Phần 1: Cambridge (Mỹ) - Làm thế nào để sẻ chia sự thịnh vượng cùng nhau?
Thành phố Cambridge, ngay phía bắc của Boston, sở hữu hai trong số các trường đại học uy tín nhất thế giới - Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), ngoài ra các cơ sở giáo dục uy tín khác, chẳng hạn như Đại học Boston, Đại học Tufts và Đại học Boston, Đại học Đông Bắc v.v. cũng tọa lạc gần đó.
Từ cơ sở chính của Harvard ở Cambridge, nhìn sang phía bên kia bờ sông Charles, đây chính là nơi trú ngụ của cư dân khu Allston (Boston). Trong hơn hai thập kỷ qua, người dân ở khu vực này vẫn không ngừng chỉ trích người khổng lồ Ivy League vì đã ảnh hưởng xấu đến đời sống cộng đồng của họ. Nhưng Harvard không phải là trường hợp đầu tiên chìm trong sự chỉ trích lẫn niềm tự hào của cộng đồng địa phương.
Công viên Nghiên cứu Stanford của Đại học Stanford được xem là thành quả của nỗ lực nhằm phối hợp công nghiệp sản xuất với nghiên cứu học thuật. Công viên này được thi công trên một vườn cây ăn quả vào năm 1951. Không lâu sau đó, nơi đây đã vấp phải làn sóng phản đối nặng nề từ cộng đồng. Tuy nhiên, nó vẫn tồn tại, là động lực cho sự phát triển của Thung lũng Silicon, và là niềm cảm hứng để thành lập những Công viên Nghiên cứu tương tự trên cả nước. Hiệp hội các Công viên Nghiên cứu trực thuộc trường Đại học cho biết hiện nay có khoảng 115 Công viên Nghiên cứu ở 42 tiểu bang của Hoa Kỳ và 13 quốc gia khác. Thậm chí ở một số nơi, loại hình công viên này đã giúp tăng trưởng việc làm tại địa phương, đóng góp lớn vào sự phát triển của khu vực.
Tương tự, hiện tại, khu công nghệ cao trị giá hàng tỷ đô-la của Harvard – hay còn gọi là Khu Nghiên cứu Doanh nghiệp – đã bắt đầu mọc lên ở một quận vẫn còn tương đối nghèo.
Bên cạnh Công viên Nghiên cứu Stanford, MIT với khu phức hợp Kendall Square được xem là khu nghiên cứu ứng dụng công nghệ nổi tiếng nhất ở Mỹ, cũng đã đi vào hoạt động hiệu quả. Trong vài thập kỷ qua, các tòa nhà và cơ sở đại học ở nơi này đã được đầu tư hơn 1 tỷ đô-la. Kết quả là khu vực này hiện có hơn 60 công ty, chủ yếu thuộc lĩnh vực y sinh, ước tính trị giá hơn 170 tỷ đô-la.
Tuy nhiên, khác với Stanford, để thành công được như ngày hôm nay, các trường Đại học ở Cambridge đã phải vượt qua biết bao gian nan.
Vào những năm 1970, khi MIT bắt đầu tìm kiếm các đối tác nghiên cứu quy mô lớn trong ngành công nghiệp công nghệ sinh học, rất nhiều công ty đã đến để thảo luận về hợp tác.
Brian Darmody, giám đốc điều hành của Hiệp hội các Công viên Nghiên cứu trực thuộc Đại học, cho rằng chìa khóa quan trọng để các viện nghiên cứu hiện thực hóa mong muốn tìm kiếm đối tác cùng phát triển những vùng đất mới này, chính là Luật Bayh-Dole (Bayh-Dole act 1980). Luật này đã trao cho nhà khoa học, các trường đại học và doanh nghiệp nhỏ của Mỹ quyền sở hữu các sáng chế được tạo ra từ các nghiên cứu có sử dụng ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, các công ty đều có xu hướng thích đặt văn phòng cách MIT vài dặm, dọc theo tuyến đường 128, đường cao tốc vành đai của Boston. PGS Robin Scheffler thuộc MIT, người đang viết một cuốn sách về lịch sử của ngành công nghệ sinh học ở Boston chia sẻ, những công ty này “vận hành theo chế độ ‘Đâu cũng được, trừ Cambridge’. Nói cách khác, họ thật sự không muốn đến Cambridge.”
