS. Potter và các cộng sự lại lập luận rằng rất nhiều dải đất ven biển từ Kỷ Băng hà hiện nay vẫn còn tồn tại, trong đó niên đại của những địa điểm khảo cổ lâu đời nhất có thể lên đến 12.600 năm tuổi – muộn hơn các di tích được tìm thấy trong vùng nội Berginia đến 1.600 năm. Do đó, nếu muốn khẳng định con người đã đến châu Mỹ lần đầu tiên bằng đường biển thì cần thu thập thêm nhiều bằng chứng khác.
Thứ nữa, khoảng hai thập niên gần đây, một số học giả khác còn tranh luận rằng người Clovis không phải là cộng đồng văn hóa đầu tiên đến định cư tại châu Mỹ, mà còn tồn tại nhiều sắc dân thời tiền Clovis khác.
Để phản bác lại luận điểm trên, nhóm của GS Potter đã khẳng định rằng những di tích khảo cổ thời tiền Clovis vốn tồn tại không nhiều, thường chỉ đại diện cho các cộng đồng dân di cư có rất ít ảnh hưởng tới văn hóa hay đặc điểm di truyền của người Mỹ bản địa sau này; hoặc thậm chí có thể đã xảy ra sai sót trong quá trình đánh giá các di tích trên bởi thực tế đó chỉ là những gì còn sót lại của tổ tiên người Clovis. Tuy nhiên, nghiên cứu công bố trên Tạp chí Science Advances của nhóm GS Potter cũng đã bỏ qua một vài địa điểm với mốc thời gian được xác định là không đáng tin cậy.