Nhà thiên văn học Mỹ J. Allen Hynek là người đầu tiên nghiên cứu một cách có hệ thống các vật thể bay không xác định (UFO) khi tham gia dự án của Không quân Mỹ. Hàng chục nghìn báo cáo về UFO đã được thu thập, trong số đó có rất nhiều hiện tượng không thể giải thích.
Tháng 9/1947, Không quân Mỹ nhận được một loạt báo cáo về các vật thể bí ẩn trên bầu trời đang gây hoang mang dư luận. Lực lượng không quân cần phải tìm hiểu xem chúng là gì, và họ nhanh chóng khởi động một cuộc điều tra gọi là Dự án Sign.
Đến đầu năm 1948, Không quân Mỹ muốn thuê một chuyên gia bên ngoài để sàng lọc các báo cáo mà họ nhận được – cụ thể là một nhà thiên văn học có thể xác định trường hợp nào dễ dàng giải thích bằng các hiện tượng thiên văn [chẳng hạn như hành tinh, sao hoặc thiên thạch,..] và trường hợp nào không thể tìm ra lời giải thích hợp lý. Cuối cùng họ tìm đến J. Allen Hynek, Giám đốc Đài quan sát McMillin của Đại học bang Ohio (Mỹ), khi đó chỉ mới 37 tuổi. Hynek từng làm việc cho Chính phủ Mỹ trong thời kỳ chiến tranh. Ông đã giúp phát triển các công nghệ quốc phòng mới, chẳng hạn như ngòi nổ điều khiển bằng sóng vô tuyến.
“Một ngày nọ, tôi có một số vị khách đến thăm từ căn cứ Không quân Wright-Patterson ở bang Ohio. Họ đề cập đến chủ đề đĩa bay và hỏi liệu tôi có muốn làm cố vấn cho không quân về vấn đề này không. Công việc này dường như không mất quá nhiều thời gian, vì vậy tôi đã đồng ý”, Hynek cho biết.
Hynek không hề biết rằng, ông sắp bắt đầu cuộc phiêu lưu để trở thành một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất về vật thể bay không xác định (UFO) trong thế kỷ 20.
Dự án Sign kéo dài một năm, trong đó nhóm nghiên cứu đã xem xét 237 trường hợp nhìn thấy UFO. Theo báo cáo của Hynek, khoảng 32% UFO liên quan đến các hiện tượng thiên văn, 35% UFO là bóng bay, tên lửa, pháo sáng hoặc chim, 33% UFO còn lại không giải thích được do thiếu bằng chứng để đưa ra kết luận.
Tháng 2/1949, Không quân Mỹ triển khai một cuộc điều tra khác, gọi là Dự án Grudge. Hynek không đóng vai trò gì trong dự án nghiên cứu này. Trong khi Dự án Sign là một cuộc điều tra mang tính khách quan về mặt khoa học, Dự án Grudge dường như được thành lập để dập tắt mối quan tâm của công chúng đối với UFO và người ngoài hành tinh. Dự án Grudge nhanh chóng kết thúc vào cuối năm 1949 sau khi kết luận rằng việc nhìn thấy UFO là kết quả của chứng cuồng loạn, trò lừa bịp, bệnh tâm thần hoặc nhận dạng sai các vật thể đã biết. Báo cáo của dự án cũng gợi ý rằng chủ đề này không đáng để nghiên cứu thêm.
Tuy nhiên, những vụ chứng kiến UFO vẫn không ngừng tăng lên. Nổi bật nhất trong số đó là các báo cáo khó hiểu về UFO từ nhân viên điều khiển radar của lực lượng không quân. Các phương tiện truyền thông quốc gia bắt đầu xem xét hiện tượng này một cách nghiêm túc hơn. Tạp chí LIFE đã đăng tải một vụ chứng kiến UFO lên trang bìa vào năm 1952. Phóng viên nổi tiếng Edward R. Murrow thậm chí còn làm một chương trình truyền hình về chủ đề này, bao gồm cuộc phỏng vấn với Kenneth Arnold, một phi công từng nhìn thấy vật thể bí ẩn trên Núi Rainier ở bang Washington vào năm 1947. Chương trình của Murrow đã phổ biến thuật ngữ “đĩa bay” tới công chúng Mỹ.
