Norman Joseph Woodland là một nhà phát minh người Mỹ đi trước thời đại. Ý tưởng sáng tạo của ông về mã vạch (barcode) bắt nguồn từ một số suy nghĩ đầy cảm hứng khi ông đang ngồi trên bãi biển.
Woodland sinh ra trong một gia đình gốc Do Thái ở thành phố Atlantic, bang New Jersey (Mỹ) vào năm 1921. Ông theo học ngành cơ khí tại Đại học Drexel ở Philadelphia. Khi cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai nổ ra, ông gia nhập quân đội và làm việc cho Dự án Manhattan nhằm phát triển quả bom nguyên tử đầu tiên. Sau chiến tranh, ông quay lại làm giảng viên tại Đại học Drexel, nơi ông đã tốt nghiệp trước đó.
Joseph Woodland giới thiệu cấu tạo nguyên mẫu máy quét mã vạch. Ảnh: IBM.
Năm 1948, một quản lý siêu thị cấp cao ở địa phương đến thăm Đại học Drexel. Trong buổi thảo luận với hiệu trưởng, người này mô tả mong muốn tìm ra một cách đơn giản để đặt mã trên các sản phẩm, nhằm dễ dàng phân loại, định giá và kiểm tra. Đồng nghiệp của Woodland, Bernard Silver, tình cờ nghe được cuộc trò chuyện và cả hai bắt tay vào việc tìm kiếm một giải pháp khả thi.
Mùa đông năm đó, Woodland chuyển đến sống tại nhà của ông bà ở thành phố Miami. Trong lúc ngồi trên bãi biển, ông lướt ngón tay một cách vu vơ trên cát, tạo ra dấu chấm tròn và dấu gạch ngang giống như mã Morse mà ông đã học khi còn là một hướng đạo sinh. Trong một buổi trả lời phỏng vấn tạp chí Smithsonian vào năm 1999, ông chia sẻ: “Những gì tôi đang kể cho bạn nghe giống như một câu chuyện cổ tích. Tôi đã chọc bốn ngón tay vào cát, và không hiểu lý do tại sao tôi kéo những ngón tay về phía mình tạo ra bốn đường kẻ. Lúc đó tôi chợt nghĩ rằng tôi đã có bốn đường rộng và hẹp thay vì dấu chấm và dấu gạch ngang”.
“Đó chỉ là sự khởi đầu”, ông Woodland tiếp tục. “Chỉ vài giây sau, Tôi di chuyển bốn ngón tay của mình [khi đó chúng vẫn còn nằm trên cát] để tạo thành hình vòng tròn khép kín”.
Woodland nhận ra rằng ông có thể mã hóa thông tin bằng các đường kẻ đậm, nhạt trên giấy để biểu thị các số khác nhau. Tuy nhiên, ông ưa thích mẫu hình tròn hơn vì tính đa hướng của nó. “Nhân viên thanh toán có thể quét một mặt hàng mà không cần quan tâm đến hướng của sản phẩm”, Woodland lập luận.
Thiết kế mã sản phẩm dạng hình tròn ban đầu của Woodland (bên trái) và mã vạch sau khi đã cải tiến. Ảnh: Nytimes.
Ngày 7/10/1952, Woodland và Silver đã được cấp bằng sáng chế của Mỹ mang số hiệu 2.612.994 về một thiết bị và phương pháp phân loại tự động các sản phẩm trong siêu thị. Thiết kế ban đầu của mã sản phẩm có dạng một loạt các vòng tròn đồng tâm, giống như vòng gỗ bên trong thân cây, với chiều rộng của vòng được sử dụng để mã hóa thông tin. Tuy nhiên, phương pháp này phụ thuộc vào một máy quét khổng lồ được trang bị đèn 500 watt, rất đắt tiền và khó sử dụng nên không phù hợp khi thanh toán trong siêu thị. Cuối cùng, Woodland bán bằng sáng chế của mình cho công ty Philco với giá 15.000 USD. Philco sau đó bán lại nó cho Tập đoàn Phát thanh Mỹ (RCA).
Vào thời điểm bằng sáng chế hết hạn vào năm 1969, Woodland đã gia nhập công ty máy tính IBM, nơi ông làm việc từ năm 1951 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1987.
Đầu thập niên 1970, những tiến bộ công nghệ có thể khiến sáng chế của Woodland trở nên khả thi trong điều kiện thực tế. Tại IBM, Woodland đã làm việc với các đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm để biến ước mơ kéo dài hai thập kỷ của ông thành hiện thực. Sự ra đời của tia laser và bộ vi xử lý đã đóng góp đáng kể vào sự thành công của họ. Cụ thể, Woodland chiếu tia laser vào các vạch được in song song trên bề mặt sản phẩm với độ dày khác nhau [thay vì hình tròn như trước đây]. Sau đó, ông đo tín hiệu phản xạ để xác định thông tin của sản phẩm đã được mã hóa trong các vạch.
Vấn đề đặt ra là mã vạch cần có một tiêu chuẩn chung để kết nối mã in trên sản phẩm với nhà kho của siêu thị. Năm 1971, George J Laurer – một đồng nghiệp của Woodland tại IBM – đã tạo ra hệ thống Mã sản phẩm chung (UPC). Hệ thống mã hóa này sau đó được chấp nhận để trở thành tiêu chuẩn cho toàn thế giới vào năm 1973.
Vào ngày 26/6/1974, sản phẩm bán lẻ đầu tiên (gói 10 thanh kẹo cao su Juicy Fruit của hãng Wrigley) đã được bán bằng cách sử dụng máy đọc mã vạch tại siêu thị Marsh ở Troy, Ohio. Hiện nay, gói kẹo cao su này đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Mỹ.
Năm 1992, Tổng thống Mỹ George HW Bush đã trao Huy chương Công nghệ Quốc gia cho Woodland để ghi nhận công lao của ông trong việc phát triển và phổ biến mã vạch. Năm 2011, Woodland vinh dự được ghi tên vào Hội trường Danh vọng Các nhà phát minh Quốc gia Mỹ (NIHF) cùng với đồng nghiệp Bernard Silver.
Tháng 10/2012, Viện Kỹ sư Điện và Điện tử (IEEE) đã tổ chức một buổi lễ công nhận Đại học Drexel là “Nơi ra đời của mã vạch”. Tại sự kiện này, Moshe Kam – Trưởng khoa Kỹ thuật Điện và Máy tính của Đại học Drexel – phát biểu rằng “mã vạch là một sáng chế quan trọng đại diện cho sự phát triển và tiềm năng lương mại của những công nghệ hiện đại; sự đổi mới trong việc phục vụ cộng đồng; ý thức tốt hơn về thực tiễn và những gì công nghệ mới có thể làm để cải thiện phúc lợi con người.”
Cũng trong năm đó, Woodland qua đời do ảnh hưởng của bệnh Alzheimer vào ngày 9/12/2012 tại nhà riêng ở thành phố Edgewater, bang New Jersey (Mỹ), hưởng thọ 91 tuổi.
Hiện nay, sáng chế mã vạch của Woodland đang được sử dụng khoảng 5 tỷ lần mỗi ngày để quét các sản phẩm trong siêu thị hoặc những cửa hàng bán lẻ, sách trong thư viện, xe cộ, hồ sơ bệnh nhân tại các bệnh viện, và nhiều ứng dụng khác.