Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp Quốc, giới chuyên gia và các công ty khởi nghiệp đang tìm cách biến việc dùng côn trùng làm thực phẩm thành một thói quen dinh dưỡng lành mạnh cho toàn thế giới, coi đây là nguồn thực phẩm chủ đạo cung cấp protein.
Bổ dưỡng, kinh tế, lợi môi trường
Khoảng 2 tỷ người trên thế giới có thói quen ăn côn trùng. Người Mexico ăn kiến đỏ chưng mỡ, người Nam Phi mê sâu đậu mopane áp chảo. Thái Lan, với hơn 20.000 trang trại côn trùng được cấp phép, mỗi năm sản xuất 7.000 tấn sản phẩm. Còn trong tiềm thức nhiều người Việt Nam, nhộng tằm, châu chấu rang là biểu tượng ẩm thực đồng quê.
Dùng côn trùng làm thực phẩm (entomophagy) là hướng đi được khuyến khích trên bình diện toàn thế giới. Báo cáo của Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp Quốc (FAO) về tiềm năng sử dụng côn trùng làm thực phẩm năm 2013 khẳng định, thực phẩm này rất giàu protein, nhiều canxi, sắt, kẽm và là nguồn chất béo tốt. Về môi trường, việc nuôi côn trùng cần ít đất canh tác trong khi hiệu suất chuyển hóa thức ăn thành protein cao hơn nhiều so với gia súc, gia cầm. Về mặt sinh kế, việc nuôi và thu hoạch côn trùng đem lại cơ hội cho người nghèo nhờ đòi hỏi về vốn và công nghệ không quá cao.
Tuy vậy, với nền văn hóa phương Tây, côn trùng vẫn chưa dễ có mặt trong bữa ăn hằng ngày. Có nhiều lý do để giải thích, như điều kiện khí hậu ít phù hợp so với các nước nhiệt đới hay sự thất bại của các chiến dịch truyền thông về entomophagy trong quá khứ. Tuy nhiên, điều này sẽ sớm thay đổi.
Vạn sự khởi đầu nan
Công ty Steak TzarTzar của Israel là một trong 24 đơn vị khởi nghiệp được vinh danh trong giải thưởng Food + City Food Challenge 2016 tại Mỹ. Tzar Tzar tiếng Do Thái nghĩa là châu chấu và giải thưởng này đánh dấu bước thành công nhất định của xu hướng chuyển sang dùng thực phẩm côn trùng.
Trước đó, năm 2014, trang trại NMF (Next Millienium Farms - trang trại Cho thiên niên kỷ kế tiếp) đi vào hoạt động. Cảm hứng xây dựng NMF có từ báo cáo 2013 của FAO và từ thành công của mặt hàng bột dế trên một chương trình truyền hình. Chủ trang trại Jarrod Goldin cho biết: “Năm 2015, mỗi tháng NMF đạt doanh thu hơn 100.000USD, phần lớn từ việc bán bột côn trùng cho các thương hiệu thực phẩm nổi tiếng và các công ty khởi nghiệp Mỹ”.
NMF cũng xuất khẩu sản phẩm đến các khách hàng tư nhân tại Bắc Mỹ, Australia và châu Âu, đồng thời tích cực tiếp xúc với khách hàng trên mạng.
Hãng marketing Phần Lan Ivenire đang nghiên cứu trên quy mô toàn cầu về ngành nuôi côn trùng thực phẩm và chia 3 phân khúc khách hàng: Những người đang tìm trải nghiệm mới, những người muốn đi đầu trong xu thế mới và những người ủng hộ phát triển bền vững, chấp nhận thay đổi thói quen tiêu dùng. Nghiên cứu cho biết, nhiều người tiêu dùng quan tâm đến hiệu quả của việc chuyển sang ăn thực phẩm từ côn trùng hơn là bản thân nguồn thực phẩm này.
Các chiến dịch truyền thông diện rộng hướng đến nhận thức của công chúng có thể sẽ là chìa khóa để entomophagy đến với phương Tây.
Rào cản pháp lý
Việc nuôi gia cầm - nguồn thực phẩm giàu protein quan trọng - trong các trang trại tại Mỹ từ lâu đã được cảnh báo là mối đe dọa lớn cho môi trường. Lượng carbon phát thải của ngành chăn nuôi tại đây còn lớn hơn công nghiệp vận tải toàn cầu. Đây là cơ hội cho ngành nuôi côn trùng.
Về kỹ thuật, vướng mắc lớn nhất với các trang trại nuôi côn trùng là chứng minh côn trùng không chứa kháng sinh và các nguồn bệnh khác. Theo Paul Vantomme - một tác giả của báo cáo FAO 2013, phần lớn doanh nghiệp đã ý thức khá đầy đủ về vấn đề này. Trở ngại lớn nhất đối với các nguồn đầu tư vào việc nuôi côn trùng chính là rào cản pháp lý.
Tại Mỹ, hành lang luật pháp về sản xuất và tiêu thụ côn trùng thực phẩm chưa được chú ý. Đây vẫn đang là một loại thực phẩm mới tuân thủ tiêu chuẩn chung về vệ sinh. Còn tại châu Âu, các doanh nghiệp vẫn phải xử lý theo từng trường hợp cụ thể. Các điều khoản về việc sử dụng côn trùng làm thức ăn chỉ mới được dự kiến ban hành trong năm 2016.
Việc thiếu tiêu chuẩn và hướng dẫn cũng ảnh hưởng đến việc đem entomophagy từ các quốc gia có truyền thống sang Âu - Mỹ. Theo Thailand Unique - nhà xuất khẩu côn trùng lớn nhất Thái Lan, sản phẩm của họ vẫn chưa thể vào châu Âu do vấn đề pháp lý.
Một số nước EU như Pháp, Anh cho phép nhập côn trùng, nhưng quy trình thủ tục rất lâu và tốn kém. Bỉ đã cho phép sử dụng 10 loại thực phẩm từ côn trùng. Thụy Sỹ và Hà Lan cũng đang nới lỏng quy định về loại thực phẩm này, một trong những việc đầu tiên cần làm để côn trùng trở thành nguồn thực phẩm thay thế cho thế kỷ 21.