Hơn 300 năm trước, dưới thời vua Lê Hy Tông, đình Kim Hoàng được dựng với bức hoành phi “Lưỡng Bảng hội đình” (đình gộp lại của hai làng Bảng), làm lễ rước thần của hai làng Bảng về chung.
Trên mảnh đất ấy, một dòng tranh đã ra đời, được quẩy gánh đi khắp xứ Đoài. Thế nhưng sau một trận lụt, nghề làm tranh mai một dần và cuối cùng biến mất hẳn. Những nhà nghiên cứu giờ đây đang nối lại khoảng đứt gẫy của lịch sử để đưa dòng tranh nức tiếng một thời trở về với đời sống hiện đại.
Trải qua bao thăng trầm
Kim Hoàng là một làng ven đô, phía Tây thành Thăng Long xưa – ngày nay thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội, vốn từ hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng nhập thành. Các cụ ở làng kể lại rằng dòng tranh này do ông Nguyễn Sỹ ở Thanh Hóa ra Thăng Long lập nghiệp ở làng Kim Hoàng sáng tạo ra, với mong muốn có một dòng tranh mới, phù hợp với nông dân cả về thẩm mỹ và túi tiền. Thế rồi, dần dần, tranh Kim Hoàng được tổ chức thành một “phường tranh”, thu hút cả làng vào công việc này.
Những ngày giáp Tết xưa, không khí làm tranh nhộn nhịp khắp làng. Mọi người làm việc tất bật, làm ngày rồi tối đến lại chong đèn ba dây mà chấm phẩm. Làm tranh từ khoảng rằm tháng Giêng, đến khoảng rằm tháng Chạp thì mang đi các vùng bán. Từ sáng sớm, các gia đình làm tranh đã cử người đến các phiên chợ trong vùng để “bỏ que giữ chỗ” để đến khi sáng hẳn mới cho người nhà quẩy tranh đến mở sạp bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng. Tranh Kim Hoàng được quẩy về các chợ như Sấu Giá, chợ Sơn Đồng, chợ Chùa Thầy, chợ Canh, chợ Diễn… Theo các cụ trong làng kể lại, những năm phát đạt, đi chợ bán tranh về phải được một gánh tiền Tự Đức nặng.
Đến năm Ất Mão đời Duy Tân (1915), xảy ra trận lụt lớn do vỡ đê Hoàng Mạc (huyện Từ Liêm), nước cuốn trôi khá nhiều ván in, nghề làm tranh Kim Hoàng từ đó suy giảm, chỉ còn lác đác vài hộ duy trì. Thêm vào đó, về sau thị hiếu người dân chuyển sang thích tranh Hàng Trống hơn, người Kim Hoàng lại mua tranh Hàng Trống để mang về bán lại cho các làng quê trong vùng, dẫn đến thị trường tranh Kim Hoàng bị thu hẹp dần.
“Cho đến khoảng cuối những năm 50 của thế kỷ trước, phong trào chống mê tín dị đoan đã dẫn đến việc các ván in bị chẻ làm củi” – cụ Trần Ất, người cao tuổi nhất làng, nhớ lại. Tranh dân gian Kim Hoàng cũng không cạnh tranh được với tranh Đông Hồ vốn có giá rẻ hơn, vì thế dòng tranh này đã dần bị mai một, và rồi biến mất hẳn.
Những tưởng số phận dòng tranh Kim Hoàng đã bị bỏ quên trong dòng chảy lịch sử, thế nhưng đến năm 1960, Trường Viễn Đông Bác cổ tiến hành sưu tầm tranh thờ và tranh Tết ở Bắc Bộ để tập hợp và giới thiệu trong cuốn sách Tranh dân gian Việt Nam (L’imagerie populaire Vietnamiene) của Maurice Durand. Ngoài hai dòng tranh nổi tiếng là Hàng Trống và Đông Hồ, ông Durand còn giới thiệu thêm một số tranh khác mà không nói đến xuất xứ. Sau đó, qua nhiều thời gian lần tìm, Bảo tàng Mỹ thuật mới tìm được gốc gác của các tranh đó ở làng Kim Hoàng, ngay cửa ngõ Thủ đô Hà Nội (Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây – Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật 2002: 153).
