Người dân sinh tồn nhờ nhiều mẹo mực, trong khi giới chức sắc trục lợi nhờ tư duy kiếm chác và tài “biến hóa” - cuốn khảo cứu có tính chất giới thiệu làng xã An Nam của Paul Ory khái quát.

Trong vai trò của một công sứ thuộc địa vào cuối thế kỉ XIX, Paul Ory, cũng như nhiều quan chức hành chính xuất thân chữ nghĩa khác, sớm nhận thấy An Nam là mảnh đất thỏa mãn các nhu cầu tri thức tìm hiểu, khám phá.

Lựa chọn “làng xã” làm đối tượng, có thể nói, là thao tác có phần mạo hiểm vì chính đơn vị hành chính này, tuy thường khiêm tốn về diện tích, nhưng lại hàm chứa toàn bộ sự phức tạp của đời sống thuần nông mà ngay cả người trong cuộc cũng chưa hẳn đã thấu hiểu kĩ càng. Ngoài dày công học tiếng Việt, Paul Ory, như đôi lần ông nhắc đến, có lẽ đã tự mình đi thăm thú, quan sát nhiều làng, nhất là các làng ở Bắc Kỳ và nhờ thế, không chỉ mô tả sinh động, ông còn đưa ra những khái quát, phân tích chi tiết khá xác đáng. Bởi vậy, độ khó và cũng là điểm sáng giá trong khảo cứu này nằm ở góc nhìn vốn dĩ khách quan nhưng lại sắc sảo, tường tận khiến mọi thứ trở nên dễ nắm bắt.

La commune Annamite au Tonkin - xuất bản lần đầu tại Paris năm 1894, từng được hai học giả Nguyễn Văn Huyên và Đào Duy Anh xếp vào thư mục tham khảo của mình vào cuối thập niên 1930 - vừa ra mắt bản tiếng Việt.
La commune Annamite au Tonkin - xuất bản lần đầu tại Paris năm 1894, từng được hai học giả Nguyễn Văn Huyên và Đào Duy Anh xếp vào thư mục tham khảo của mình vào cuối thập niên 1930 - vừa ra mắt bản tiếng Việt.

Như một cẩm nang, Paul Ory giới thiệu làng An Nam theo nhiều phương diện thuộc về nội tại của nó: tổ chức hành chính/quyền lực của làng; phân hạng dân; kiểm soát và phân chia đất đai; việc thu thuế; tính chất và vai trò lễ, hội… Tuy mỗi phương diện chỉ mới dừng ở mức độ phác dựng nhưng khó có thể cho rằng Paul Ory chỉ “lướt qua”, mà ngược lại, ông biết xoáy sâu vào những nét riêng đến mức thành cắc cớ, thành một thứ “gen” văn hóa và tính cách hằn sâu ở làng suốt chiều dài lịch sử.

Chẳng hạn, về hội đồng kỳ mục, Paul Ory nhấn mạnh “không có nơi nào mà quyền lực vượt trên cả pháp luật như ở nơi đây: chỉ cần lưu tâm tới vụ việc, bằng vài món quà biếu xén là đủ khiến kẻ nghèo hèn và người yếu thế trở thành kẻ phạm tội, bất chấp công lý”. Về bộ phận “xã tuần” hay “tuần phiên” lo việc trị an trong địa bàn, Ory bình luận: “có vẻ như chính những tay tuần đinh ồn ào và cảnh giác này, dù đóng góp không ít công sức xua đuổi kẻ xấu, nhiều khi lại chính là đám trộm cắp”. Về tâm lí lo sợ phải chịu “cả ngàn phiền nhiễu” nếu đụng vào nhóm người quyền thế, Ory nhận thấy “đa số người dân đành làm ngơ trước một sự việc tổn hại đến lợi ích chung”… Tuy không chủ ý giọng điệu chế giễu nhưng tác giả cũng lấy làm ngạc nhiên vì tình trạng tự do bán đất công (“công điền”) hay việc người dân không có động cơ “mở rộng diện tích đất đai sở hữu” mà bằng lòng với việc “khai thác tối đa miếng đất mình có” trong khi anh ta vẫn thường xuyên “vung tay tiêu tán hầu hết vào cờ bạc”.

Người nông dân An Nam, như tác giả cảm nhận, ít nhiều có tính “vô lo” vì họ biết trong làng bao giờ cũng có phần công điền, công thổ được chia theo định kì. Tuy vậy, việc phân công điền từng làm cho nhiều kẻ há miệng chờ sung được Paul Ory coi như một sự kiện lớn và nhiều kịch tính. Trong đó, dai dẳng nhất, là sự lạm dụng quyền lực của hàng chức sắc khi phần lớn ruộng đều rơi vào tay họ, “cháu chắt, anh em họ hàng hay người hầu của họ”, khiến những thanh niên hai mươi tuổi xuất thân hèn kém “bị loại khỏi sổ hàng xã và hậu quả là bị tước đoạt phần công điền mà họ lẽ ra phải được hưởng”. Nhìn ra sự bất cập trong phân chia công điền và mua bán tư điền, Paul Ory không khỏi cảm khái cho xứ sở mà “mẹo mực đóng vai trò lớn trong cuộc đấu tranh sinh tồn”!

Nhiều lần nhấn mạnh tính chất tự chủ, tự trị của làng xã An Nam, Paul Ory cũng đồng thời nhận thấy ở đó những thiết chế đã kìm hãm sự phát triển của làng và tạo nên những ức chế, bất công cho người dân. Nếu triều đình không hoặc không thể can thiệp sâu vào mọi việc ở làng thì đó là thất bại của nhà nước về mặt quản lí chứ không nên coi là một nhượng bộ.

Paul Ory ví làng An Nam như một Protée (nhân vật trong thần thoại Hy Lạp có tài biến hóa thành bất cứ thứ gì) hiện đại, tuy sống nhờ đất đai của triều đình nhưng lại luôn nằm ngoài vòng kiểm soát của triều đình. Thành thử, trong nhiều việc cần kíp như thu thuế và lao dịch, làng đều tùy cơ quyết định, tự tung tự tác. Điều này, về lâu dài, hình thành thói quen gian dối hoặc bao che của giới chức sắc hòng trục lợi cho mình. Một ví dụ mà Paul Ory nêu ra ấy là làng xã không bao giờ trình lên triều đình một con số chính xác dân cư của làng. Lí do sâu xa nằm ở tư duy kiếm chác của chính quyền làng xã mỗi khi triều đình thu thuế, tuyển mộ binh lính hay đinh tráng phục vụ lao dịch. Rút cuộc, làng xã luôn hoàn thành “nghĩa vụ” nhưng không phải lúc nào cũng đem lại giá trị thặng dư cho triều đình.

Chủ đề làng xã An Nam, giờ đây, đã là chủ đề lớn và ghi nhận nhiều thành tựu nghiên cứu của học giả quốc tế lẫn Việt Nam. Do vậy, ngay cả khi không còn mặn mà với những mô tả, ghi chép tư liệu trong cuốn sách này, tôi nghĩ, độc giả hôm nay vẫn có thể bày tỏ chút thiện cảm trước các đề đạt cải cách làng xã của Paul Ory trong thời điểm ông đang phục vụ chính quyền thuộc địa. Ở đó, loại bớt những tham vọng và ý tưởng có phần bay bổng, tự tin của “kẻ chinh phục”, chúng ta rất nên chia sẻ một mong muốn chắc hẳn chân thành: biến vùng đất vốn được thiên nhiên ưu ái này thành một trong những xứ sở thanh bình và thịnh vượng nhất trên thế giới.