Nỗi e ngại này bắt nguồn từ nạn phân biệt chủng tộc lúc bấy giờ, khi người da trắng thuộc tầng lớp trung lưu lẫn thượng lưu thường có xu hướng tránh xa các khu vực trung tâm thành phố, họ thích chuyển đến ở những khu ngoại ô và nông thôn, cách xa cả Boston và Cambridge. Thêm vào đó, nhiều trường đại học nghiên cứu hàng đầu của quốc gia cũng tọa lạc trên khu đất giá rẻ bên ngoài khu vực đô thị vì chúng thường có nhiều không gian rộng rãi xung quanh.
Tuy nhiên, cho đến hiện tại, khi tình hình đã ổn định, chính quyền ngày càng chú trọng đến việc xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng. Dù các công ty chia sẻ với Scheffler rằng “thật tuyệt vời khi ở liền kề MIT”, thì một số cư dân lâu năm quanh Kendall Square nhận thấy rằng việc cải tạo đô thị thay vì mang lại ít nhiều những lợi ích tích cực cho cộng đồng lại gây ảnh hưởng xấu đến việc làm của tầng lớp lao động và khả năng chi trả nhà ở.
Theo thời gian, những cơn thịnh nộ đã dịu đi, tình hình kinh tế được cải thiện, và Harvard quyết định mua hai mảnh đất liền kề rộng khoảng 50 mẫu - giúp diện tích đất mà Harvard có được ở Allston gần bằng với diện tích đất mà họ có ở Cambridge: đủ chỗ cho một trường Khoa học Kỹ thuật và Ứng dụng mới – và dự kiến thêm một khu đổi mới sáng tạo chuyển giao công nghệ để làm đối trọng với Kendall Square. Vào tháng 12 năm ngoái, khi thông báo về giai đoạn phát triển đầu tiên, chủ tịch hiện tại của Harvard, ông Larry Bacow, cho biết Khu Nghiên cứu Doanh nghiệp sẽ tích hợp cuộc sống đô thị với một môi trường làm việc sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật, kinh doanh và kỹ thuật, thúc đẩy “những thành tựu nghiên cứu mà không ai trong chúng ta có thể tưởng tượng được.”
Nhưng vấn đề là, về lâu dài, Harvard có thể cải thiện những tác động lên đời sống cư dân Allston như thế nào?
Việc cải tạo đô thị thay vì mang lại ít nhiều những lợi ích tích cực cho cộng đồng lại gây ảnh hưởng xấu đến việc làm của tầng lớp lao động và khả năng chi trả nhà ở. Ảnh: timeshighereducation.
Vì lợi ích chung của nhau
“Rõ ràng phần lớn những người tham gia trong cú bắt tay giữa Doanh nghiệp và Viện, trường đều được hưởng lợi”, Robert K.Triest, giáo sư kinh tế tại Đại học Đông Bắc (cũng ở Boston), và là cựu phó chủ tịch kiêm chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang Boston, nói.
“Các trường đại học sẽ là nhà cung cấp việc làm, theo nghĩa nào đó, thay thế các ngành sản xuất, trở thành chỗ dựa kinh tế cho đại đô thị Boston”. Triest nói thêm, vấn đề chỉ nằm ở việc, giả định rằng Harvard sẽ mang lại sự thịnh vượng cho Allston, vậy làm thế nào để sẻ chia sự thịnh vượng này?
Theo Harry Mattison, một trong những nhà hoạt động vì cộng đồng Allston, suy cho cùng là cư dân muốn Harvard rời khỏi đây. “Điều này thật khôi hài”, ông nói, mục tiêu của việc chiến đấu với Harvard chưa bao giờ là “để đối đầu”, mà là “vì lợi ích chung của nhau”, ông khẳng định.