Các cụ cao tuổi ở làng Kim Hoàng khi xem sách của M. Durand cũng nhận ra được những bức tranh quen thuộc của làng mình, mặc dù đấy chỉ là những bức ảnh đen trắng, nhưng dường như cũng bật lên được sắc độ của những bức tranh đỏ dạo nào. Và thế là, dòng tranh dân gian Kim Hoàng đã được chính thức bước vào lịch sử nghiên cứu mỹ thuật của nước ta.
Thế nhưng, không cam tâm để dòng tranh này chỉ còn hiện hữu với vài dòng vỏn vẹn trên trang sách, nhà sưu tầm nghệ thuật cổ Nguyễn Thị Thu Hòa (Giám đốc Bảo tàng gốm sứ Hà Nội) đã đến ngôi làng Kim Hoàng để trò chuyện với các cụ trong làng. “Các cụ vẫn đau đáu tiếc nuối về tranh Kim Hoàng, và cũng có nói về dự định khôi phục lại. Ba cụ đã sang làng tranh Đông Hồ để nhờ giúp nhưng vì không có tư liệu nên đành thôi. Thời điểm đó, sách của ông Durand chỉ có bản đen trắng nên không phân biệt được các dòng tranh” – Bà Hòa kể. Từ đó, bà có thêm quyết tâm để khôi phục lại Kim Hoàng, đưa nó trở lại đời sống hiện đại ngày nay. “Nhưng dĩ nhiên, nói thì hay như vậy, nhưng khó và mệt lắm.”
Vén mở dấu vết “phường tranh” một thời
Bởi đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, dòng tranh Kim Hoàng không còn được sản xuất, hầu như không còn ván khắc lưu lại nơi sinh ra nó là Kim Hoàng. Không còn nghệ nhân khắc và in tranh của làng, không mẫu tranh, dân làng không còn thói quen chơi tranh dân gian ở thời hiện đại. Vì thế, việc phục hồi một dòng tranh đẹp ở ngay cửa ngõ của Hà Nội trở thành một việc vô cùng khó khăn.
Để thực hiện dự án “Phục hồi tranh Kim Hoàng”, bà Nguyễn Thị Thu Hòa đã đến gặp và thuyết phục các nhà nghiên cứu, chuyên gia về lĩnh vực này tham gia cùng mình. “Thật ra, để mà phục hồi lại được dòng tranh này, cần phải có cả một ê-kíp rất lớn. Tôi đã nhận được sự hỗ trợ của họa sĩ Nguyễn Đức Hòa – người rất giỏi về tranh khắc gỗ, nhà thư pháp Lê Quốc Việt, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế…” Bởi không chỉ phải tìm về nguồn gốc dòng tranh, mà còn phải nghiên cứu màu sắc, cách in, phơi tranh… “rất nhiều những việc tỉ mỉ khác nhau”.
Với mỗi một công đoạn trong quá trình làm tranh, bà Hòa đã tiếp xúc với những chuyên gia trong công đoạn đó. May mắn là công việc sưu tầm và phục chế tranh Kim Hoàng có thuận lợi khi các công bố của học giả Maurice Durand về sau được tái bản màu ở Pháp, không còn là bản đen trắng nữa. Qua giám định về màu sắc, đường nét và phong cách, các nhà nghiên cứu cho biết, trong đó có 58 bức tranh dân gian Kim Hoàng. Nhiều bức tranh cũng được người cao tuổi Kim Hoàng nhận ra đã từng được nhìn thấy in và bán ở làng mình.
