Bất kỳ ai dám chống lại việc săn lùng những người bị kết tội là phù thủy tại Trung Âu vào thế kỷ 17 đều có nguy cơ nhận về cái chết trên giàn thiêu. Một bác sĩ người Hà Lan đã bất chấp mọi hiểm nguy và ghi tên mình vào lịch sử.

Hỏa thiêu phù thủy ở Derenburg, 1555. Nguồn: Spektrum.
Hỏa thiêu phù thủy ở Derenburg, 1555. Nguồn: Spektrum.

Năm 1612, một quả phụ tên Scholl bị bắt giữ tại làng Bodenheim, vùng Rheinhessen (nay thuộc Đức). Một thợ làm bánh đã cáo buộc bà đã ếm bùa lên một đứa trẻ trong cửa hàng mình và làm đứa bé chết. Scholl lập tức được đưa ra trước tòa án. Sau khi bị cáo buộc thông đồng với quỷ dữ, bà bị thiêu trên giàn lửa. Sự kiện này là khởi đầu của một cuộc săn lùng phù thủy mà đến năm 1615 đã làm thêm 27 người mất mạng quanh Bodenheim.

Không chỉ riêng ngôi làng Bodenheim khi đó, các vụ thiêu phù thủy cũng diễn ra khắp châu Âu. Nhà sử học văn hóa Hà Lan Johan Huizinga mô tả, đây là giai đoạn của “cơn thoái hóa đáng sợ của Thiên chúa giáo”. Hàng nghìn người vô tội đã chết trong ngọn lửa cuồng nộ của đám đông. Một ước tính gần đây cho rằng đã có từ 50.000 đến 60.000 người ở châu Âu đã bị bắt giữ, tra tấn và xử tử mà không có bằng chứng, và hầu như không có bất kỳ sự kháng cự nào.

Thế nhưng, thời thế tạo anh hùng. Johann Weyer, một bác sĩ sinh ra ở thị trấn Grave, tỉnh Brabant, Hà Lan cách đây tròn 505 năm đã trở thành một trong những người đầu tiên dũng cảm góp tiếng nói chống lại niềm tin vào phù thủy đương thời. Ông là con cả trong một gia đình giàu có gồm 3 anh em. Cha ông làm nghề buôn chuyến, bán đủ thứ từ đá phiến vùng Rhein đến hoa bia từ Hà Lan và Siebengebirge. Thu nhập từ buôn bán cho phép gia đình chu cấp cho người con cả Filius một nền học vấn tốt.

Ở tuổi 15 hoặc tuổi 17, do sử liệu không nêu rõ, cha ông đưa ông đến Antwerp (Bỉ ngày nay) làm học trò của Heinrich Cornelius Agrippa von Nettesheim. Nổi tiếng khắp châu Âu là một học giả tài năng với tư tưởng khai sáng, Agrippa đã bảo vệ cho nhiều phụ nữ bị cáo buộc làm phù thủy, và gây nhiều ảnh hưởng lên chàng trai trẻ. Theo thầy, Weyer đến Đức, tới Kleve, Düsseldorf, Cologne và Bonn. Sau đó ông cũng đến Pháp học nghề y ở Paris và sau đó ở Orleans. Tại một trong hai thành phố nói trên, ông tốt nghiệp và được phong làm bác sĩ năm 1537, khi mới 22 tuổi.

Ảnh 1: Chân dung Johann Weyer được in khắc kẽm năm 1577. Minh họa được lấy từ cuốn sách “De lamiis liber” của ông bàn luận về phù thủy và về lối nhịn ăn sai lạc. Nguồn: Spektrum.
Chân dung Johann Weyer in khắc kẽm năm 1577. Minh họa được lấy từ cuốn sách “De lamiis liber” của ông bàn luận về phù thủy và về lối nhịn ăn sai lạc. Nguồn: Spektrum.

Tại thời điểm này, Weyer học theo phong cách các nhà nhân văn thời đó và tự đổi tên mình ra tiếng Latin, từ Johannes Weyer trở thành Johannes Wierus hay Piscinarius. Thập niên tiếp theo, ông trở về quê nhà Grave hành nghề tại trước khi làm bác sĩ tư ở Arnhem. Cũng tại đây mà ông lần đầu tiên đối mặt với một phiên tòa phù thủy, khi được mời giám định bệnh lý cho một bị cáo là thầy bói. Ông ra trước tòa nhiều lần khác để biện hộ cho những phụ nữ chịu hoàn cảnh tương tự.

