Năm 1953, nhà khoa học người Mỹ John Archibald Wheeler vô tình làm thất lạc các tài liệu mật của Chính phủ về bom H trên một chuyến tàu đêm. Tuy nhiên, các cuộc điều tra sau đó của FBI đã không thể tìm thấy tập tài liệu, cũng như xác định nó biến mất như thế nào.

Tài liệu mật về bom H của Chính phủ Mỹ. Ảnh: NARA.
Tài liệu mật về bom H của Chính phủ Mỹ. Ảnh: NARA.

John Archibald Wheeler (1911 – 2008) là một trong những nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực vật lý lượng tử và phân hạch hạt nhân. Ông nổi tiếng là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “lỗ đen” (black hole) và phổ biến nó đến công chúng. Nhưng có lẽ ít người biết đến sự cố ông làm mất các tài liệu mật về bom H của Chính phủ Mỹ trên một chuyến tàu đêm, sau khi vào nhà vệ sinh.

Tài liệu điều tra của Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về sự kiện này gần đây được công bố theo Đạo luật Tự do Thông tin, và Alex Wellerstein – phó giáo sư tại Viện Công nghệ Stevens ở Hoboken, bang New Jersey – đã quyết định điều tra những gì từng xảy ra trên chuyến tàu định mệnh cách đây gần 70 năm. Cụ thể, Wellerstein tiến hành phân tích các hoạt động của Wheeler trong lúc ở trên tàu để tìm hiểu lý do tại sao tập tài liệu biến mất, và chi tiết phát hiện của ông được đăng trên tạp chí Physics Today.

Vào thập niên 1940, các nhà khoa học đã chế tạo thành công quả bom nguyên tử đầu tiên, loại vũ khí có sức mạnh hủy diệt. Sau khi cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai kết thúc, các nhà nghiên cứu tiếp tục phát triển loại bom H có sức công phá lớn hơn nhờ vào phản ứng nhiệt hạch. Năng lượng của bom nguyên tử bắt nguồn từ phản ứng phân hạch của các nguyên tử lớn, nặng, chủ yếu là uranium hoặc plutonium. Ngược lại, cơ chế hoạt động của bom H dựa vào sự hợp nhất của các nguyên tử nhẹ, chủ yếu là đồng vị của hydro để trở thành helium. Điều này cũng xảy ra trong lõi của các ngôi sao với áp suất và nhiệt độ cực lớn, bao gồm Mặt trời. Bom H có thể tạo ra những vụ nổ mạnh hơn hàng trăm lần so với những quả bom phân hạch đã tàn phá hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản.

Địa điểm nghiên cứu chính về bom H của Mỹ nằm ở gần sông Savannah, South Carolina. Nhưng tại Đại học Princeton, giáo sư Wheeler cũng thành lập và quản lý một dự án bom H gọi là Matterhorn B, trong đó chữ “B” là viết tắt của từ “bom”.

Vụ nổ thử nghiệm bom H đầu tiên của Mỹ tại đảo san hô Eniwetok. Ảnh:  Keystone.
Vụ nổ thử nghiệm bom H đầu tiên của Mỹ tại đảo san hô Eniwetok. Ảnh: Keystone.

Một lực lượng đặc nhiệm của Mỹ đã kích nổ quả bom H đầu tiên mang tên Ivy Mike vào ngày 1/11/1952 tại đảo san hô Eniwetok thuộc quần đảo Marshall ở phía Nam Thái Bình Dương, theo tài liệu lưu trữ của Quân đội Mỹ. Bán kính của vụ nổ này lớn gấp 10 lần và sức công phá mạnh gấp 1.000 lần so với vụ nổ bom nguyên tử thông thường. Kết quả là hòn đảo Elugelab bị phá hủy hoàn toàn.

Không phải tất cả các nhà khoa học và quan chức Mỹ đều tán thành dự án chế tạo loại vũ khí hủy diệt có thể đẩy nhân loại đến bờ vực diệt vong. Tuy nhiên, những người ủng hộ bom H cho rằng Mỹ cần phải theo kịp sự phát triển vũ khí hạt nhân đang diễn ra ở Liên Xô.

Để tiếp tục ủng hộ việc nghiên cứu và thử nghiệm bom H, Ủy ban Chung về Năng lượng Nguyên tử Mỹ (JCAE) [nhóm giám sát các chương trình nguyên tử của Quốc hội] đã tạo ra một tài liệu dài 91 trang nhằm phác thảo dự án bom H của Mỹ cho đến các cuộc thử nghiệm thành công, và một bản tóm tắt dài sáu trang đã được gửi đến Wheeler để xem xét.

Những tài liệu này được phân loại là “bí mật”, và Wheeler cầm theo nó trong một chuyến đi từ thành phố Princeton đến Washington, D.C vào ngày 6/1/1953. Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Physics Today, Wellerstein diễn tả lại các hành động của Wheeler khi ông chuẩn bị cho cuộc hành trình. Wheeler đặt tập tài liệu vào một phong bì màu trắng và lên chuyến tàu đầu tiên ở Princeton lúc 21 giờ 1 phút (theo giờ địa phương). Đến 22 giờ 10 phút, ông tiếp tục đi tới Washington trên một chuyến tàu khác chạy xuyên đêm.

John Archibald Wheeler. Ảnh: Britannica
John Archibald Wheeler. Ảnh: Britannica

Wheeler nói với các đặc vụ FBI rằng ông đã lấy tài liệu bí mật ra khỏi phong bì trắng và đọc nó trước lúc nằm ngủ trên tàu. Khi thức dậy vào buổi sáng, ông đặt phong bì màu trắng bên trong một phong bì cứng lớn hơn và cầm theo nó vào phòng vệ sinh.

Sau khi rời khỏi phòng vệ sinh, Wheeler nhận ra rằng mình đã bỏ quên phong bì ở trong đó, và ông vội chạy ngược trở lại để lấy tập tài liệu. Phong bì cứng bên ngoài trông có vẻ vẫn đóng, nhưng khi ông kiểm tra lại thì phong bì màu trắng bên trong và các tài liệu về bom H đã biến mất. Ông cố gắng tìm kiếm nhưng mọi nỗ lực đều vô vọng và FBI được giao nhiệm vụ tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra.

Hồ sơ FBI mô tả những nỗ lực toàn diện của họ để truy tìm tập tài liệu. Họ tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn các hành khách và cho tháo dỡ từng mảnh giường ngủ của Wheeler trên tàu để phát hiện ra bất kỳ nơi nào có thể cất giấu. Các quan chức thậm chí còn cân nhắc đến việc giao nhiệm vụ cho các đặc vụ liên bang đi bộ trên đường tàu từ Philadelphia đến Washington để xem tập tài liệu có bị vứt qua cửa sổ của toa tàu hay không. Tuy nhiên, ý tưởng này đã bị bỏ qua.

Cuối cùng, FBI kết luận số phận của tập tài liệu không liên quan gì đến hoạt động gián điệp, và sự biến mất của nó chỉ là tình cờ, ngay cả khi cuộc điều tra không thể khám phá chính xác những tình tiết của vụ việc.

“Kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất là Wheeler đã không bỏ tập tài liệu lại vào phong bì sau khi đọc nó trên tàu vào đêm hôm ấy. Bằng cách nào đó, các tài liệu đã bị đưa vào trong thùng rác và mang đi tiêu hủy”, Wellerstein viết trong nghiên cứu. “Nhưng nếu đây là sự thật thì chúng ta không thể xác minh, bởi vì sự việc đã xảy ra cách đây quá lâu”.