Làm nhiều giếng khoan công nghiệp ở tầng nước ngầm thứ ba để thông mạch, tạo dòng Mêkông ngầm, phân ranh triệt để vùng mặn - ngọt bằng hệ thống thủy lợi… là ý tưởng mà các chuyên gia đưa ra để ứng phó với hạn - mặn khốc liệt ở khu vực phía nam.
Tìm giải pháp thêm ngọt, bớt mặn
Việc ngay cả “thủ phủ nước ngọt” của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là Cần Thơ cũng bị xâm nhập mặn - điều chưa từng xảy ra trước đó - cho thấy mức độ nghiêm trọng của loại thiên tai này ở Trung và Nam Bộ.
Theo thông báo gần đây nhất, chỉ số nhiễm mặn của các con sông ở Quảng Nam, Đà Nẵng đã lên tới 3.211mg/l, sông Hậu ở Cần Thơ là trên 2.000mg/l - trong khi tiêu chuẩn Việt Nam về độ mặn trong nguồn nước cấp sinh hoạt không quá 250mg/l. Trước tình trạng này, bên cạnh sự vào cuộc rốt ráo của cơ quan chức năng, các nhà chuyên môn cũng sôi nổi đề xuất nhiều giải pháp ứng phó.
Ông Nguyễn Leo Long - chuyên gia Hiệp hội Chất lượng nước Hoa Kỳ, Giám đốc Calitech - một công ty chuyên cung cấp các giải pháp về nguồn nước - cho rằng nên xây đập chắn ở các cửa sông nhỏ để nước ngọt không chảy ra biển, đồng thời nạo vét các nhánh sông để tăng khả năng trữ nước.
Để cung cấp nước sinh hoạt cho những tỉnh thường xuyên nhiễm mặn, Chính phủ nên đầu tư xây dựng một nhà máy xử lý nước nhiễm mặn bằng công nghệ ROBW được coi là tiên tiến nhất hiện nay - giống như Singapore đã làm để thoát khỏi sự lệ thuộc nguồn nước ngọt từ Malaysia. Do nhà máy này phải đầu tư lớn nên thay vì làm một hệ thống tập trung như Singapore, Việt Nam có thể chia nhỏ thành nhiều dự án cho từng huyện để giảm chi phí đường ống dẫn nước. Ông Long ước tính, mỗi cụm được đầu tư 100 tỷ đồng sẽ có khả năng phục vụ từ vài trăm nghìn đến 1 triệu dân.
Đặc biệt, ông Nguyễn Leo Long đề xuất giải pháp khoan thật nhiều giếng khoan công nghiệp ở độ sâu tầng nước ngầm thứ ba (khoảng 120-450m tùy vùng) để vừa cung cấp ngay nước ngọt cho nông dân canh tác, vừa giúp thông mạch nước ngọt từ thượng nguồn về tạo thành dòng Mêkông ngầm. Ông Long cho rằng đây là giải pháp lợi thế của những nước nằm ở vùng hạ lưu các con sông lớn.
Ngăn mặn vừa đủ
TS Tô Quang Toản - Viện Khoa học thủy lợi miền Nam - cho rằng, khi đề xuất các giải pháp ngăn mặn cần nhìn một cách tổng thể. ĐBSCL rộng khoảng 4 triệu hécta, trong đó tình trạng tranh chấp mặn - ngọt chỉ xảy ra cục bộ ở những vùng giáp ranh chưa có phân mặn - ngọt triệt để.
Vì vậy, việc xây dựng những con đê ngăn mặn tuy giảm thiệt hại cho người trồng lúa nhưng lại gây khó khăn cho người nuôi trồng thủy sản nước mặn. Đó là chưa kể việc nuôi trồng thủy sản cũng cần nước ngọt để pha loãng nước mặn đến nồng độ hợp lý.
“Để hài hòa lợi ích hai bên, vấn đề mấu chốt quan trọng nhất ở đây là công tác lập quy hoạch sử dụng đất hợp lý. Khi quy hoạch đã được phê duyệt thì cần quán triệt thực hiện đúng, đồng thời phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi, cấp nước đồng bộ để đảm bảo phân ranh mặn - ngọt triệt để: Vùng nước ngọt cho trồng lúa riêng và nước mặn cho nuôi tôm riêng. Phải có giải pháp kiểm soát mặn cho vùng ngọt và đảm bảo nguồn nước ngọt để pha loãng cho vùng mặn” - TS Toản nói.
Vùng thủy sản kết hợp với nông nghiệp (lúa + tôm) cũng phải có hệ thống thủy lợi đặc thù, đảm bảo đủ nước ngọt để cấp và rửa mặn phục vụ nông nghiệp khi cần và không làm lan truyền nước mặn vào vùng ngọt. Đối với vùng chuyên tôm, cần tạo nguồn nước ngọt bằng các biện pháp tích trữ, kênh dẫn cấp… giảm thiểu tác động tiêu cực của việc khai thác nước ngầm quá mức.
Đồng tình với quan điểm này, TS Đào Trọng Tứ - cố vấn mạng lưới sông ngòi Việt Nam, nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban Sông Mêkông Việt Nam - cho rằng có thể ngăn mặn bằng biện pháp công trình, nhưng việc ngăn đến đâu lại liên quan đến cơ cấu kinh tế từng địa phương. Chỗ nào cần để mặn, chỗ nào lợ, chỗ nào ngọt cần được tính toán kỹ.
“Hiện hệ thống kênh rạch của ĐBSCL nối với con sông chính, cách duy nhất có thể ngăn mặn nhanh là chặn nó lại bằng các cống. Cống thì hiện đã có, nhưng những người nuôi tôm cần mặn, họ muốn mở cống cho nước mặn vào. Như vậy, vấn đề không phải là thiếu giải pháp ngăn mặn mà là ngăn mặn đến đâu. Điều này phụ thuộc vào cơ cấu nông nghiệp của hệ thống quy hoạch” - TS Tứ nói.
Bàn về giải pháp khoan giếng sâu ở tầng thứ ba để tạo dòng Mêkông ngầm mà ông Nguyễn Leo Long đề xuất, TS Đào Trọng Tứ cho là tính khả thi không cao vì phải đầu tư kinh phí lớn. Theo ông, có một cách đơn giản hơn giúp nước ngọt đổ về ngay là làm hệ thống kênh dẫn nước ngọt từ Cần Thơ xuống các tỉnh, nhưng cũng đã khó khăn vì cần cả một hệ thống công trình rất lớn.
Một độc giả của Báo Khoa học và Phát triển nêu ý tưởng: Để tránh xâm nhập mặn, có thể đặt ống nhựa mềm lớn dưới đáy sông chạy suốt chiều dài từ phía đầu nguồn. Nước sông đi vào ống từ đầu nguồn sẽ được lấy ra tại các trạm bơm để phục vụ canh tác và các hoạt động đời sống. Nếu không có nhu cầu, nước sông vẫn chảy ra biển như bình thường. Khi có xâm nhập mặn do hạn, chỉ cần đóng đầu ống phía cuối nguồn là nước phía trong sẽ không bị hòa với nước mặn từ biển đi vào; những ngành nuôi trồng cần nước mặn sẽ vẫn có nước mặn để dùng.
Theo tác giả, do không trực tiếp lấy nước lên khỏi sông nên không cần dùng đường ống bằng vật liệu cứng, có khả năng chịu lực nén cao như trong sản xuất nước sinh hoạt. |