Công việc của Weyer khiến ông được biết đến khắp vùng hạ sông Rhein. Đến năm 1550, Công tước Wilhelm V xứ Kleve, Jülich và Berg đã cho vời ông về làm thầy thuốc riêng. Vị Công tước này là một nhà bảo trợ cho khoa học và nghệ thuật và cũng rất ủng hộ khoan dung tôn giáo – ông cũng thích tập hợp xung quanh mình nhiều người tài giỏi tại tư dinh hàng đêm để trò chuyện. Và hẳn nhiên một trong những chủ đề được quan tâm là số lượng ngày càng tăng những vụ săn lùng phù thủy vào giữa thế kỷ 16.

Cũng chính ngài Công tước Kleve là người được Weyer đề tặng công trình của mình, in lần đầu tại Basel (Thụy Sĩ) vào năm 1563, mang tiêu đề “Về những Mánh lới của Quỷ dữ” (tiếng Latin: De praestigiis Daemonum). Dù dòng phụ đề của cuốn sách “Về quỷ dữ, thầy pháp, nhà ma thuật đen, kẻ gọi hồn quỷ dữ, phù thủy và những kẻ chế thuốc độc” dường như là một luận văn cổ động cho việc săn phù thủy, nó lại đóng vai trò hoàn toàn ngược lại. Cuốn sách trở thành một nguồn luận cứ phong phú ủng hộ cho những người như Weyer chống lại nạn mê tín dị đoan đó.

Lai lịch một tội trọng trong lịch sử

Cơn sốt săn phù thủy vốn lan rộng và gây nhiều sợ hãi hơn cả những nạn dịch chết người vào thời điểm đấy thực ra không phải là một cơn cuồng nộ không kiểm soát của đám đông vô lý trí, mà là sự thực hành của một lý thuyết được truyền bá rộng rãi trong giới học giả khi đó. Đối lập với những hiểu biết của đa số người hiện đại, thực tế là việc giết hại phù thủy không phải là sản phẩm của cái gọi là Đêm trường Trung Cổ, mà là của thời kỳ tiền cận đại, trong đó cuối thế kỷ 15 đến giữa thế kỷ 17 là giai đoạn mà các làn sóng săn phù thủy nổi lên liên tục và mạnh mẽ.

Những nghiên cứu sâu hơn trong những năm gần đây đã giúp xác định tương đối chính xác địa điểm và khoảng thời gian nơi mà tội phù thủy trở thành một tội trọng trong lịch sử. Theo đó, ý tưởng về sự tồn tại của một giáo phái mà các tín đồ sử dụng ma thuật để làm hại và đe dọa Thiên chúa giáo đã phát tán khắp châu Âu từ khoảng những năm 1430, bắt đầu từ những thung lũng ở miền tây dãy An-pơ. Một trong những học giả đầu tiên công khai phát biểu về sự xuất hiện của tà giáo phù thủy mới này là Johannes Nider, nhà thần học dòng Đa Minh, người đã xuất bản công trình “Formicarius” vào khoảng năm 1436. Phía sau tiêu đề mang nghĩa “Tổ kiến lửa”, ông mô tả lại những cách thức vận hành đen tối của thứ tà đạo nói trên.

“Định nghĩa chung về phù thủy,” theo nhà sử học về thời kỳ tiền cận đại Gerd Schwerthoff, “bao gồm rất nhiều các thành tố hỗn tạp”. Phù thủy nam và nữ bị buộc tội hãm hại dân lành và động vật bằng những câu thần chú hắc ám (maleficium) có được nhờ giao kèo với quỷ dữ, lại vừa “có quan hệ gần gũi hay giao hợp xác thịt với quỷ Satan, tụ họp với những môn đồ khác của Satan hàng đêm, thực hiện lễ sabbath phù thủy hay tham gia những nghi lễ phản Thiên chúa, bay trên trời bằng cán chổi hay trên thân con dê đực”.

Trong khi việc săn lùng phù thủy ban đầu nhằm vào cả nam lẫn nữ, niềm tin dần chuyển hướng sang cho rằng chỉ có giới nữ mới ký giao kèo với quỷ dữ bởi vì họ dễ bị quyến rũ bằng thể xác. “Bản chất người đàn bà là ác, bởi vì đàn bà thường chóng đem lòng nghi ngờ đức tin, và phủ nhận đức tin. Đấy là bản nguyên của thói phù thủy,” tu sĩ dòng Đa Minh Heinrich Kramer (khoảng 1430-1505) xứ Alsace đã viết như vậy trong luận đề tai tiếng của mình mang tên “Cây búa phù thủy” (“Malleus maleficarum”). Những dòng viết đầy hận thù của nhà tu hành cuồng tín giải thích cặn kẽ cái tai họa mà những phụ nữ làm phù thủy gây ra cho thế giới: họ phù phép cho bạn tình không thể có con, làm đàn ông trở nên yếu đuối. Hơn thế nữa, họ còn yểm ma thuật thời tiết để phá hoại mùa màng của người nông dân.

