Một nhà thiên văn nghiệp dư tại Argentina đã chụp được những bức ảnh đầu tiên về sự ra đời của một siêu tân tinh ở giai đoạn đầu tiên. Cơ hội bắt gặp hiện tượng này được cho là còn nhỏ hơn việc trúng sổ xố giải đặc biệt.
Victor Buso đã háo hức sử dụng chiếc camera mới trên kính thiên văn của mình. Nhưng nhà thiên văn nghiệp dư này không muốn làm phiền hàng xóm khi mở đài quan sát trên tầng thượng, vì vậy ông chĩa kính thiên văn qua một lỗ hổng trên hàng rào chắn bảo vệ xung quanh vào ngày 20/9/2016 khi trời tối.
Buso hướng kính thiên văn về phía thiên hà xoắn ốc NGC 613, cách chúng ta 85 triệu năm ánh sáng ở bầu trời phía nam. Ông phát hiện một đốm sáng xuất hiện khá nhanh chóng trong hàng loạt hình ảnh đã chụp. Giờ thì ông và một nhóm các nhà thiên văn chuyên nghiệp đã công bố trên tạp chí Nature (hôm 21/2/2018) về cái dường như là quan sát đầu tiên về giai đoạn đầu của một vụ nổ siêu tân tinh.
"Đây là một khám phá tuyệt vời. Cơ hội bắt gặp sự kiện này nhỏ hơn việc trúng sổ xố giải đặc biệt", Norbert Langer, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Bonn (Đức), nói.
Loại siêu tân tinh mà nhóm nghiên cứu quan sát được xảy ra khi một ngôi sao khổng lồ hết nhiên liệu hạt nhân bên trong lõi. Khi đó ngôi sao bắt đầu sụp đổ, nén các proton và electron vào nhau và chuyển chúng thành neutron. Các nhà vật lý thiên văn đưa ra giả thuyết rằng, sự sụp đổ này gây ra sóng xung kích có thể mất một ngày để truyền tới bề mặt của ngôi sao.
Các nhà thiên văn học trước đây đã nhìn thấy một siêu tân tinh vào thời điểm khoảng 3 giờ sau khi sóng xung kích truyền tới bề mặt sao. Nhưng bằng cách chụp một loạt ảnh có độ phơi sáng 20 giây trong hơn 90 phút, Buso lần đầu tiên ghi lại được sự gia tăng nhanh chóng về độ sáng được dự đoán là sẽ xảy ra khi sóng xung kích bùng nổ.
Buso thường xuyên so sánh những bức ảnh chụp được từ nhà của mình ở Rosario, Argentina, với hình ảnh lưu trữ trực tuyến từ các đài quan sát khác. Nhưng đêm đó, Buso thấy sự khác biệt không chỉ giữa hình ảnh của mình và kho lưu trữ, mà còn giữa những bức ảnh ông chụp đầu tiên và chụp trong vòng 90 phút tiếp theo. Buso nghĩ rằng: "Trời ơi, cái gì thế này?" Với sự giúp đỡ của một người bạn, Buso ngay lập tức báo cáo phát hiện của mình tới Liên minh Thiên văn Quốc tế - một tổ chức của các nhà thiên văn học chuyên nghiệp.
Việc bắt gặp giai đoạn đầu của một siêu tân tinh nghĩa là các nhà vật lý thiên văn có thể kiểm tra mô hình của họ về cách thức và lý do tại sao vụ nổ siêu tân tinh xảy ra, Langer cho biết.
Những nỗ lực làm việc nhiều đêm ở kính thiên văn của Buso đã được đền đáp xứng đáng. "Nhiều lần tôi tự hỏi mình: Tại sao tôi lại làm điều này? Bây giờ tôi đã tìm thấy câu trả lời", Buso nói.
Quốc Hùng (Theo Nature)