Sau khi hàng trăm hiệu ảnh được mở ở Việt Nam vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, công việc chấm sửa và tô màu trực tiếp lên ảnh cũng trở nên hưng thịnh và được nhiều người theo đuổi.
Đến nay, sự phát triển của máy tính và các công nghệ chỉnh sửa ảnh hậu kỳ đã khiến công việc thủ công này gần như biến mất hoàn toàn. Nếu có, người nghệ nhân chỉ làm để nhớ lại một thời vàng son của nghề trong quá khứ.
Chúng tôi đã tìm gặp người nghệ nhân chấm sửa ảnh cuối cùng được biết đến của miền Bắc, ông Phạm Đăng Hưng hiện sống trong một ngôi nhà nằm sâu trong ngõ trên phố Kim Mã (Hà Nội). Ở tuổi 85, người nghệ nhân mắt đã mờ, tay đã chậm vẫn rành rọt kể lại những câu chuyện về nghề với chất giọng hào hứng và tha thiết.
Nghệ nhân Phạm Đăng Hưng ngồi trên chiếc bàn nơi ông đã chỉnh sửa hàng nghìn bức ảnh.
Tôi được hứa trả lương 2 lạng vàng/tháng
“Tôi vào nghề từ năm 1948, khi mới 15 tuổi và gia đình tôi từ làng Lai Xá (Hoài Đức, Hà Nội) chuyển lên Hà Nội kiếm sống. Ông nội tôi theo cụ Khánh Ký (tức cụ Nguyễn Đình Khánh –cụ tổ nghề ảnh làng Lai Xá– PV) vào Sài Gòn học nghề ảnh. Bố tôi là thợ ảnh nổi tiếng khi đó, cụ Phạm Văn Cầm. Tính đến tôi là đời thứ ba theo nghề ảnh.
Ban đầu, hai bố con tôi làm thuê cho một hiệu ảnh, tích lũy rồi lập nghiệp dần dần. Đến năm 1949 thì bố tôi mở được cửa hàng riêng ở đường Nam Bộ (nay là phố Lê Duẩn, cạnh ga Hà Nội).
Nhờ có chút năng khiếu nên tôi học rất nhanh. Khoảng tháng 10 tôi bắt đầu học thì đến gần Tết là làm thành thạo. Ban đầu tôi làm những công việc đơn giản như chỉnh sửa các chi tiết thuộc về phông nền, trang phục, rồi khó dần lên như chỉnh sửa các chi tiết nét mặt, vóc dáng… Nhiều hiệu ảnh ưng tôi lắm nên muốn thuê, hứa trả lương ít nhất 2 lạng vàng mỗi tháng nhưng bố tôi không đồng ý. Cả đời bố tôi đã đi làm thuê, giờ nhà lại có cửa hàng nên ông muốn hai bố con làm cùng.
Tôi làm cả ngày, không đi chơi, cả năm cũng không đi xem phim. 7h sáng dậy làm miết tới 11h đêm. Lúc có khách thì chụp ảnh, không thì đi sửa ảnh.
Nhiều khi tôi không nhận ra mình đã sửa chỗ nào
Những năm 1950, thợ ảnh đều dùng mực tàu để sửa ảnh. Tuy nhiên, loại mực này có cặn, dễ gây mốc, ảnh trông lem nhem và hằn vết bút nên khách không thích.
Sau này, một vài cửa hàng cải tiến, họ lấy nhựa thông ngâm với xăng (khoảng nửa lít xăng ngâm với 1 đốt ngón tay nhựa thông) rồi lấy dung dịch đó phun lên ảnh như một lớp nền rồi mới bắt đầu chấm sửa. Nhờ công đoạn này đỡ được 5 phần cặn mực bám vào ảnh nhưng nhựa thông có màu vàng nâu, ảnh không trong, phun nhiều rất ố.
Đến khoảng năm 1960, chúng tôi chuyển sang dùng quyển màu của Trung Quốc với 12 màu. Để tiết kiệm, tôi cắt từng miếng màu nhỏ ngâm vào chén lấy màu, phơi khô cho kết tinh, khi dùng thì pha ra các màu theo ý muốn. Loại màu này không bị cặn, người khó tính nhìn góc nào cũng không thấy vết bút. Nhiều khi chấm xong, tôi cũng không nhận ra mình đã sửa chỗ nào.
Nguyên gốc của bức ảnh là đen trắng, được ông Hưng chấm sửa lại theo trí nhớ về buổi biểu diễn âm nhạc.
Muốn ngực đầy, eo thon, tôi đều làm được
Tôi chia việc sửa ảnh thành 3 mức: Sửa cho sạch - Sửa cho đẹp - Làm thủ thuật. Mức thứ nhất cũng là mức đơn giản nhất, ảnh có vết xước hay bụi, tôi phải sửa cho nhẵn, không còn dấu vết. Mức thứ hai dùng nhiều cho ảnh nghệ thuật hoặc ảnh tố nữ. Mỗi người đều cần có điều chỉnh riêng. Người mặt có nhiều tàn hương, mụn trứng cá, tôi sẽ sửa cho da thành mịn.