Đàn áp có hệ thống

Kramer cũng mô tả chi tiết về các cách thức cần thiết để phát giác và kết tội những người đàn bà của quỷ Satan này. Bắt đầu bằng việc cạo hết tóc để tìm dấu ấn của quỷ dữ trên mình, rồi sau đó bắt nạn nhân chịu những cực hình tàn bạo nhất để buộc họ nhận tội.

Bất chấp việc những ý tưởng của Kramer không hoàn toàn là của riêng ông ta – chúng được tổng hợp từ nhiều nguồn, bao gồm cả bản Hướng dẫn của người đứng đầu Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha là Nicolas Eymerich (1316-1399) – “Cây búa phù thủy” trở thành cuốn sách bán chạy hàng đầu. 40 năm sau khi ra đời, cuốn sách tồi tệ này vẫn tiếp tục được tái bản đến lần thứ 13, có lẽ đã nhờ vào việc nó đánh trúng tâm trạng của một “giai đoạn lịch sử đặc biệt căng thẳng”, khiến cho ngay cả những học giả danh tiếng như Johannes Trithemius, Trưởng tu viện dòng Biển Đức tại Würzburg khi đó cũng lên tiếng ủng hộ luận điệu của Kramer. “Phù thủy”, như lời một linh mục xứ Franconia (bắc Bavaria, Đức ngày nay) trong một lá thư gửi Hoàng đế Maximilian I, “là giống độc hại và nên bị bắt trói ở mọi nơi và bị diệt trừ.”

Thứ niềm tin lầm lạc và mù quáng này sau đó có được một chỗ dựa tư tưởng qua Tông sắc của Giáo hoàng Innocent VIII “Summis desiderantes affectibus” (tạm dịch: “Mong muốn nhiệt thành nhất”). Tuy vậy, những phiên tòa xét xử phù thủy thực tế không diễn ra ở các Tòa án tôn giáo của Giáo hội như vẫn thường bị nhầm lẫn, mà là ở các tòa án thế tục. “Những nhà thần học đã tạo ra phù thủy, nhưng việc cáo buộc và xét xử lại được thực hiện bởi chính quyền thế tục”, nhà sử học Mỹ Hans Christian Erik Midelfort nói. Những dòng sau trích từ “Cây búa phù thủy” phác họa phần nào sự nhẫn tâm của các phiên tòa đó: “Nếu chỉ có một phù thủy thật trong số 200 người bị cáo buộc còn số còn lại đều vô tội, chẳng thà để cho 200 người chết còn hơn để một kẻ có tội sống sót”.

Bìa bản in tiếng Đức cuốn sách “De praestigiis Daemonum” trong đó Weyer phản bác lại niềm tin của đa số người cùng thời với ông về phù thủy – dù cho ông vẫn tin tưởng về sự tồn tại của ác quỷ. Phần bổ chú ở cuối cuốn sách của ông nói về “Ngụy vương quốc của quỷ dữ” liệt kê 69 loài quỷ được ông phân loại theo thứ bậc và tên gọi. Nguồn: Spektrum.
Bìa bản in tiếng Đức cuốn sách “De praestigiis Daemonum” trong đó Weyer phản bác lại niềm tin của đa số người cùng thời với ông về phù thủy – dù cho ông vẫn tin tưởng về sự tồn tại của ác quỷ. Phần bổ chú ở cuối cuốn sách của ông nói về “Ngụy vương quốc của quỷ dữ” liệt kê 69 loài quỷ được ông phân loại theo thứ bậc và tên gọi. Nguồn: Spektrum.


Đảo ngược lập luận

Khi mà làn sóng săn phù thủy đạt đến đỉnh cao vào đầu thập niên 1560, Johannes Weyer là một trong những người đầu tiên thỉnh cầu hoàng đế chấm dứt “cơn náo loạn điên rồ” này. Với ông, phù thủy chỉ là những người phụ nữ có nhiều trí tưởng tượng, là người “sầu muộn” như cách nói thời đó, và vì thế không đáng phải chịu trách nhiệm hay bị trừng phạt. Ông khéo léo lợi dụng chính những thành kiến đối với phụ nữ truyền thống để tạo thành lập luận sắc bén chống lại các phiên tòa phù thủy: phù thủy là những người đàn bà nhẹ dạ nên mới dễ bị quỷ dữ đánh lừa. Những gì mà họ nghĩ là quyền năng siêu nhiên thực ra chỉ là một thứ ảo ảnh không hơn không kém.

Phù thủy trong con mắt của Weyer không phải là loại tội phạm nghiêm trọng có thể đe dọa đến mạng sống và sự thịnh vượng của cộng đồng, mà chỉ là những sinh vật đáng thương hơn đáng trách. Kể cả khi họ đã nhận tội đi chăng nữa, họ cũng không thể bị trừng phạt vì sự điên rồ của mình. Đó là vì sao phù thủy không nên bị đốt trên giàn thiêu, mà nên được chữa trị về tâm thần.

Lập luận kiểu này khi đó có thể khiến người phát biểu gặp nhiều nguy hiểm. Quá dễ để những kẻ xấu quy cho ông tội cùng thông đồng với quỷ dữ. Trên thực tế nếu Weyer không có được sự bảo hộ của vị Công tước nhân đức Wilhelm thì chính ông đã có thể bị đưa ra trước tòa án phù thủy.

Mặt khác, việc săn lùng phù thủy không diễn ra đồng đều ở khắp Trung Âu vốn khi đó bao gồm hàng trăm các lãnh địa nhỏ không thống nhất. Dù không một phiên tòa phù thủy nào diễn ra tại Công quốc Kleve, hàng nghìn người khác vẫn bị xử tội chết trên giàn thiêu ở khắp các vùng Franconia, vùng Rhön hay Công quốc Mecklenburg. Dù là Công giáo La Mã hay Tin Lành, “những thợ săn phù thủy và những kẻ đa nghi xuất hiện ở mọi cộng đồng,” theo nhà sử học Anh Malcolm Gaskill. Trong khi những kẻ cuồng tín theo Công giáo đẩy sự hận thù của Kramer thành một thứ tín điều, những người Tin Lành cũng lấy một ý trong Kinh thánh Luther trong đó nói rằng: “Đàn bà phù thủy, ngươi không được để cho sống” (Sách Xuất hành, chương 22).

Lý giải làn sóng săn lùng phù thủy từ góc độ lòng tham, nỗi sợ và biến đổi khí hậu

Nếu những tư tưởng thần học liên tục là động lực trực tiếp tạo ra các phiên tòa phù thủy, còn nhiều nguyên nhân khác cần phải tính đến. Nghiên cứu một khối lượng lớn hồ sơ xét xử, nhiều học giả như nhà sử học Mỹ Brian P. Levack đã chỉ ra rằng lợi ích chính trị và kinh tế cũng dẫn đến hiện tượng ở nhiều nơi, hàng xóm, anh em họ hàng tố giác lẫn nhau là phù thủy. Sự thù địch và lòng tham là một môtíp không phải không phổ biến để một người có thể sẵn sàng bôi nhọ vào những người đồng hương hay họ hàng vô tội. Bản thân Weyer cũng nhìn thấy vấn đề này khi ông cảnh báo vào năm 1574 về thứ sức mạnh tàn độc của cuộc khủng bố này, rằng: “những tình bằng hữu tốt đẹp và lâu bền” sẽ bị phá hủy.

Cũng thường xuyên người ta thấy việc đàn áp phù thủy trở thành một nghề kinh doanh béo bở, bởi vì toàn bộ tài sản của người mang tội phù thủy sẽ bị trưng thu bởi chính quyền và giáo hội. Đây là vấn đề mà Weyer từng nhắc đến trong một lá thư ông gửi nhà cải cách Johannes Brenz (1499-1570).

Thêm vào đó, nỗi sợ có một người trong gia đình là phù thủy cũng bị lợi dụng để kiếm lời. Một ví dụ đến từ thị trấn nhỏ Oudewater gần Gouda (Hà Lan). Tại nhà Stadtwaage (Nhà Đo lường) dựng năm 1668 ở trung tâm thị trấn, người ta vẫn còn treo một cái cân lớn ở sảnh chính, nơi dùng để cân không chỉ pho mát, ngũ cốc hay vải vóc, mà còn cả phụ nữ. Nhiều phụ nữ từ khắp nơi đến đây, từ cả những nơi xa như Augsburg hay Nuremberg, trả tiền để được đo cân nặng và cấp một giấy chứng nhận “Được đo bởi cây cân thành Oudewater” rằng họ quá nặng để có thể (bay được trên cán chổi) như phù thủy.

