Cuốn sách xuất phát từ một bài giảng của nhà xã hội học cổ điển Max Weber (1864 – 1920) tại đại học Munchen vào ngày 7/11/1917 (1). Bài giảng này mở đầu không phải bằng một định nghĩa lạnh lùng về “khoa học”, mà thay vào đó đặt ra một câu hỏi: điều kiện tồn tại của khoa học trong bối cảnh xã hội đương thời là gì? Khoa học đối với cộng đồng của ông trước nhất là sản phẩm của quá trình kết hợp giữa sự thế tục hóa với chuyên môn hóa – như ông phát hiện lúc khảo sát lịch sử của khái niệm “Beruf” (được dịch là “nghề nghiệp và sứ mệnh” ở phiên bản tiếng Việt) trong công trình Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản. Khái niệm đó được tạo thành trong quá trình các nhà thần học Tin Lành, xuất phát từ Martin Luther (1483-1546), dịch Kinh Thánh, nhằm chỉ ra sứ mệnh thiêng liêng nơi mỗi kito hữu là hoạt động chuyên môn của anh ta (2). Những kito hữu chuyên môn hóa hoạt động nghiên cứu đã tạo ra thiết chế đặc thù là trường đại học, rồi tụ họp tại đó. Đại học kể từ thế kỷ XVIII tới đầu thế kỷ XX ở Đức quả thật là nơi thu hút những nhà khoa học chuyên nghiệp. Hiếm học giả nào không ít hay nhiều hoạt động trong thiết chế ấy. Triết gia Karl Marx hồi trẻ, chẳng hạn, dù phê phán chế độ chính trị của nhà nước bấy giờ, đã lấy được bằng tiến sĩ, và muốn giảng dạy tại đại học, nhưng không thành.
Cuốn sách dày 104 trang do Phạm Nguyên Trường dịch và giới thiệu, Domino Books và NXB Đà Nẵng ấn hành. Ảnh: ĐT
Sau khi phần nào trả lời câu hỏi về điều kiện tồn tại của khoa học, Max Weber tiếp tục nêu một câu hỏi khác: ý nghĩa chủ quan mà mỗi cá nhân làm khoa học chuyên nghiệp đặt ra cho hoạt động khoa học là gì? Ông cho rằng, ý nghĩa chủ quan này được thể hiện trên ba bình diện: 1) hệ thống hành chính thư lại, 2) sự chuyên môn hóa trong lao động xã hội, 3) với tư cách những con người bình thường.
Ở bình diện thứ nhất, hệ thống hành chính thư lại trong thiết chế đại học tạo rào cản về kinh tế làm nản lòng những thanh niên bắt đầu làm khoa học, với chức vụ giảng viên ngoại trú (privatdozent). Chức vụ đó, trong chú thích của bản dịch tiếng Anh năm 2004, thường kéo dài khoảng 10 năm sau khi anh ta nhận bằng tiến sĩ, như điều kiện để trở thành giảng viên chính thức. Giảng viên chính thức sẽ nhận lương từ hai nguồn: lương cứng từ trường đại học, chiếm phần nhiều, và tiền giảng dạy mỗi khóa học do sinh viên đóng. Giảng viên ngoại trú không được nhận lương cứng, và mỗi kỳ chỉ được đứng lớp một khóa (3). Anh ta không thể chắc chắn liệu có thể trở nên giảng viên chính thức, từ đó nâng cao tiền lương và địa vị của bản thân. Điều này đồng nghĩa anh ta cần sở hữu một lượng tiền tiết kiệm đủ lớn để chi trả sinh hoạt phí trong khoảng 10 năm, làm cơ sở để chờ đợi một vị trí chính thức.
Trên bình diện thứ hai là sự chuyên môn hóa lao động xã hội, nhà khoa học trẻ, sau khi trở thành giảng viên chính thức, tiếp tục buộc phải tham gia vào một hành trình khác: hành trình hướng tới sự tiến bộ. Mọi công trình được làm ra chỉ để trở nên lỗi thời trong một khoảng thời gian. Các cá nhân làm nghiên cứu vì vậy suốt đời đuổi theo sự tiến bộ bất tận, không hồi kết.
Đối diện với tình trạng trên, những cá nhân làm khoa học, trong tư cách những con người bình thường nhất, cảm thấy ý nghĩa gì? Đó là câu hỏi chính trong bài giảng của ông. “Khoa học chẳng có ý nghĩa gì, Max Weber trích Suy niệm mỗi ngày của nhà văn Lev Tolstoy (1828 – 1910), vì nó không trả lời được câu hỏi của chúng ta, câu hỏi quan trọng duy nhất đối với chúng ta: ‘Chúng ta phải làm gì và chúng ta phải sống như thế nào?’” (trang 58). Max Weber cho rằng, khoa học không trực tiếp trả lời câu hỏi của Tolstoy, nhưng nó đem lại tiền đề để mỗi cá nhân có thể tự tìm ra câu trả lời của mình. Khoa học đem lại sự rạch ròi để hiểu là mọi khoa học đều tồn tại một số giả định nhất định, và đi vào lãnh thổ của khoa học là chấp nhận những giả định cùng những giới hạn của nó. Y học, chẳng hạn, giả định một trách nhiệm duy trì sự sống và giảm bớt đau khổ cho người bệnh, ngay cả khi sự sống ấy không còn mang ý nghĩa với chủ thể của nó. Các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn đào luyện các cá nhân cách hiểu và diễn giải các hiện tượng, với giả định sẵn các hiện tượng đó đáng chú tâm. Các cá nhân thực hành khoa học đối diện với hai câu hỏi của Tolstoy có thể sử dụng sự rạch ròi mà khoa học đem lại, từ đó đưa ra câu trả lời của riêng anh ta. Nói rộng ra, Max Weber mời gọi các cá nhân từ bỏ sự chấp nhận những câu trả lời sẵn có, mà lên đường tự tìm lấy câu trả lời, bởi vì con người, với tư cách chủ thể, tự tạo ra ý nghĩa cho đời sống này.
(1) Bản dịch của Phạm Nguyên Trường cho biết bài giảng này diễn ra vào mùa đông 1918, dựa trên tuyển tập đầu của Max Weber trong tiếng Anh, xuất bản năm 1961, "From Max Weber" (New York: Oxford University Press). Hai bản dịch tiếng Anh sau đó vào năm 1989 (Max Weber’s “Science as a Vocation”, London: Unwin Hyman, 1989) và 2004 ("The Vocation lectures", Indianapolis & Cambridge: Hackett Publishing Company) đã đính chính chi tiết này.
(2) Max Weber (Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng, Trần Hữu Quang dịch; Bùi Văn Nam Sơn & Trần Hữu Quang giới thiệu), "Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản", Hà Nội: NXB Tri thức, 2017 (tái bản lần thứ tư), trang 25.
(3) Max Weber (David Owen & Tracy B. Strong hiệu đính, giới thiệu; Rodney Livingstone dịch), "The Vocation lectures", Indianapolis & Cambridge: Hackett Publishing Company, 2004, trang 1 – 2.