Đầu thập niên 1960, hai siêu cường của thế giới là Mỹ và Liên Xô đã bắt đầu tìm cách tận dụng nguồn năng lượng khổng lồ do các vụ nổ hạt nhân giải phóng cho mục đích dân sự và phát triển kinh tế.
Rất nhiều đề xuất đã được đem ra thảo luận khi ấy, trong đó có những ý tưởng hết sức táo bạo như: cho nổ hạt nhân để đào một con kênh mới đi qua eo đất Panama nhằm giảm tải cho tuyến đường chính đã quá đông đúc (những năm 1970, Mỹ và Nhật Bản cũng từng nghĩ tới giải pháp tương tự cho dự án kênh Kra tại Thái Lan song không được chấp thuận), xây hải cảng tại Alaska, đào hầm xuyên núi, và những dự án khác đòi hỏi phải vận chuyển lượng đất đá khổng lồ.
Trong khuôn khổ chương trình Operation Plowshare (lưỡi cày), Mỹ đã cho tiến hành một vài thử nghiệm tại sa mạc Nevada mà ảnh hưởng của chúng còn mãi đến tận ngày nay. Đó là những hố sâu, có đường kính lên đến hàng trăm mét. Lớn nhất phải kể tới Sedan Crater (hố Sedan), hình thành sau vụ nổ [thử nghiệm] năm 1962, hiện đang là một địa điểm thăm quan thu hút nhiều du khách.
Liên Xô thậm chí còn cho thực hiện nhiều vụ nổ với cường độ mạnh hơn thế, qua chương trình Hạt nhân vì mục tiêu Phát triển Kinh tế Quốc dân (Nuclear Explosions for the National Economy).
Những vụ nổ hạt nhân có kiểm soát là công cụ hữu hiệu giúp nhà chức trách Liên Xô đào sâu xuống lòng đất để thăm dò dầu khí và xây dựng các hầm chứa khổng lồ, nghiền quặng tại những mỏ lộ thiên, đào kênh, xây đập, …
Mặc dù tìm thấy dầu, nhưng phóng xạ (tồn tại ở thể khí và hơi) cũng để lại di chứng lên một khu vực dân cư đông đúc gần sông Volga. Hay lần khác, nhà cầm quyền còn phá hủy cả một dòng sông để xem có thể xây hổ chứa. Tất nhiên là hồ chứa được xây dựng, nhưng vùng này cho đến nay vẫn còn bị nhiễm xạ.
Mãi về sau, tất cả những thông tin trên mới được công bố.
Năm 1963, một giếng khí đốt tại khu mỏ Urtabulak ở Uzbekistan, cách Bukhara – thành phố cổ kính, địa danh gắn với Con đường Tơ lụa nổi tiếng trong lịch sử – 80 km về phía Đông Nam, hứng chịu một vụ phun hơi ở độ sâu 2,4 km. Ngọn lửa bốc cháy liên tục trong 3 năm sau đó, gây tổn thất hơn 12 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày – đủ đáp ứng nhu cầu của một thành phố cỡ St. Petersburg (khi ấy có hơn 3 triệu dân).
Trước sự thất bại của tất cả các biện pháp thông thường hòng kiểm soát đám cháy, chính quyền Liên Xô buộc phải nhờ đến hạt nhân. Những nhà địa chất và vật lý tham gia chương trình đã tính toán: nếu kích nổ một quả bom gần địa điểm xảy ra sự cố phun hơi, áp lực sinh ra từ vụ nổ (dưới hình dạng đám mây hình nấm) có thể thổi bay (phá hủy) bất cứ thứ gì trong phạm vi bán kính 25 – 50 m. Ngoài ra, công suất của quả bom cần phải đạt 30 kiloton – gấp 2 lần sức mạnh trái “Little Boy” mà Không lực Mỹ ném xuống Hiroshima ngày 6/8/1945.
Mùa thu năm 1966, chính quyền Liên Xô cho đào cùng lúc hai giếng sâu nghiêng góc (so với mặt đất), rộng hơn một feet (30,48 cm), ở vị trí gần nhất có thể với giếng dầu đang cháy và không thể kiểm soát. Tiếp đó, người ta thả một quả bom qua một giếng xuống độ sâu 1.400 m, cách điểm rò khí khoảng 35 m, rồi bít lại bằng bê tông (để ngăn ngừa phun trào lên bề mặt) và kích nổ.
Báo Pravda Vostoka tại TP. Tashkent (nay là thủ đô của Uzbekistan) đã tường thuật khá chi tiết về cảnh tượng vụ nổ:
“Vào cái ngày mùa thu lạnh lẽo ấy [năm 1966], cơn địa chấn sinh ra bởi một sức mạnh chưa từng thấy đã làm rung chuyển mặt đất cằn cỗi – vốn chỉ thưa thớt vài thảm cỏ trên nền cát trắng của hoang mạc. Một đám mây bụi xuất hiện trên nền trời. Ngọn lửa màu cam tại giếng dầu cháy dần yếu đi, ban đầu rất chậm, sau đó nhanh dần, rồi nhấp nháy và tắt hẳn. Lần đầu tiên sau 1.064 ngày, sự yên tĩnh mới trở lại nơi đây, không còn những âm thanh gầm rú ghê rợn phát ra từ phía luồng khí không ngừng tuôn trào.”
Thời gian từ lúc kích nổ quả bom cho tới khi ngọn lửa hoàn toàn bị dập tắt chỉ khoảng 23 giây. Hiện tại, ở cả nước Nga và Uzebekistan vẫn còn lưu giữ những thước phim ghi lại khoảnh khắc “không giành cho người yếu tim” ấy.
Đó chính là lần đầu tiên trong lịch sử, nhân loại sử dụng thành công bom hạt nhân để dập tắt một vụ cháy giếng dầu khí. Tất nhiên, nó cũng không phải là lần cuối cùng.
Nhiều tháng sau đó, một đám cháy khác cũng bùng phát ở mỏ khí gần Urtabulak, ngọn lửa thậm chí còn lan sang mặt đất qua các hố khoan phụ. Lần này, người ta đã phải sử dụng một đầu đạn mạnh hơn (47 kiloton) và kích nổ ở độ sâu 2.440 m. Nhưng do phạm vi rò rỉ quá lớn, luồng khí vẫn tiếp tục phun trong bảy ngày trước khi tắt hẳn.
Thành công lần thứ hai này đã mang lại sự tự tin rất lớn cho các nhà khoa học Liên Xô về triển vọng của kỹ thuật mới trong việc kiểm soát những vụ cháy giếng dầu khí. Nhiều năm tiếp theo, phương pháp này lại có cơ hội được mang ra áp dụng thêm một vài lần. Tháng 5/1972, một vụ nổ công suất 14 kiloton ở độ sâu 1.700 m đã dập tắt đám cháy ở mỏ khí Mayskii – cách TP. Mary (nay thuộc Turkmenistan) khoảng 30 km về phía Đông Nam. Cũng trong tháng Bảy cùng năm, một giếng khí đốt phun trào khác tại Ukraine cũng được bịt lại nhờ kích nổ đầu đạn 3,8 kiloton ở độ sâu hơn 2,4 km. Năm 1981, trong một đám cháy tại mỏ khí Kumzhinskiy trên bờ biển phía Bắc nước Nga (hiện nay), người ta đã thả một quả bom 37,6 kiloton xuống độ sâu 1.511 m nhưng không thể dập lửa thành công do xác định sai vị trí rò rỉ.
Năm 1989, Liên Xô tuyên bố đình chỉ tất cả các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân, và không còn một ca “chữa cháy” nào diễn ra theo cách như vậy nữa.