MIT cũng rơi vào một hoàn cảnh tương tự vào những năm 1960, khi bắt đầu chuyển đổi Kendall Square từ một khu vực bẩn thỉu, xập xệ. Tuy nhiên, trên thực tế, tổng thống John F. Kennedy - một người gốc Massachusetts, mới là người khởi xướng kế hoạch này. Khi còn đương nhiệm, ông muốn xây dựng nơi đây thành trung tâm kiểm soát của NASA. Dự án đó đã không thành hiện thực, Scheffler nói, và cuối cùng MIT đã có được một vùng đất mới mà không cần phải chịu sự chỉ trích vì đã lấy nó từ tay người dân.
MIT ngày càng thấm thía được giá trị của may mắn này, khi mà hành trình lấn đến vùng đất ở phía đối diện khuôn viên của ngôi trường trở nên vô cùng khó khăn. Ở đó, MIT đã mất khoảng 15 đến 20 năm, bắt đầu từ cuối những năm 1960, để chiến đấu với các nhà hoạt động địa phương nhằm mua lại nhà máy trước đây của Công ty Dây và Cáp Simplex – và hiện nay đã thành trụ sở của các công ty công nghệ sinh học.
Bài học về sự phát triển của hai ngôi trường này, Scheffler nói, là những người dân cùng các chính trị gia sẽ chiến đấu hết mình ngay từ đầu, bởi “có cảm giác là càng về sau thì đối phương sẽ càng khó nhượng bộ”.
Harvard đã tạo ra một diễn đàn cộng đồng nhằm lắng nghe những lo lắng của cư dân về Khu Nghiên cứu Doanh nghiệp, nhưng nhóm này “chỉ tổ chức họp bàn khi Harvard muốn có giấy phép xây dựng”, Mattison - nhà phát triển phần mềm và là kiến trúc sư phụ trách một ban thảo luận trực tuyến dành cho người dân Allston, cho biết.
Harvard đã không tạo điều kiện để người dân có thể trao đổi ở các giai đoạn phát triển sau đó. Điều này đã khiến cư dân nổi giận, vì Harvard vẫn chưa giải quyết một danh sách dài các yêu cầu lớn nhỏ của họ.
Harvard tỏ ra cẩn trọng trong việc đưa ra lời hứa. Người phát ngôn của Harvard cho biết, họ không hề cam kết một cách chi tiết về việc cung cấp nhà ở giá rẻ trong kế hoạch phát triển Allston: “Chúng tôi chưa đệ trình bản đề xuất mô tả cụ thể dự án”. Tất cả phụ thuộc vào mật độ dân cư và nhiều yếu tố khác trong bản đề xuất dự án cuối cùng.
Một số lời hứa mà Harvard đã đưa ra bao gồm những lối đi dành cho người đi bộ, làn đường an toàn cho xe đạp, một nhà hát kịch mới và hệ thống thoát nước mưa hiện đại. Ngôi trường này cũng cam kết đầu tư 58 triệu đô-la vào dự án xây dựng ga tàu điện ngầm mới cho khu vực. Tuy nhiều, phần lớn những cơ sở vật chất trong đó nhằm phục vụ nhu cầu của sinh viên và các chuyên gia của Khu Nghiên cứu Doanh nghiệp.
Ngay cả lời hứa đầu tư xây dựng tàu điện ngầm cũng gây tranh cãi. Scheffler nói, Kendall Square đang chìm trong cuộc chiến giữa những chuyên gia ngành công nghệ sinh học – những người muốn có hệ thống tàu điện ngầm Boston với một số nhà vận động địa phương – những người cho rằng cần ưu tiên đầu tư nâng cấp xe buýt, vì đó là phương tiện đi lại của người lao động thu nhập thấp.
Tuy nhiên, những người ủng hộ các khu nghiên cứu chuyển giao công nghệ sẽ phải đối mặt với một số vấn đề khó khăn hơn. Tripp, người đại diện của TEConomy cho rằng đó là cần phải tránh nạn phân biệt chủng tộc tồn tại trong ngành công nghiệp này.
Một người khác, LaDale Winling, phó giáo sư lịch sử tại Học viện Bách khoa Virginia, thì cho rằng có một thực tế không thể chối cãi là một số người dân sống gần đó sẽ mất nhà, mất việc hoặc cả hai.
Suy cho cùng, theo Triest, cần phải lên phương án một cách tỉ mỉ, “để đảm bảo rằng không có ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc cải tạo đô thị này.”