Bước đầu, để xác định màu tranh được sử dụng đã là một quá trình gian nan. Dựa trên sách của ông Maurice Durand, nhóm nghiên cứu đã xác định màu tranh là màu đỏ cam và màu vàng yến. Tuy nhiên, cũng có thể do thời gian màu trong bộ sưu tập bị nhạt đi nên họa sĩ Nguyễn Đức Hòa đã thử pha các màu cam với nhiều sắc độ. Mặt khác, theo tài liệu của nhiều nhà nghiên cứu trước đây, tranh dân gian Kim Hoàng dùng giấy tàu vang, đến giờ vẫn chưa xác định được giấy tàu vang là giấy gì. Các nhà nghiên cứu đặt giả thuyết, để giảm giá thành phục vụ đông đảo nhân dân, mà chủ yếu là nhà nông, có thể nguyên vật liệu tạo màu sẽ được khai thác từ các nguyên liệu phổ thông có sẵn tại địa phương, ví dụ như giấy viết chữ của các ông đồ xưa.
May mắn thay, được sự giúp đỡ của Ban trị sự làng Kim Hoàng, nhóm phục hồi đã gặp được cụ Trần Thịnh – người viết sử cho làng Kim Hoàng. Và đặc biệt hơn nữa, vợ cụ - bà Trần Thị Liên là người bán tranh cuối cùng vào năm 1947, vẫn còn nhớ chút ít về tranh. Đến thời điểm cả nhóm về làng tìm hiểu và nghiên cứu là đã gần 70 năm nên những cụ biết về tranh đã phải trên 80 tuổi, mà làng chỉ còn 5 cụ. “Trong ngày hội làng, gặp đầy đủ cả 5 cụ cao tuổi, chúng tôi đã cho các cụ xem mẫu, và các cụ đều thống nhất màu đỏ cam trên giấy xuyến chỉ là đúng màu nhất.” Ngoài ra, tranh còn được in trên màu đỏ sen và đỏ điều.
Vì được in trên nền đỏ, nên tranh Kim Hoàng còn được gọi là tranh đỏ. “Trong quá trình nghiên cứu, mình nhận thấy những dòng tranh khác cũng chỉ bán tranh nền đỏ vào các dịp đặc biệt, chẳng hạn như Tết. Còn tranh Kim Hoàng thì hình thành hẳn một dòng tranh đỏ, đó là một điều đặc biệt khiến tranh Kim Hoàng khác biệt với những dòng tranh khác.” – Bà Hòa chia sẻ.
Sau phần màu, nhóm nghiên cứu lại tiếp tục “đau đầu” với công đoạn đục mộc bản. Trước đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam về làng sưu tầm thì chỉ còn tìm được ba ván in: một gà đơn (từ bộ đôi Thần kê), một lợn độc và ván Tiến tài – Tiến lộc từ gia đình nhà bà Hai Vân. Sau đó Bảo tàng đã phục dựng lại tranh Thần Kê và Lợn độc để trưng bày tại Bảo tàng. Trong làng còn lưu lại một mộc bản duy nhất, in chữ trên đại tự ở nhà ông Duệ. Một mặt có chữ “Phúc Mãn Đường”, một mặt có chữ “Lưu Đức Quang”. Theo ông, ván này từ đời cụ của ông để lại (cụ sinh vào khoảng năm 1882). Tranh dân gian thường dùng ván thị, và người đầu tiên đục mộc bản cho tranh là họa sĩ Nguyễn Đức Hòa. Đó là mộc bản của tranh đôi Thần kê, kích thức 37x52cm, việc đục mất gần một tháng. Kỹ thuật khắc của Kim Hoàng cho thấy từ khâu chọn gỗ thị có tính mềm, dẻo, không bị nứt, bền. Người thợ dùng tới khoảng 40 loại đục, có loại đục chữ V, loại dao trổ. “Trong các khâu kỹ thuật thì khâu khắc là khó nhất. Mà trong việc khắc ván thì khắc cho Kim Hoàng khó hơn cho Đông Hồ vì đòi hỏi nét khắc tinh tế và nhỏ, đanh hơn.”
Ngoài ra, khi thử nghiệm nhuộm tranh, “chúng tôi nhuộm thì không thể nào làm phẳng tranh được, hỏng bảy trăm tờ giấy dó.” Mang thắc mắc trong lòng, “chúng tôi mới đến hỏi cụ Nguyễn Đăng Chế, nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ. Được cụ giải đáp tỉ mỉ, chúng tôi về nhuộm tranh theo cách cụ thì được ngay”. Cần dùng một tấm bìa carton, hòa phẩm với hồ, dùng chổi thông để quét nhanh tay. Vào ngày nắng nhẹ, phơi tranh sẽ nhanh khô và lên màu tươi.
