Nhờ các giếng khoan, Vương quốc Arập Saudi từng xuất khẩu lúa mỳ lớn thứ sáu thế giới, còn California đang là bang sản xuất nông nghiệp mạnh nhất của Mỹ. Tuy nhiên, giải pháp chống hạn này chẳng khác gì rút tiền từ tài khoản quá nhiều so với con số gửi vào.

Càng ngày càng phải khoan sâu

Hạn hán nghiêm trọng đang hoành hành khắp thế giới. Tại Trung Đông, mức độ hạn được coi là cao nhất suốt 900 năm qua. Tại Việt Nam, mực nước sông Mêkông đã xuống thấp nhất kể từ năm 1926.

Khoan giếng để lấy nước tưới tiêu và sinh hoạt là giải pháp được nhiều nơi áp dụng. Mới đây, Chính phủ Thái Lan huy động 100 triệu USD để khoan 4.300 giếng cung cấp nước cho dân. Ở California (Mỹ) - nơi đang chịu nạn khô hạn khủng khiếp; hoạt động khoan giếng chẳng khác gì một cuộc chạy đua. “Bắt đầu từ hai năm trở về trước, tuần nào tôi cũng nhận được 6 cuộc điện thoại đặt hàng. Họ đang trở nên quay cuồng” - ông Higgin - thuộc Công ty khoan giếng Summit Power & Supply nói.

Theo Hiệp hội Nước ngầm quốc gia Mỹ, nước này có khoảng 15,9 triệu giếng khoan, mỗi năm có 500.000 giếng mới được xây dựng. Trong đó, hơn 13 triệu giếng khoan cung cấp nước sinh hoạt, hơn 400.000 giếng dùng cho sản xuất nông nghiệp.

Hệ thống vòi bơm nước từ giếng khoan có công suất 2.500 gallon/phút ở nông trại tại Ventura County, California (Mỹ). Ảnh: Pri.org
Hệ thống vòi bơm nước từ giếng khoan có công suất 2.500 gallon/phút ở nông trại tại Ventura County, California (Mỹ). Ảnh: Pri.org

Do khô hạn, nguồn nước ở tầng nông dưới mặt đất bị suy kiệt nên muốn có nhiều nước, càng ngày người ta càng phải khoan sâu hơn. Ở Central Valley của California (Mỹ), nếu như giữa thế kỷ 20 chỉ cần đào vài mét đến vài chục mét là có nước thì giờ đây, các giếng phải được khoan sâu tới 300-600m.

Chưa hết, nước càng khan hiếm thì số giếng được khoan ngày càng nhiều. “Chúng tôi không có lựa chọn nào ngoài khoan nhiều giếng hơn và lần theo nguồn nước ở phía dưới” - Floyd Arthur - thuộc Công ty khoan giếng Arhur (Mỹ) nói.

Cha ông được mùa, con cháu khát nước

Vương quốc Arập Saudi từ những năm 1970 đã cho phép khoan giếng để canh tác trên sa mạc, nhờ đó các cánh đồng lúa mì hình tròn phát triển rộng khắp giữa biển cát vào những năm 1980-1990. Ở thời điểm đó, nước này còn trở thành quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn thứ sáu thế giới.

Tương tự, bang California (Mỹ) có lượng mưa hàng năm chỉ ở mức 10-13cm. Tuy nhiên, hệ thống giếng khoan đã và đang biến California thành vựa rau quả quan trọng, cung cấp hơn nửa sản lượng cả nước và giữ vị trí là bang sản xuất nông nghiệp mạnh nhất Mỹ.

Rõ ràng, việc khoan giếng sâu giúp nông dân đương đầu với biến đổi khí hậu ở thời hiện tại. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng, việc lệ thuộc và khai thác quá mức nguồn nước ngầm sẽ dẫn tới hệ lụy cho thế hệ sau.

“Nếu lượng nước mặt không còn sẵn, nông dân không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng nước ngầm và sẽ sử dụng nó trên quy mô lớn. Vấn đề đặt ra là chúng ta có thể tiếp tục làm như vậy được bao lâu trước khi chạm đáy. Chúng ta đang đi theo con đường gần như không bền vững” - Jay Famiglietti - nhà khoa học của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) nói.

Giếng khoan sâu, số giếng và lượng nước bơm lên càng lớn sẽ khiến mực nước ngầm giảm nghiêm trọng. Minh chứng rõ nhất là Vương quốc Arập Saudi: Sang thế kỷ 21, lượng nước ngầm phục vụ nông nghiệp ở sa mạc gần như biến mất. Đặc biệt, hầu hết nguồn nước ngầm đó lại bắt nguồn từ những tầng chứa nước cổ đại nằm sâu dưới lòng đất và được hình thành trong hàng nghìn năm. Từ chỗ có sản lượng lúa mì đủ cho hàng chục triệu dân, giờ đây Vương quốc Arập Saudi phải nhập khẩu lương thực.

Vùng tây bắc Trung Quốc cách đây 1 thập kỷ cũng xảy ra tình trạng tương tự. Theo Viện Chính sách trái đất, ước tính 130 triệu dân Trung Quốc đã lạm dụng nước ngầm khiến các tầng nước bị sụt xuống rồi biến mất.

“Nước ngầm từ những tầng nước lớn sẽ biến mất trong vài thập kỷ nữa. Niềm tin về lượng nước ngầm vô hạn và tâm lý sử dụng tự do cần phải kết thúc ngay lập tức” - Jay Famiglietti - nhà thủy văn học thuộc NASA cảnh báo.

Việc sử dụng nước ngầm bằng hệ thống giếng khoan sâu, tập trung dày đặc ở một vùng cũng sẽ gây cạn kiệt nguồn nước ngầm ở các khu vực lân cận. Giếng khoan sâu cũng ảnh hưởng tới hệ sinh thái xung quanh, làm cạn kiệt các con sông, dòng suối, làm sụt lún các công trình xây dựng.

Ngoài ra, việc khai thác nước ngầm quá mức sẽ dẫn đến đến tình trạng thiếu nguồn nước dự phòng chống hạn cho thế hệ mai sau. Cho nên, việc sử dụng giếng khoan sâu cần phải đi liền với quản lý, sử dụng tốt nguồn nước ngầm và kết hợp với nhiều biện pháp khác để sử dụng lượng nước hữu hạn này một cách hiệu quả nhất.

“Nước ngầm giống như tài khoản ngân hàng. Chúng ta không thể rút ra nhiều hơn những gì chúng ta đã gửi vào” - Jerry Cadagan - một luật sư về hưu, tham gia hoạt động bảo vệ nguồn nước ở Stanislaus Country, Califronia (Mỹ) nói.