Hoàng tử Ai Cập Khaemweset đã có nhiều công lao trong việc trùng tu các kim tự tháp và những ngôi đền hơn một nghìn năm tuổi. Ông là một học giả thông thái, luôn tận tâm với công việc nghiên cứu các di tích và tài liệu cổ. Xét về nhiều mặt, ông được mệnh danh là nhà Ai Cập học đầu tiên.
Trong thời đại hoàng kim của Ai Cập cổ đại, các Pharaoh đầy quyền lực luôn cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng của Ai Cập đến các vùng đất khác. Thông thường, con trai cả của các Pharaoh sẽ kế vị ngai vàng. Mặc dù những người con trai trẻ hơn và con gái của những vị Pharaoh không phải là người cai trị, nhưng họ cũng đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử của Ai Cập cổ đại. Nổi bật trong số đó là hoàng tử Khaemweset, con trai thứ tư của Pharaoh Ramesses II hay Ramesses Đại đế.
Tượng bán thân của hoàng tử Khaemweset. Ảnh: Keith Schengili-Roberts
Ramesses II là một trong những người cai trị nổi tiếng nhất của Ai Cập cổ đại từ năm 1279 đến năm 1213 trước Công nguyên. Ông là Pharaoh thứ ba của Vương triều thứ 19. Ông có 50 con trai và từ 40 đến 53 con gái. Trong thời kỳ này, các hoàng tử Ai Cập nắm giữ những vị trí quan trọng trong triều đình, ví dụ trở thành thầy tế cấp cao hoặc chỉ huy quân đội, và Khaemweset cũng không phải trường hợp ngoại lệ.
Thời thơ ấu của Khaemweset được ghi chép lại chi tiết trên các bức phù điêu trong ba ngôi đền ở Nubia. Ông lớn lên trong một giai đoạn đầy biến động của lịch sử Ai Cập cổ đại, khi ông nội và cha tiến hành cuộc chiến chống lại Đế chế Hittite nhằm khôi phục và mở rộng lãnh thổ.
Trong Trận chiến Kadesh nổi tiếng – cuộc chiến giữa Ramesses II và vua Hittite Muwatalli II – Khaemweset cũng có mặt và đóng vai trò như một trợ lý quan trọng của cha mình. Ông thậm chí còn được giao nhiệm vụ quản lý các tù nhân chiến tranh. Trong những bức tranh và chữ tượng hình khắc trên các đền thờ, chúng ta còn thấy ông tham gia nhiều chiến dịch lớn khác như Trận chiến Dapur để chinh phục vùng đất Syria và Cuộc vây hãm Qode.
Vào năm 1263 trước Công nguyên, Khaemweset trở thành thầy tế của Đền thờ Ptah ở thành phố Memphis khi chỉ mới 18 tuổi. Thầy tế là một vị trí rất quan trọng trong hệ thống các đền thờ. Họ chịu trách nhiệm thực hiện các nghi lễ cúng tế, thờ phụng và đọc các câu thần chú phục vụ tang lễ.
Trong vai trò là thầy tế, Khaemweset đã chủ trì nhiều nghi lễ quan trọng, bao gồm việc ướp xác và chôn cất một số con bò đực Apis. Đây là loài động vật linh thiêng được tôn thờ ở Memphis, bởi vì người dân Ai Cập tin rằng chúng là con trai của nữ thần Hathor.
Khaemweset chịu trách nhiệm giám sát các nghi lễ hằng ngày ở Memphis, chủ yếu là để tôn vinh thần Ptah. Ông đã thiết kế lại ngôi đền Serapeum ở Saqqara – nơi dùng để chôn cất những con bò đực Apis. Ông cho đào một đường hầm dài và rộng lớn bên dưới đền thờ. Hai bên đường hầm có nhiều phòng chôn cất [một dạng phòng trưng bày], nơi những con bò đực Apis sẽ được chôn theo một hình thức xa hoa và giàu có. Năm 1850, nhà khảo cổ người Pháp Auguste Mariette đã khai quật kỹ lưỡng ngôi đền Serapeum. Tuy nhiên, hầu hết các căn phòng được xây dựng theo lệnh của Khaemweset đều trống rỗng, và rất có thể chúng đã bị cướp phá trong thời cổ đại.
Trong thời đại của mình, Khaemweset đã khôi phục lại kim tự tháp Djoser nổi tiếng. Ảnh: Charles James Sharp.
