“Tôi muốn tô điểm những chiếc cổ xinh đẹp của tất cả phụ nữ trên thế giới này bằng ngọc trai”, đó là câu nói kinh điển của Kokichi Mikimoto (1858 – 1954) – người đã phát minh ra kỹ thuật nuôi cấy trai ngọc và làm nên cả một cuộc cách mạng. Ông được xem là “vua ngọc trai” của mọi thời đại.

Sinh ngày 25/1/1858, Kokichi là anh cả trong một gia đình bình dân với tám người con trai, ba gái, cả nhà sống dựa vào một tiệm mì mang tên Awako tại thành phố Toba, tỉnh Mie (Nhật Bản) – do ông nội Kichizo, người có ảnh hưởng rất lớn đến Kokichi, sáng lập. Ngay từ sớm, Kokichi đã bộc lộ năng khiếu kinh doanh bẩm sinh khi tham gia vào các công việc của tiệm mì, đồng thời mua bán thêm những mặt hàng khác như hải sản, rong biển, than đá, rau quả,… Lúc rảnh rỗi, ông còn tham gia đóng kịch Kyogen truyền thống và rất được yêu thích mỗi khi trình diễn ở ngôi đền Kata tại Toba. Năm 17 tuổi (1875), Kokichi có dịp chiêm ngưỡng chiến hạm H.M.S Silver của Hải quân Hoàng gia Anh cập cảng Toba; nhiều ngư dân đã cố dùng những thuyền nhỏ bám sát mạn tàu để chào bán các mặt hàng nhu yếu phẩm cho thủy thủ đoàn, nhưng lại bị xua đuổi. Nhờ đầu óc lanh lợi cùng kỹ năng thu hút sự chú ý đặc biệt mà Kokichi đã bán hàng thành công cho họ và kiếm được những đồng ngoại tệ đầu tiên trong đời.

Vua ngọc trai Kokichi Mikimoto (1858 – 1954).

Mối duyên với ngọc trai

Sẵn mang trong mình máu phiêu lưu, khám phá, Kokichi luôn mong sẽ có ngày được chu du khắp đó đây. Năm 1878, sau khi xin phép cha, ông đã cuốc bộ từ Toba đến Tokyo trong 11 ngày. Chuyến đi đã mở ra rất nhiều ý tưởng kinh doanh cho Kokichi khi ông chứng kiến cách các nhà buôn Trung Quốc trao đổi hàng hóa ở cảng Yokohama với các mặt hàng bào ngư, hải sâm,… và đặc biệt là loại ngọc trai được khai thác từ vùng Shima – gần nơi ông sống – có giá rất cao. Giấc mơ trở thành một nhà buôn ngọc trai bắt đầu hình thành từ đó.

Khi tìm hiểu về hoạt động thu mua ngọc trai, Kokichi phát hiện ra một nghịch lý là trong khi những viên trai lớn rất khó kiếm thì thị trường chỉ phổ biến các hạt nhỏ (Keshi), nhưng với giá bán cũng ngất ngưởng – phần lớn được thương lái Trung Quốc thu gom, chế tác, và cũng ngày càng trở nên khan hiếm do tình trạng khai thác quá mức. Ý tưởng về một trại nuôi cấy ngọc trai nhân tạo được ông thực hiện vào năm 1888, nhưng gặp rất nhiều khó khăn ban đầu, chủ yếu là do lỗi kỹ thuật. Phương pháp sai cộng với những tác nhân khác như hiện tượng tảo nở hoa, … khiến trai chết hàng loạt, khiến công việc kinh doanh đứng bên bờ vực phá sản. Mãi cho đến ngày 11/7/1893, Kokichi mới có trong tay viên ngọc trai đầu tiên được nuôi cấy thành công. Nhưng phải mất thêm gần 30 năm nữa (thập niên 1920), ông mới thực sự nổi danh trong lĩnh vực nuôi cấy, chế tác ngọc trai, thường xuyên đem sản phẩm đi triển lãm và xuất khẩu khắp thế giới1.

Năm 1919, khi Kokichi mang các viên ngọc trai nhân tạo hình tròn – được nuôi cấy từ trang trại Gokasho – sang London triển lãm và bán với giá thấp hơn ngọc trai tự nhiên 25%, các nhà buôn trang sức phương Tây liền tỏ thái độ nghi ngờ về chất lượng sản phẩm và vận động chính quyền ban hành những sắc lệnh chống buôn bán ngọc trai nhân tạo. Tuy nhiên, chính giới nghiên cứu tại Anh và Pháp, sau khi phân tích thành phần đã khẳng định ngọc trai của Kokichi có chất lượng hoàn toàn tương đương ngọc trai tự nhiên. Việc thắng kiện càng khiến tên tuổi ông bay cao khắp trời Âu.