Không quân Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hồi sinh Dự án Grudge. Dự án này sau đó đổi tên thành Dự án Blue Book (Sách Xanh). Hynek tham gia Dự án Blue Book vào năm 1952 và ông tích cực làm việc cho tới khi dự án kết thúc năm 1969. Trong thời gian đó, ông vẫn tiếp tục giảng dạy và theo đuổi các nghiên cứu khác tại Đại học bang Ohio. Năm 1960, ông chuyển đến Đại học Northwestern ở Evanston, bang Illinois, để làm trưởng khoa thiên văn của trường.
Cũng giống như trước đây, vai trò của Hynek là phân tích một cách khoa học dữ liệu liên quan đến UFO, đồng thời xác định xem chúng có phải là mối đe dọa đến an ninh quốc gia hay không. Trong khoảng thời gian Dự án Blue Book hoạt động, Hynek và các chuyên gia đã điều tra 12.618 báo cáo về việc nhìn thấy UFO. Đa số trường hợp được xác định là do người quan sát nhầm lẫn với các vật thể tự nhiên (mây, sao băng, đèn, chim…) hoặc bằng chứng giả do con người cố tình tạo ra. Một số báo cáo có thể được giải thích bằng các máy bay trinh sát bí mật U-2 và A-12. Tuy nhiên, 701 báo cáo về UFO cho đến nay vẫn chưa có lời giải thích rõ ràng.
Sau khi dự án Blue Book kết thúc, Hynek vẫn tiếp tục thực hiện các nghiên cứu của riêng mình về UFO. Năm 1972, ông xuất bản cuốn sách đầu tiên mang tên “The UFO Experience” (Trải nghiệm UFO). Trong cuốn sách này, ông đã phân loại các cuộc chạm trán với UFO ở cự ly gần thành ba kiểu tiếp xúc.
Đối với kiểu tiếp xúc thứ nhất, nhân chứng nhìn thấy UFO ở khoảng cách đủ gần để quan sát rõ một số chi tiết. Đối với kiểu tiếp xúc thứ hai, UFO gây ra các hiệu ứng vật lý, chẳng hạn như thiêu rụi cây cối, làm động vật sợ hãi hoặc khiến động cơ ô tô đột ngột tắt tiếng. Ở kiểu tiếp xúc thứ ba, các nhân chứng cho biết họ đã nhìn thấy những sinh vật lạ đứng bên trong hoặc gần một UFO.
Kiểu tiếp xúc thứ ba từng là đề tài trong bộ phim “Close Encounters of the Third Kind” (Cuộc trạm chán ở cự ly gần theo kiểu tiếp xúc thứ ba) của đạo diễn Steven Spielberg phát hành năm 1977. Nhà làm phim đã trả cho Hynek 1.000 USD để sử dụng tiêu đề phim giống như cách ông phân loại UFO, 1.000 USD khác cho quyền sử dụng các câu chuyện trong cuốn sách The UFO Experience, và 1.500 USD cho ba ngày mời ông tư vấn kỹ thuật.
Hynek cũng phân loại UFO trong những cuộc chạm trán ở khoảng cách xa. Chúng bao gồm nguồn ánh sáng kỳ lạ vào ban đêm (nocturnal light), đĩa ánh sáng ban ngày (daylight disc), hoặc vật thể lạ trên màn hình radar.
Năm 1978, Hynek nghỉ dạy, nhưng ông vẫn tiếp tục thu thập và đánh giá các báo cáo về UFO dưới sự bảo trợ của Trung tâm Nghiên cứu UFO do ông thành lập năm 1973. Tổ chức này vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay. Hynek qua đời năm 1986 do mắc bệnh khối u não, hưởng thọ 75 tuổi.
“Điều quan trọng tôi nhận được từ công việc nghiên cứu UFO của cha tôi đó là phải luôn giữ cho tâm trí cởi mở”, Joel Hynek, con trai của Allen Hynek, người từng tham gia phỏng vấn các nhân chứng cùng cha, cho biết. “Bạn biết đấy, con người chưa biết hết mọi thứ về vũ trụ. Vẫn còn những khía cạnh vật lý mà chúng ta chưa tìm ra”.