Khaemweset đã để lại một dấu ấn quan trọng trong lịch sử Ai Cập cổ đại, không chỉ trong thời đại của ông mà còn kéo dài đến ngày nay. Ông đã sửa chữa và trùng tu vô số đền thờ, di tích cổ, các khu chôn cất trong suốt cuộc đời.
Bởi vì lịch sử Ai Cập kéo dài nhiều thế kỷ, do đó nhiều di tích cũ và nơi chôn cất của các Pharaoh hoặc các vị cận thần thời kỳ đầu bị thất lạc, đổ nát. Khaemweset đã dành nhiều thời gian và công sức xác định danh tính của họ, đồng thời khôi phục lại các di tích, công trình kiến trúc này, khiến chúng trở nên nguy nga, tráng lệ như trước. Nổi bật nhất trong số đó là lăng mộ của Pharaoh Shepseskaf [người cai trị Ai Cập khoảng năm 2510 trước Công nguyên]; kim tự tháp của Pharaoh Unas [người trị vì Ai Cập năm 2345–2315 trước Công nguyên]; kim tự tháp của Pharaoh Sahure vào đầu thế kỷ 25 trước Công nguyên; kim tự tháp của Userkaf; và kim tự tháp nổi tiếng của Djoser. Đây là cách ông làm sống lại lịch sử của Ai Cập và giữ cho nó không bao giờ bị lãng quên.
Công lao to lớn của Khaemweset được ghi chép trên các bức tường của những kim tự tháp mà ông đã trùng tu. Một số văn bản chữ tượng hình còn miêu tả ông mang quà và lễ vật để dâng lên các vị thần và pharaoh đã khuất. Điều này cho thấy sự hiểu biết của ông về tầm quan trọng của tín ngưỡng thờ cúng ở Ai Cập cổ đại.
Xét về nhiều mặt, Khaemweset được mệnh danh là nhà Ai Cập học đầu tiên, đồng thời là một trong những nhà khảo cổ học đầu tiên trong lịch sử. Miriam Lichtheim, dịch giả nổi tiếng của nhiều văn bản Ai Cập cổ đại, đã viết về Khaemweset như sau: “Khaemweset là người đam mê khảo cổ học. Với tư cách là thầy tế, ông đã kiểm tra nhiều ngôi mộ bị hư hỏng và làm mới lại chúng. Chúng ta biết đến ông như một học giả thông thái, luôn tận tâm với công việc nghiên cứu các di tích và tài liệu cổ”.
Cho đến nay, các nhà khảo cổ chưa thể xác định nơi an nghỉ cuối cùng của Khaemwese. Người ta cũng không biết chính xác ông chết khi nào và như thế nào. Rất có thể ông đã chết trước cha mình, vào khoảng năm 1225 trước Công nguyên. Khi đó ông khoảng 55 tuổi.
Trong cuộc khai quật ngôi đền Serapeum ở Saqqara, nhà khảo cổ người Pháp Auguste Mariette đã phát hiện phần bị sập của một đường hầm. Sau khi thổi bay các mảnh vỡ đất đá bằng thuốc súng, ông tìm thấy một chiếc quan tài, bên trong là xác ướp với chiếc mặt nạ bằng vàng dường như tượng trưng cho một người đàn ông đã khuất. Những đồ trang sức phong phú đi kèm với xác ướp đều ghi tên hoàng tử Khaemweset, con trai của Ramesses II. Tuy nhiên, xác ướp này không phải của con người mà là một khối nhựa thơm và một số xương nằm ngổn ngang, rất có thể thuộc về một con bò đực.
Do đó, người ta suy đoán rằng xác ướp này về bản chất là một con bò đực Apis hiến tế. Nó được tạo ra để trông giống với cơ thể người, mà cụ thể là hoàng tử Khaemweset. Điều này khiến các học giả tin rằng đây không phải là nơi chôn cất chính xác của hoàng tử.
Sau khi chết, Khaemweset và những việc làm của ông đã sống mãi trong ký ức của người dân Ai Cập. Ông trở thành nhân vật trung tâm của một số câu chuyện anh hùng trong những thế kỷ sau đó của Ai Cập, chủ yếu là vào thời kỳ Hy Lạp hóa, ví dụ như “Setne Khamwas và Naneferkaptah”, “Câu chuyện về Setne Khamwas và Si-Osire”. Trong những câu chuyện này, Khaemweset được gọi là Setne Khamwas.