Istanbul, thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ, là một thành phố hết sức đặc biệt khi nằm tại nơi giao thoa giữa châu Âu và châu Á.

Chính nhờ vị trí chiến lược này mà Istanbul đã từng là thủ đô của Đế quốc Đông La Mã hay Byzantine với tên gọi Constantinople. Sau này, nó lại tiếp tục trở thành cứ điểm quyền lực của các vị vua Hồi giáo (sultan) Ottoman, với tầm ảnh hưởng bao trùm sang cả châu Phi lẫn thế giới Ả Rập.

Istanbul là một thành phố “liên lục địa” khi nằm tại nơi giao thoa giữa châu Âu và châu Á. Ảnh: Wikimedia.

Nhưng chính xác thì tên gọi Istanbul có từ khi nào? Câu trả lời, đáng ngạc nhiên lại không phải là khi thành phố bị quân Ottoman chiếm đóng vào năm 1453. Các tên gọi biến thể khác của Constantinople vẫn tiếp tục được những người chinh phạt nói tiếng Thổ (Turkic) sử dụng sau đó. Theo nhiều tài liệu chính thống, người Ottoman trên thực tế đã từng gọi Istanbul là Kostantiniyye – giáo sư Christoph Herzog, trưởng khoa Thổ Nhĩ Kỳ học tại Đại học Bamberg (Đức), cho biết.

Trước đó, thành phố còn trải qua nhiều lần đổi tên khác trước khi được gọi là Constantinople. Đầu tiên, vào năm 657 TCN, những người Hy Lạp sáng lập đã đặt tên cho nó là Bazantion (đánh vần thành Byzantion). Sang thời La Mã, cùng với việc tiếng Latin được áp đặt làm ngôn ngữ chính thức cho toàn vương quốc, nó lại được đổi thành Byzantium, Tân Rome, rồi Augusta Antonina (để vinh danh người con trai của một vị hoàng đế), chưa kể những biệt danh khác như “Nữ hoàng của các thành phố” (Queen of Cities),… hay đơn giản chỉ là “thành thị” (The City). Năm 330, Constantine Đại đế (280 – 337) – vị vua La Mã đầu tiên cải đạo sang Ki-tô giáo và ban sắc lệnh Milano (cấm thảm sát tín đồ Ki-tô giáo trên toàn bộ vương quốc) đã đặt tên mới cho thành phố là Constantinople (theo chính tên gọi của ông). Cách gọi này đã tồn tại cho đến khi người Ottoman xuất hiện.

Thánh đường Hồi giáo Blue Mosque tại Istanbul.
Ảnh: Nikada/Getty Images.

Thực ra người Ottoman đã không chính thức xóa bỏ cái tên Constantinople khi họ chiếm được nó vào năm 1453. Tuy nhiên, cuộc chinh phạt đã đánh dấu một sự chuyển dịch địa chính trị quan trọng, khi trọng tâm quyền lực cùng tầm ảnh hưởng của Constantinople ngày càng xa rời châu Âu và hướng về phương Đông nhiều hơn.

“Nhưng ngay cả khi chuyện đó diễn ra, tính biểu tượng và tầm quan trọng chiến lược của Istanbul vẫn không hề bị chối bỏ. Trên thực tế, nó đã trở thành thủ đô mới của Đế chế Ottoman,” Herzog nhận định. Người dân ở các nơi khác trên toàn vương quốc bắt đầu sử dụng từ Istanpolin – mang nghĩa là “tới thành thị” trong tiếng Thổ (phỏng theo cụm từ eis tan polin trong tiếng Hy Lạp) để mô tả một cách thông tục nơi chiếm đóng mới của quân đoàn Ottoman. Từ Istanpolin dần được sử dụng thường xuyên hơn nhưng tên chính thức của thành phố vẫn là Constantinople. Sau nhiều thế kỷ, cùng với sự tiến hóa của ngôn ngữ bản địa, tên gọi Istanpolin cuối cùng cũng được cải biến và hoàn thiện, trở thành Istanbul.

Từng là Vương cung Thánh đường Công giáo thời La Mã, Hagia Sophia trong tiếng Hy Lạp mang nghĩa trí tuệ, thánh thiện. Ảnh: Wikimedia.

Sau khi thất bại trong Thế chiến I, đế quốc Ottoman bị chiếm đóng và giải thể vào năm 1922. Năm 1923, Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập. Sau đó không lâu, năm 1930, dịch vụ bưu chính Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định lấy Istanbul làm tên gọi chính thức của thành phố để thuận tiện giao dịch; các tổ chức khác ngay sau đó cũng làm theo. Trong cùng năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và những quốc gia khác bắt đầu sử dụng tên gọi Istanbul trên những kênh liên lạc chính thức của họ với xứ sở này.

Rất khó khẳng định chính xác Constantinople trở thành Istanbul từ khi nào. Bởi vì trước đó người ta cũng đã quen thuộc với tên gọi Istanbul cùng các biến thể của nó trong nhiều thế kỷ (một phần cũng do quá trình tiến hóa ngôn ngữ phức tạp). Nhưng điều quan trọng nhất, theo Herzog, là những dấu vết lịch sử lâu đời tại Istanbul, dù trải qua bao nhiêu thăng trầm đã không hề lụi tàn mà còn in đậm vào bản sắc của thành phố.

Với diện tích 5.461 km2, dân số hơn 15 triệu người, Istanbul là thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ và là một trong các vùng đô thị lớn nhất châu Âu. Tuy không còn là thủ đô từ năm 1923 nhưng Istanbul vẫn được phần lớn mọi người xem là “thủ đô lịch sử”, một trung tâm văn hóa và kinh tế tài chính quan trọng bậc nhất thế giới. Istanbul từng được mệnh danh là “Thủ đô văn hóa của châu Âu”, một trong mười điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte thậm chí còn nhận định: “Nếu thế giới này chỉ có một đất nước thì Istanbul sẽ là thủ đô”.

Tại Istanbul có vô số công trình kiến trúc lịch sử quan trọng, hấp dẫn du khách như nhà thờ Hồi giáo Sultan Ahmed hay Blue Mosque (Thánh đường Xanh); bảo tàng Hagia Sophia, vốn là thánh đường Công giáo được xây dựng từ thời Hoàng đế Justinianus (482 - 565) của Đế quốc Đông La Mã; hệ thống bể chứa nước ngầm Basilica Cistern, được ví như một “thành phố dưới lòng đất”, từng xuất hiện trong bộ phim về điệp viên 007 - From Russia with love. Tại Istanbul, du khách sẽ không thấy sự vội vã náo nhiệt của châu Á nhưng cũng chẳng thể cảm nhận được sự quy củ và có phần hơi lạnh lùng của châu Âu. “Đông đúc nhưng không bận rộn” có lẽ là cụm từ phù hợp để chỉ đặc điểm của thành phố này.