Môi trường tự nhiên tại Indonesia hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng. Tuy nhiên nước này cũng lại cho thấy nhiều nỗ lực nhằm phục hồi các hệ sinh thái biển dễ chịu tổn thương hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới.
Theo báo cáo của hãng thông tấn Al Jazeera (Quatar), tại Indonesia hiện đang có tới gần 500 dự án phục hồi san hô. Nhà nghiên cứu Tries Razak từ Đại học IPB trên đảo Java, người dẫn dắt nhóm khảo sát, cho biết chính phủ nước này có kế hoạch đầy tham vọng là quy hoạch khoảng 30 triệu ha bảo tồn biển để giữ gìn san hô cho những thế hệ sau.
Andrew Taylor đang lặn chăm sóc san hô. Ảnh: Ollie Clark
Mạng lưới Giám sát San hô Toàn cầu (GCRMN) cảnh báo: gần 14% rạn san hô trên thế giới đã bị xóa sổ chỉ trong giai đoạn 2009 – 2018 do biến đổi khí hậu, ô nhiễm, dịch bệnh,… Indonesia nằm trong khu vực Tam giác San hô Đông Nam Á, nơi sở hữu gần 1/3 số rạn san hô của thế giới, đang nỗ lực nhằm đảo ngược điều này. Nhà nghiên cứu Peter Mumby chuyên về bảo tồn san hô tại ĐH Queensland (Úc) nhận xét: “Indonesia là nước duy nhất trên thế giới đã thực hiện hầu hết các nghiên cứu mang tính cơ bản lẫn ứng dụng nhằm khôi phục những rạn san hô chết ngay từ đầu thập niên 1990, đi trước Úc khá xa.” Úc, quốc gia đã chi 72 triệu USD cho một chương trình khắc phục thiệt hại do biến đổi khí hậu tại khu vực Rạn san hô Great Barrier, đang tìm đến Indonesia để tham khảo kinh nghiệm.
Hoạt động trồng rong biển, vốn khá nhộn nhịp ở Quần đảo Penida, là mối đe dọa đối với quần thể san hô tự nhiên của nơi này. Ảnh: Ian Neubauer.
Nhà nghiên cứu Andrew Taylor, chuyên gia sinh học biển người Canada, hiện đang làm việc tại Quần đảo Penida ở phía Tây Nam Bali – nơi hằng năm thu hút rất đông du khách từ khắp nơi trên thế giới tới để lặn ngắm cá thái dương (sunfish). Các rạn san hô nơi đây đang chịu rất nhiều sức ép từ chất thải của hoạt động du lịch, đánh bắt cá và trồng rong biển, bên cạnh một dự án xây dựng bến tàu mới,… Năm 2018, Taylor đã tham gia một dự án phục hồi san hô thí điểm do tổ chức phi chính phủ Blue Corner Marine Research tài trợ trên đảo Nusa Penida (lớn nhất thuộc quần đảo). Trong một nỗ lực rất đáng ghi nhận của nhóm bảo tồn, những rạn san hô đá trải dài gần 300 m đã được cố định bằng 400 khung kim loại phủ epoxy.
“Ý tưởng của chúng tôi là bố trí các cấu trúc để san hô có chỗ bám rồi cố định chúng bằng khung kim loại và lưới thép mỏng (chicken wire). Chỉ sau khoảng một năm, bọt biển và san hô mềm bắt đầu tái sinh trong khi lưới bị phân hủy” Taylor nói.
Tạo công ăn việc làm
Cũng nằm rất gần Bali, khu bảo tồn san hô ICRG được xây dựng với kinh phí 7.5 triệu USD do chính phủ tài trợ để khôi phục các rạn san hô bị tàn phá trong quá trình phát triển du lịch và do ô nhiễm sông ngòi trong suốt 50 năm qua. Bộ Biển và Nghề cá Indonesia (MMAF) kỳ vọng dự án sẽ mang lại công ăn việc làm cho khoảng 10.000 người đang thất nghiệp vì đại dịch Covid-19, và thuê thêm nhiều nhân lực nữa trong tương lai.