Một số nghiên cứu khác cho rằng biến đổi khí hậu cũng đóng một vai trò quan trọng với làn sóng săn phù thủy. Vào khoảng giữa thế kỷ 16, châu Âu trải qua một giai đoạn giảm nhiệt độ đột ngột với mùa đông khắc nghiệt và mùa hè mát và nhiều mưa. Thời gian trồng cấy bị rút ngắn khiến cho mùa màng thất bát. Giai đoạn được gọi là Tiểu Băng hà chi phối phần lớn châu Âu từ năm 1550 đến 1650 làm cho đời sống người dân trở nên khó khăn. Mất mùa, dịch bệnh và nạn đói xuất hiện nhiều hơn, giá lương thực tăng phi mã. Người bình dân cảm thấy bất an, lo lắng về cuộc sống gia tăng. Một số người sùng đạo khi đó cho rằng những gì diễn ra là dấu hiệu của Ngày Phán xét đang đến gần. Trong tâm trạng chung, quan điểm xã hội trở nên nặng nề hơn. Người ta nói lên ý muốn tìm ra kẻ chịu trách nhiệm cho những tai ương này. “Bối cảnh đó là mảnh đất màu mỡ cho lập luận của Kramer về phù thủy có thể bắt rễ. Người ta tin rằng chính những người đàn bà của quỷ Satăng đã phá hoại bằng ma thuật điều khiển gió và thời tiết”, ông Levack nói.

Sự trừng phạt dưới Địa ngục theo hình dung của cuốn sách “Cây búa phù thủy” của Heinrich Kramer. Trong trước tác độc địa của mình, vị tu sĩ này đã thổi phồng niềm tin và nỗi sợ hãi về giáo phái phù thủy. Bất cứ ai dám chống lại quan điểm của ông ta khi đó đều có thể bị dán mác dị giáo. Nguồn: Spektrum.
Sự trừng phạt dưới Địa ngục theo hình dung trong cuốn sách “Cây búa phù thủy” của Heinrich Kramer. Trong trước tác độc địa của mình, vị tu sĩ này đã thổi phồng niềm tin và nỗi sợ hãi về giáo phái phù thủy. Bất cứ ai dám chống lại quan điểm của ông ta khi đó đều có thể bị dán mác dị giáo. Nguồn: Spektrum.

Di sản của người anh hùng

15 năm sau khi Johann Weyer viết luận đề phản đối làn sóng săn phù thủy, ông thôi vị trí thầy thuốc cho Công tước vào năm 1578 để về hưu tại tư gia ở Kleve. Trước đó một năm, ông viết mấy lời dường như để tự nhận xét cái di sản đã khiến ông trở nên nổi tiếng: “Tôi tạ ơn Chúa trời đã hướng ngòi bút tôi viết nên những bằng chứng đấy, mà khi xuất bản ở nhiều nơi đã dập tắt nạn máu chảy đầu rơi của những người vô tội và ngăn chặn sự bạo tàn dã man và bạo quyền xâu xé loài người.” Nhà khai sáng vùng hạ Rhein này có lẽ đã tự đánh giá quá cao vai trò của mình trong việc cản bước phong trào săn phù thủy, nhưng điều đó cũng không làm mất đi giá trị những đóng góp của ông cho nhân loại.

Chương cuối của cuộc đời Johann Weyer diễn ra vào tháng 1/1588 khi ông đi đến vùng Westphalia để chữa bệnh cho Bá tước Tecklenburg. Tại đây chính ông đã mắc bệnh và qua đời vào ngày 24/2/1588. Ở Grave ngày nay có một con phố được đặt tên “Bác sĩ Wier” để vinh danh người con dũng cảm của thành phố; trong khi ở Hà Lan, một hiệp hội y tế nhân đạo được đặt theo đặt tên ông - Viện Johannes Wier. Một tòa tháp của lâu đài Tecklenburg nơi ông qua đời đến nay vẫn được gọi là tháp Wier.

Đến giữa thế kỷ 17, bóng ma của tòa án phù thủy dần biến mất. Ở Đức, người cuối cùng bị kết tội phù thủy là một cô gái 14 tuổi bị xử tử tại thị trấn Landshut, Bavaria vào năm 1756. Với mốc này, những phiên tòa phù thủy mà Weyer căm ghét đã sống thọ hơn ông 150 năm có lẻ.


Nguồn:

Theodor Kissel, “Johann Weyer - Der Mann, der für die Hexen kämpfte”. Spektrum.de. https://www.spektrum.de/news/der-mann-der-fuer-die-hexen-kaempfte/1700350