Theo sách kỷ lục Guiness, cây vân sam Sitka mọc ở hòn đảo cận Bắc cực thuộc rìa phía Nam của New Zealand được xem là cái cây cô độc và xa xôi nhất trên Trái Đất.

Không chỉ là cái cây duy nhất trên đảo Campbell, nó còn là cái cây duy nhất được tìm thấy trong vòng bán kính 200 km.

Đảo Campbell là một trong những nơi được xem là khắc nghiệt nhất thế giới, nơi gió mạnh thổi quanh năm, chỉ có 600 giờ hưởng ánh nắng mặt trời và chỉ 40 ngày không mưa mỗi năm.

Cây vân sam Sitka trên đảo Campbell, New Zealand. Nguồn: BBC.
Cây vân sam Sitka trên đảo Campbell, New Zealand. Nguồn: BBC.

Mới có một số nhà khoa học tìm đến đây để nghiên cứu trong vòng hơn nửa thế kỷ qua. Cây cối cũng khó có thể sống nổi ở vùng đất này, mà chỉ có các bụi cỏ hoang sinh sôi.

Người ta tin rằng cây vân sam Sitka duy nhất mọc trên đảo Campbell được trồng bởi vị lãnh chúa lập dị Ranfurly, người cầm quyền New Zealand trong khoảng năm 1901-1907.

Đến nay người ta vẫn không rõ lý do vì sao Ranfurly lại trồng cây Sitka trên đảo Campbell, nhưng theo một số nguồn tin, lúc bấy giờ ông muốn phủ xanh hòn đảo. Tuy nhiên kế hoạch đổ bể do khí hậu tại vùng đất này quá khắc nghiệt. Nhưng bằng cách nào đó, cây vân sam Sitka mà ông trồng khi xưa vẫn sống sót qua hơn một thế kỷ.

Ngoài việc nổi tiếng là cái cây cô độc nhất Trái Đất, cây vân sam Sitka trên đảo Campbell còn có nhiều điều đặc biệt khác. Vẻ ngoài của nó trông giống hệt một cái súp lơ khổng lồ hơn là một cái cây. Điều này được cho là do các cành của nó bị chặt tỉa mỗi năm, trong suốt nhiều thập kỷ liền.

Được biết, trước năm 1958, nhân viên thuộc một trạm khí tượng trên đảo Campbell đã cắt tỉa cái cây mỗi năm, thậm chí cắt một số cành của cây này về để làm cây thông Noel. Nhưng 6 thập kỷ sau đó, không có ai đụng tới cây vân sam này, giúp cho nó phát triển tới chiều cao trên 10 mét như hiện nay.