Đầu bếp Typhoid Mary làm phát tán bệnh thương hàn cho ít nhất 51 người do nấu nướng không đảm bảo vệ sinh. Điều này khiến cô trở thành ca bệnh “siêu lây nhiễm” nổi tiếng nhất thế kỷ XX, trước khi thuật ngữ này tồn tại.

Typhoid Mary, tên thật là Mary Mallon, sinh ra tại Quận Tyrone, Ireland, vào ngày 22/9/1869. Cô được biết đến là người đầu tiên mang bệnh thương hàn không xuất hiện triệu chứng ở Mỹ. Ngày nay, người ta dùng tên gọi “Typhoid Mary” để ám chỉ bất kỳ ai làm lây lan thứ gì đó không mong muốn, chẳng hạn như vi khuẩn và virus gây bệnh.

Hình minh họa của Typhoid Mary trên tờ “The New York American” vào ngày 20/6/1909. Ảnh: Wikimedia Commons.

Câu chuyện về Mary bắt đầu vào năm 1883, khi cô lên một chuyến tàu đến thành phố New York (Mỹ). Tại đó, cô sống với chú và dì của mình và bắt đầu sự nghiệp không mấy nổi tiếng với tư cách là đầu bếp gia đình cho giới tinh hoa của thành phố. Tuy nhiên, cô không làm ở một nơi nào cố định mà chuyển việc liên tục từ gia đình này đến gia đình khác. Mary được mô tả là có tính cách nóng nảy, cứng đầu, cố chấp, bốc đồng và ít quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong lúc nấu ăn.

“Mary có vẻ là người luôn hướng tới những thỏa thuận việc làm tốt hơn. Cô ấy không ở lại bất kỳ chỗ làm nào quá lâu”, tác giả George Soper viết trong cuốn sách “The Curious Career of Typhoid Mary” (Sự nghiệp gây tò mò của Typhoid Mary).

Một biến cố lớn đã xảy ra vào mùa hè năm 1906, khi Mary tới làm đầu bếp cho Charles Henry Warren, một giám đốc ngân hàng ở New York. Lúc đó, Warren và 11 người thân của ông cùng thuê một căn nhà lớn ở Vịnh Oyster, Long Island để nghỉ mát. Đến cuối tháng tám, sáu thành viên đã mắc bệnh thương hàn mà không ai biết lý do tại sao.

Bệnh thương hàn do vi khuẩn Salmonella Typhi gây ra. Các triệu chứng của bệnh bao gồm: sốt, đau dạ dày, đau đầu, các vấn đề về ruột (tiêu chảy hoặc táo bón), ho, chán ăn, và phát ban các nốt nhẵn màu hồng. Nếu không điều trị bằng thuốc kháng sinh, cứ bốn bệnh nhân thì có một người tử vong. Đầu thế kỷ XX, bệnh thương hàn được coi là căn bệnh của những người nghèo. Nó lây lan chủ yếu ở các khu ổ chuột, nơi gắn liền với sự đói nghèo và mất vệ sinh. Do đó, trường hợp các thành viên trong một gia đình giàu có như Warren mắc bệnh thương hàn là điều khá kỳ lạ.

George Sober – một chuyên gia về vấn đề vệ sinh – được chủ căn hộ ở khu nghỉ mát thuê đến để điều tra vụ việc. Ban đầu, anh ta nghi ngờ nguyên nhân gây bệnh thương hàn đến từ những con ngao kém chất lượng, nhưng giả thuyết này cuối cùng bị loại bỏ. Sau đó, anh chuyển đối tượng nghi vấn sang Mary, người đã nấu ăn cho nhà Warrens vài tuần trước khi các thành viên phát bệnh và trốn đi ngay sau khi vụ việc xảy ra.

Nghiên cứu lịch sử làm việc của người phụ nữ Ireland, Soper còn biết rằng bảy gia đình từng thuê Mary làm việc trước đó cũng có người bị thương hàn. Tiến hành điều tra sâu hơn, anh xác định Mary lây nhiễm vi khuẩn Salmonella Typhi cho người khác thông qua món tráng miệng nổi tiếng của cô làm từ kem trộn với những miếng đào tươi. Không giống các món ăn thông thường, món ăn lạnh này không cần đun nóng [nhiệt độ cao khi nấu ăn sẽ giết chết vi khuẩn], khiến nó trở thành vật trung gian lý tưởng cho vi khuẩn gây bệnh thương hàn – đặc biệt là khi Mary thường không rửa kỹ tay trước khi xử lý thức ăn.