Tại Lovina, một khu du lịch từng vô cùng nhộn nhịp ở phía Bắc Bali, 250 người dân bản địa đang được thuê làm công việc xây dựng 1.000 “đá sinh học” bằng bê tông với hình dạng trông giống những chiếc chuông lớn và có lỗ [kim loại] để gắn san hô đá lên đó. Trong quá trình hoàn thiện những hạng mục cuối cùng của một dự án vườn san hô khác, khoảng 1.000 người Nusa Dua ở phía Nam hòn đảo đã tham gia xây dựng kết cấu phụ trợ bao gồm 8.000 ống thép, mỗi ống dài 2m. “Chúng tôi được tạo công ăn việc làm thay vì cho tiền, nhờ đó mà nơi này mới có thêm 20ha san hô cùng 20 điểm lặn du lịch mới,” Rafi – một trong số 400 thợ lặn thất nghiệp được thuê để lắp đặt các ống thép dưới nước – cho biết. “MMAF còn bàn giao rất nhiều thiết bị lặn cho chính quyền Nusa Dua để người dân nơi đây có thể hàng tuần vệ sinh làm sạch rạn san hô. Thật tốt khi chứng kiến điều đó,” anh nói.
Cần giám sát lâu dài
Razak đánh giá rất cao những lợi ích mà ICRG mang lại cho người dân Bali, nhưng cô không dám khẳng định liệu các dự án khác có thể mang lại hiệu quả tương tự. “Mười năm trước, tôi từng khảo sát một địa điểm ở bờ biển phía Đông đảo Sumbawa, nơi một doanh nghiệp đang cố gắng tái tạo hàng trăm rạn san hô tại hai khu vực – một với nền đáy mềm toàn cát và chưa từng có san hô trước đó; một đã từng có quần thể san hô rất lớn nhưng bị phá hủy bởi hoạt động đánh cá. Kết quả, đáng ngạc nhiên, lại rất tốt ở khu vực chưa từng có san hô và thật nghèo nàn ở nơi còn lại,” cô nói.
“Trồng san hô rất khác với trồng cây, trong khi chúng ta vẫn chưa đạt được sự hiểu biết đầy đủ. Những rạn san hô nhân tạo có thể phát triển thành công ở một địa điểm, nhưng cũng chỉ cách đó khoảng 2 mét, các yếu tố hải văn, thủy động lực học, hoặc nguồn cung cấp thức ăn cho san hô sẽ hơi khác và dẫn đến kết quả trái ngược. Vì vậy, điều quan trọng là cần trồng san hô ở đúng nơi phù hợp”, Razak lý giải.
Một rào cản lớn nhất nằm ở việc thiếu vắng sự giám sát và đánh giá hiệu quả. “Tôi đã theo dõi và thấy có rất ít dự án [tại Indonesia] lưu ý phần này trong bản kế hoạch hoạt động, phần lớn đều chỉ triển khai cuốn chiếu một lần cho nên đã bỏ sót rất nhiều thứ. Nếu không thay đổi cách tiếp cận, chúng ta sẽ không bao giờ hoàn thiện được ngành khoa học về bảo tồn san hô, cho dù có nỗ lực trồng bao nhiêu rạn đi nữa”, cô nói.
Nhưng đối với Mitchell Ansiewicz (người Úc), chủ sở hữu một khu resort tại Ohana, và nhiều cư dân khác của Quần đảo Penida, thì bất cứ dự án khôi phục san hô nào cũng là điều tốt. “Tình trạng của các quần thể san hô nơi đây sẽ ảnh hưởng tới gần như tất cả mọi người, từ những ngư dân, thợ lặn, người trồng rong, du khách đam mê lướt sóng hay các chủ khách sạn,… Do đó, mọi nỗ lực tái tạo đều nên được ghi nhận và trân trọng”, ông nói.
Theo Al Jazeera