Năm 1926, ở tuổi 68, Kokichi dành hẳn chín tháng để đi khắp nước Mỹ, thăm các trường đại học, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm và gặp gỡ những nhân vật nổi tiếng. Khi sang châu Âu, ông thường thăm viếng các viện bảo tàng, những nhà thiết kế nữ trang danh tiếng, và trên đường trở về còn tìm ra một địa điểm nuôi trai lý tưởng tại vịnh Bengal (Ấn Độ). Có thể nói Kokichi đã dành phần lớn thời gian của cuộc đời cho việc nghiên cứu và phát triển kỹ nghệ ngọc trai nhân tạo.

Tình bạn với Thomas Edison

Năm 1927, trong chuyến trở lại Mỹ, Kokichi đã gặp nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison và được ông mời về thăm tư gia tại thị trấn West Orange, tiểu bang New Jersey. Cầm trên tay viên ngọc trai nhân tạo của Kokichi, bậc thầy sáng chế thế giới đã phát biểu: “Đây là ngọc trai thực sự. Ở phòng thí nghiệm của tôi, có hai thứ không thể tạo ra được là kim cương và ngọc trai. Thành công của ông là một trong những điều kỳ diệu nhất đối với nhân loại, thứ tưởng như không thể thực hiện được bằng công nghệ sinh học”. Nghe xong, Kokichi bèn đáp: “Nếu ngài là mặt trăng trên vòm trời phát minh thì tôi xin nguyện làm một vì sao lẻ trong dải ngân hà”. Câu chuyện được đăng trên thời báo The New York Times, càng khiến ngọc trai Mikimoto trở thành món hàng được săn tìm nhiều nhất.

Một nhân cách lớn

Là người đặc biệt yêu thiên nhiên, nhất là những danh thắng của vịnh Shima, Kokichi luôn mong mỏi nơi này, một ngày nào đó sẽ được quy hoạch thành công viên quốc gia để mọi người có thể đến chiêm ngưỡng. Năm 1931, ông đề xuất với Bộ Nội vụ Nhật và tự tài trợ giúp mở rộng hệ thống giao thông, thiết lập một công viên trên núi Asama, nơi có tòa nhà vọng cảnh được đặt tên Renju-an (tức Chuỗi ngọc trai) mà ông thường lui tới vào mùa hè. Đây cũng chính là khu công viên quốc gia đầu tiên tại Nhật sau Thế chiến I. Trao đổi với báo giới, Kokichi nói: “Nhật Bản phải ưu tiên hơn nữa cho ngành du lịch, và tôi rất muốn mở nhiều công viên như vậy trên toàn quốc”.

Ngoài đời, Kokichi còn là người vô cùng yêu quý trẻ em. Ông luôn ấp ủ ước mơ được viết sách giáo khoa cho trẻ mà mãi đến năm 1947 mới trở thành hiện thực – câu chuyện “Thế giới ngọc trai” do ông viết được đưa vào sách giáo khoa lớp 5 của học sinh Nhật. Bước sang tuổi 90, Kokichi nói: “Thứ quan trọng nhất của đời người là tri thức và may mắn – điều quyết định sự thành công. Nếu một ai đó sống thọ thì bản thân họ hiển nhiên đã là người thành công”. Tinh thần của ông đã được con cháu tiếp nối và phát huy để khẳng định vị thế của thương hiệu Mikimoto Pearl trong làng ngọc trai cao cấp thế giới.

Theo Ruigalopim, Mikimoto Jewellery

Chú thích
1. Thành tựu của Kokichi Mikimoto trên thực tế đã nhận được rất nhiều sự trợ giúp từ GS. Kakishi Mitsukuri, Đại học Tokyo. Ngoài ra, Kokichi còn tham khảo thêm phương pháp Mise-Nishikawa – ghép theo tên của nhà sinh vật biển Tokichi Nishikawa (1874 – 1909) và nghệ nhân mộc Tatsuhei Mise (1880 – 1924). Nhà sinh vật biển William Saville-Kent (1945 – 1908) người Anh, độc lập với nhóm Nhật Bản, cũng được cho là đã khám phá ra kỹ thuật này.