Sau nhiều nỗ lực, Sober cuối cùng đã tìm thấy Mary vào tháng 3/1907. Khi đó, Mary đang làm đầu bếp cho một gia đình gần Đại lộ Park ở khu vực Upper East Side, New York. “Lúc tôi đến, một thành viên của gia đình này vừa được đưa đến Bệnh viện Presbyterian do mắc bệnh thương hàn, và một thành viên khác đã chết vì nguyên nhân tương tự”, Sober nhớ lại.

Nhưng khi Sober tiến lại gần Mary và nói rằng cô ấy đang vô tình lây bệnh cho người khác, Mary đã phủ nhận và có những phản ứng bạo lực. Cô nắm lấy một cái nĩa, tiến về phía Sober với cử chỉ đe dọa. Cuối cùng, Sober thông báo cho Sở Y tế thành phố New York để đưa cô đến một nơi cách ly. Mặc dù kết quả xét nghiệm mẫu phân cho thấy Mary mắc bệnh thương hàn, nhưng điều đáng ngạc nhiên là sức khỏe của cô vẫn luôn ổn định. Cô chưa từng xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào của bệnh thương hàn như sốt, đau đầu và tiêu chảy. Trong quá trình thẩm vấn, cô thừa nhận không bao giờ rửa tay trước khi nấu ăn vì cho rằng điều này không quan trọng.

Trong ba năm tiếp theo, Mary sống biệt lập tại Bệnh viện Riverside trên Đảo North Brother. Các bác sĩ đã cố gắng điều trị cho cô nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn. Cô vẫn mang trong mình vi khuẩn Salmonella Typhi nguy hiểm. Năm 1910, cô được trả tự do với điều kiện phải báo cáo sức khỏe với Sở Y tế ba tháng một lần và quan trọng là từ bỏ nghề đầu bếp – một lời hứa cô đã không giữ.

Ngay sau đó, Mary nhiều lần đổi tên và tiếp tục đảm nhận công việc đầu bếp trong các khách sạn, nhà trọ, nhà hàng, thậm chí cả bệnh viện. Nhưng bất chấp các nỗ lực khác nhau để giấu danh tính thật của mình, cô ấy đã bị bắt lại vào năm 1915 khi gây ra một đợt bùng phát dịch thương hàn [khiến 23 nhân viên bị ốm và hai người chết] tại Bệnh viện Phụ sản Sloane ở Manhattan. Dịch bệnh bắt nguồn từ căn bếp của bệnh viện mà người chịu trách nhiệm nấu nướng không ai khác chính là Mary. Lần này khi bị các quan chức y tế gọi đến, cô ấy đã giữ thái độ hợp tác và mềm mỏng hơn nhiều.

“Mary đã quay lại Đảo North Brother lần thứ hai trong 23 năm như một người bị giam lỏng. Trong suốt thời gian dài ấy, cô ấy chưa từng một lần cố gắng trốn thoát”, Soper cho biết. “Trên đảo, chính quyền thành phố New York đã dành cho Mary một chỗ ở thoải mái – nơi cô ấy có thể tự do nấu ăn, ngủ và đọc những cuốn sách mình yêu thích”.

Ngày 11/11/1938, Mary qua đời do bệnh viêm phổi. Thi thể của cô nhanh chóng được đưa đi chôn cất tại khu Nghĩa trang St. Raymond ở Bronx. Tổng cộng, Mary được cho là lây truyền thương hàn cho 51 người, trong đó có ba trường hợp tử vong. Theo Soper, con số thực tế thậm chí còn cao hơn nhiều bởi vì cô dùng nhiều tên giả.

Ngày nay, chúng ta biết rõ tại sao Mary có thể mang trong mình một loại vi khuẩn gây chết người trong nhiều năm. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford (Mỹ) đã chỉ ra cách thức vi khuẩn Salmonella Typhi có thể sống sót bên trong các tế bào bạch cầu gọi là đại thực bào và làm thay đổi quá trình trao đổi chất của con người. Trung bình, có khoảng từ 1 đến 6% những người bị nhiễm vi khuẩn Salmonella Typhi sẽ trở thành bệnh nhân thương hàn mãn tính không triệu chứng giống như Mary.