Mức cuối cùng cần sự tỉ mỉ và không nhiều người làm được, tức là làm thủ thuật để sửa các chi tiết nhỏ trong ảnh. Ví như có cô mắt một mí, tôi làm cho to ra, tạo thành 2 mí. Nhiều người bị nhắm mắt, tôi chỉnh cho mở mắt, mũi tẹt thì nâng lên, gò má cao thì chiết bớt, mặt vuông thì chỉnh cho trái xoan.
Xuống đến phần thân, ngực phẳng tôi sửa cho thành đầy đặn, bao nhiêu cũng được, tùy theo ý khách hàng. Cái này rất khó, cô nào mặc áo ngực trễ thì mình sửa trực tiếp trên da nhưng cô nào mặc áo kín, phải căn cứ vào nếp áo để chỉnh. Có cô bụng nhiều mỡ, tôi siết eo lại cho thon. Để chỉnh một bức ảnh với nhiều chi tiết, tôi có thể mất từ 3-5 tiếng hoặc tới nửa ngày.
Nhiều người xin tôi cho làm việc phụ, tôi trả lời: “Ảnh nghệ thuật không có việc gì phụ, kể cả sửa phông. Cái phông có đẹp mới tôn được phần người. Nếu có một chi tiết không tốt thì hỏng cả cái ảnh.”
Cuộc đời tôi chưa có bức ảnh cuối cùng
Nhà tôi có lúc chất đầy vài ba thúng ảnh. Tôi không nhận, người ta ép phải nhận. Ban đầu tôi hẹn ngày. Một ảnh thì hẹn 10 hôm, 3-4 ảnh thì một tháng. Sau tôi không hẹn nữa vì làm không xuể, hẹn mà không hoàn thành thì mang tiếng. Khoảng những năm 1990, công chấm sửa mỗi tấm ảnh là 20.000đồng.
Cũng thời kỳ này, ảnh nghệ thuật dùng để in lịch bắt đầu thịnh hành, có anh trong Sài Gòn mua ảnh chân dung nghệ thuật đem in, đã được thợ trong đó sửa nhưng nhà xuất bản vẫn yêu cầu sửa thêm. Khi anh mang ảnh đến chỗ tôi, tôi đề nghị: “Cả bức ảnh tôi đều thấy không đạt. Nếu anh đồng ý, tôi sẽ xóa hết những cái thợ cũ làm rồi sửa lại”. Rồi tôi ngâm rửa bỏ hết vết cũ để sửa từ đầu.
Thời kỳ hoa hậu Việt Nam Bùi Bích Phương mới đăng quang và chụp ảnh lịch, có anh nhờ tôi sửa ảnh hoa hậu cũng để in lịch. Khi nhận hàng, anh ta trả tôi 25.000 đồng vì ưng quá. Vài năm sau tôi mới biết, nhờ bức ảnh đó, anh ta thu được cả chục cây vàng. Bức ảnh gốc cũng được anh ta giữ lại chứ không bán.
Sau này đông khách quá, tôi không nhận ảnh đen trắng, chỉ sửa ảnh màu vì không kham nổi. Sang đến năm 2003, sau một trận ốm nặng, tôi đóng cửa hàng, nghỉ hẳn.
Nhưng cuộc đời tôi chưa có bức ảnh cuối cùng. Năm ngoái thôi, vẫn có bạn bè thân thiết nhờ tôi sửa giúp vài ba cái. Họ biết, tôi vẫn còn đầy đủ dụng cụ từ màu tới bút. Nhưng giờ tôi đã già, những chi tiết quá nhỏ như vẽ mắt, mũi thì không làm được. Sửa trứng cá, tàn hương, làm người gầy hay béo... tôi vẫn làm bình thường.
Nghề này, tôi không giấu, có truyền lại cho nhiều người, nhưng cuối cùng không ai học được. Dần dần, các nguyên liệu khó mua hơn, máy ảnh hiện đại xuất hiện, công xá lại bèo bọt nên đến giờ không còn ai theo nghề.”
* * *
Nghệ nhân Phạm Đăng Hưng chỉ còn lưu giữ lại 3 bức ảnh do ông tự tay chỉnh sửa trong chiếc túi nylon vàng ố. Đó là bức ảnh ông biểu diễn violin trong dàn nhạc thời còn trai trẻ. Ông tỉ mỉ chỉ cho tôi thấy, chi tiết nào trên ảnh được chỉnh sửa, bút nào được dùng để tô màu. Trong giọng nói của ông không có bất cứ sự tiếc nuối nào. Ông tin rằng, nghề sửa ảnh biến mất nằm trong sự vận động theo đúng quy luật của phát triển và được chứng kiến trọn vẹn sự hưng thịnh rồi tan phai của nghề thủ công này, với ông đã là một niềm hạnh phúc lớn lao.