Các nhà khoa học vừa khám phá ra rằng, hang động Hranice Abyss ở CH Séc sâu hơn gấp đôi so với ước tính trước đây, lên đến 1 km.

Hang động Hranice Abyss nằm trong địa hình "karst" - loại địa hình thủng lỗ chỗ giống như pho mát, được hình thành khi đá vôi bị nước ăn mòn dần.

Hầu hết các hang động đều hình thành từ bề mặt và ăn sâu xuống dưới trong quá trình nước mưa hoặc nước tuyết tan chui xuống lòng đất, ăn vào đá và tạo ra các vết nứt mở rộng theo thời gian.

Tuy nhiên, các hang động sâu cũng có thể hình thành từ dưới lên, khi nước ngầm có tính axit bị lớp manti (nằm dưới lớp vỏ ngoài cùng và trên lớp lõi của Trái đất) đun nóng và trào ngược.

Trước đây, các nhà nghiên cứu tin rằng Hranice Abyss là loại hang động thứ hai vì nước của nó chứa các đồng vị cacbon và heli đến từ sâu bên trong Trái đất. Nhưng trong chiến dịch khoa học mới đây, các nhà nghiên cứu đã xác định, hang động này hình thành do nước ăn xuống từ bề mặt.

Năm 2016, sử dụng một phương tiện vận hành từ xa, các nhà nghiên cứu ước tính Hranice Abyss sâu 473,5 mét. Tuy nhiên, cáp quang liên lạc của tàu đã ngăn không cho nó xuống sâu hơn và độ sâu thực sự của hệ thống hang động này vẫn còn là một bí ẩn.

Vào năm 2016, các nhà nghiên cứu ước tính độ sâu của Hranice Abyss là 473,5 mét.

Giờ đây, bằng cách sử dụng kết hợp các kỹ thuật địa vật lý, các nhà khoa học đã có được bức tranh rõ ràng hơn. Họ đã dùng một dãy điện cực trên mặt đất để đo mức độ dẫn điện của đá vôi, nhờ đó biết được các vùng đá hoặc các khoang trống bên dưới bề mặt; sử dụng các cảm biến để phát hiện các biến thể nhỏ trong trọng lực, giúp làm lộ ra các hang động; ghi lại phản xạ của các sóng địa chấn trong các vụ nổ nhỏ nhân tạo.

Theo nhà địa vật lý Radek Klanica thuộc Viện Hàn lâm Khoa học CH Séc, người đứng đầu nghiên cứu, hình ảnh thu được cho thấy một hệ thống các hang sâu, giống như các rãnh - một số chứa đầy trầm tích - được tạc nên từ đá vôi. Đáng ngạc nhiên là những rãnh phủ đầy trầm tích này kéo dài đến khoảng 1 km dưới bề mặt - sâu hơn nhiều so với các ước tính trước đó. Theo Klanica, độ sâu mới sẽ dẫn nhiều khách du lịch thám hiểm hơn nữa, điều này “đặc biệt quan trọng” đối với nền kinh tế. Kết quả này đồng thời cung cấp những hiểu biết mới về địa chất địa phương, vốn hết sức có ý nghĩa trong việc duy trì nguồn cung cấp nước trong khu vực.

Klanica và các đồng nghiệp của ông cũng tìm thấy bằng chứng về nguồn gốc thực sự của Hranice Abyss. Các rãnh ngầm kéo sâu xuống từ bề mặt chạy song song với núi ở một bên và với vực sâu ở bên kia. Khi nước chảy từ các ngọn núi vào bồn địa cổ, lượng nước thấm vào bề mặt sẽ tạo ra các hang động từ trên xuống. Các nhà nghiên cứu cho rằng ở Hranice Abyss về sau mới xảy ra hiện tượng nước trào lên từ phía dưới, giải thích sự hiện diện của các đồng vị cacbon và heli. Klanica nói rằng, phát hiện mới có thể khiến các nhà khoa học phải xem xét lại nguồn gốc của các hang động sâu khác được cho là hình thành từ dưới lên, chẳng hạn như Lagoa Misteriosa ở Brazil, hay Boesmansgat ở Nam Phi.

Nghiên cứu của nhóm Klanica đã vừa được công bố trên Journal of Geophysical Research: Earth Surface.

Hranice Abyss là hang động nước ngọt sâu nhất thế giới. Nhưng nó không phải là hang động sâu nhất nói chung. Vinh dự đó thuộc về hang động Veryovkina ở Georgia, sâu 2,2 km, hình thành khi mực nước biển ở Biển Đen giảm xuống nghiêm trọng cách nay hàng triệu năm.

Nguồn: