Các nhà khảo cổ học tìm thấy bằng chứng đầu tiên về nhiễm trùng đường hô hấp ở khủng long trên hóa thạch của một con khủng long cổ dài sống cách đây 150 triệu năm.
Tiến sĩ Cary Woodruff, giám đốc cổ sinh vật học tại Bảo tàng Khủng long Great Plains, vô tình phát hiện ra dấu vết căn bệnh khi đang kiểm tra hóa thạch xương cổ của một con diplodocid, khủng long ăn cỏ cổ dài sống vào cuối kỷ Jura.
Hóa thạch này được khai quật ở Mỹ cách đây hơn 30 năm, và con khủng long cổ dài được đặt tên là Dolly. Woodruff nhận thấy ở một số đoạn xương cổ, xương phát triển lồi lõm bất thường, một vài chỗ tạo thành hình dạng giống đầu bông cải xanh trên bề mặt xương.
Woodruff đã phân tích xương của rất nhiều khủng long cổ dài, nhưng chưa từng thấy những dấu vết kỳ lạ này. Tham khảo ý kiến của các nhà khoa học bệnh học ở các loài chim hiện đại, ông được biết, những vết lồi lõm rất tương đồng với vết lồi lõm do nhiễm trùng đường hô hấp ở các loài chim hiện đại. Kết quả chụp CT chi tiết xương cổ Dolly xác nhận giả thuyết này.
Dấu vết bất thường xuất hiện ở các vùng xương cổ từng là vị trí của các túi khí - một phần hệ hô hấp của khủng long. Khủng long, bao gồm cả loài khủng long cổ dài khổng lồ, thở bằng hệ thống túi khí gắn trên xương sống, giống như loài chim, Michael Benton, giáo sư cổ sinh vật có xương sống tại Đại học Bristol, cho biết. Hệ thống túi khí này để lại các dấu vết trên xương. Các dấu vết trên xương cổ Dolly khớp với dấu vết tổn thương có thể thấy ở loài chim ngày nay khi bị viêm túi khí do hít phải bào tử nấm aspergillosis, theo kết quả đăng trên tạp chí Scientific Reports.
Bệnh nấm Aspergillosis gây tử vong cho các loài chim hiện đại nếu không được điều trị. "Tôi tin rằng bằng cách nào đó, căn bệnh này đã góp phần vào cái chết của Dolly, có thể chết vì bệnh hoặc vì trở nên ốm yếu và bị ăn thịt,” Woodruff nói. Đây là một trong những phát hiện đầu tiên giúp các nhà nghiên cứu hiểu được những căn bệnh khác nhau đã ảnh hưởng như thế nào đến loài khủng long.
Đến nay chúng ta chưa biết gì nhiều về những căn bệnh mà khủng long phải chịu, Steve Brusatte, giáo sư cổ sinh vật học và tiến hóa tại Đại học Edinburgh, nói. "Thật đặc biệt khi hình dung một con khủng long có kích thước bằng một chiếc máy bay phản lực đang ho và bị nhiễm trùng đường thở giống như chim bồ câu hoặc mòng biển ngày nay."
Nguồn:
Hoàng Phương tổng hợp