Qua quá trình tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã có một vài thành quả bước đầu về phục hồi tranh dân gian Kim Hoàng. “Nó là một quá trình nghiên cứu, tìm tòi, chứ không đơn giản chỉ là vẽ ra một cái sản phẩm.” – Bà Hòa chia sẻ. Nhưng còn một quá trình khó khăn hơn ở phía trước, đó là đưa được sản phẩm ra thị trường. “Đó là lý do chúng tôi xuất bản cuốn sách ‘Dòng tranh dân gian Kim Hoàng’, bởi chúng tôi cần trụ cột về mặt lý thuyết, chỉ như vậy thì mới có cơ sở để công chúng thừa nhận sự tồn tại và phát triển của dòng tranh này. Còn cả một chặng đường dài phía trước, chắc phải đến năm con Gà thì nghệ nhân may ra mới sống được bằng nghề này.”
Cái đích cuối cùng là thị trường
Nhắc đến cụm “năm con Gà”, bà Thu Hòa đang muốn nhắc đến lộ trình mà bà mong muốn đạt được: phục hồi tranh dân gian Kim Hoàng trong 12 năm. Khởi động từ cuối năm 2015, đến đầu năm 2017 (Đinh Dậu) thì tranh Kim Hoàng bắt đầu được đưa ra trình làng với hai chủ đề chính là Thần kê và Lợn độc. “Đó là năm đầu tiên, và giờ đã là năm thứ 4. Mong là đến năm con Gà kế tiếp (2029) thì những mong muốn của mình sẽ đạt được.”
Cho đến hiện tại, bà Hòa vẫn đang tự bỏ tiền túi để ‘nuôi’ nghệ nhân. Bên cạnh việc tiếp xúc với một số người trong làng muốn tiếp nối nghề của cha ông mình, bà còn mời các họa sĩ trẻ, tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cùng tham gia. “Mình phải thực tế, mình không thể dạo chơi được. Một khi nghệ nhân Kim Hoàng có thể sống được bằng nghề này, thì khi ấy, giá trị văn hóa mới được gìn giữ lâu dài.”
Không bó buộc mình chỉ trong những bản tranh đã có sẵn, nhóm phục hồi còn sáng tạo thêm mẫu mới dựa theo phong cách Kim Hoàng. Ví dụ, họa sĩ Nguyễn Đức Hòa đã có những sáng tác mẫu tranh từ phong cách điêu khắc đình làng thế kỷ XVII như mẫu Tiên nữ cưỡi rồng, đấu vật (vốn làm mảng chạm khắc trong đình Kim Hoàng),… “Nếu muốn tranh sống được, cần phải có mẫu mới để phục vụ nhu cầu thị trường. Rất may là cụ Lê Đình Nghiên – nghệ nhân tranh Hàng Trống đã đồng ý giúp đỡ chúng tôi trong việc sáng tạo thêm mẫu mới.” Tranh dân gian tích hợp rất nhiều giá trị văn hóa trong đấy, nếu không thông hiểu về tín ngưỡng, văn hóa Việt Nam thì sẽ không bao giờ tạo được mẫu tranh ý nghĩa. “Một nghệ nhân như ông Nghiên là cả một nhà văn hóa, chứ không đơn thuần chỉ là một nghệ nhân.”
Bà Hòa mong muốn sẽ hoàn thành mẫu mới trong thời gian tới, để kịp thời tái bản cuốn sách Tranh Kim Hoàng, đi kèm với đó là tổ chức một cuộc triển lãm. “Dù biết khó, nhưng mình vẫn phải làm” – bà Hòa chia sẻ, “Trách nhiệm xã hội là trách nhiệm của mỗi người mà. Cờ đến tay ai thì người đó phất thôi. Mà nếu cờ không đến tay mình thì cũng chẳng biết chờ đến bao giờ mới có người làm, trong khi văn hóa thì cứ đang biến mất dần.”