Được xây dựng cho pharaoh Khufu (trị vì khoảng 2551 đến 2528 TCN), Đại kim tự tháp Giza là kim tự tháp lớn nhất từng được xây dựng ở Ai Cập cổ đại và là kỳ quan duy nhất còn sót lại của thế giới cổ đại.

Có ba phòng đã biết bên trong Đại kim tự tháp, được bố trí theo một trục từ trên đỉnh xuống đến đáy. Phòng thấp nhất (hay còn gọi là "phòng chưa hoàn thiện") được đục vào đá xây kim tự tháp; đây là phòng lớn nhất, nhưng chỉ mới được đục thô vào đá và chưa có các chi tiết hoàn thiện như hai phòng còn lại, chưa rõ chức năng. Phòng ở giữa (còn gọi là Phòng nữ hoàng) là phòng nhỏ nhất, được cho là serdab - một cấu trúc được tìm thấy trong nhiều kim tự tháp Ai Cập khác để chứa một pho tượng. Người Ai Cập cổ đại tin rằng tượng là nơi hồn của pharaoh trú ngụ khi xác ướp bị phá huỷ. Phòng trên cùng (còn gọi là Phòng hoàng đế) được cho là phòng chứa xác ướp pharaoh, tuy nhiên vẫn còn nhiều tranh cãi vì quan tài quá nhỏ so với kỹ thuật xử lý xác ướp của người Ai Cập.

Đại kim tự tháp Giza.

Từ năm 2015 đến 2017, dự án "Quét Kim tự tháp" đã thực hiện một loạt các lần quét Giza dựa trên hạt muon để phát hiện các khoang trống trong kim tự tháp chưa được biết đến.

Muon là hạt cơ bản mang điện tích âm, hình thành khi các tia vũ trụ va chạm với các nguyên tử trong bầu khí quyển của Trái đất. Những hạt năng lượng cao nhưng vô hại này liên tục rơi xuống Trái đất, và tương tác theo những cách khác nhau với các vật liệu khác nhau, chẳng hạn như với đá và với không khí. Các nhà nghiên cứu sử dụng máy dò siêu nhạy để xác định chính xác các hạt muon đang tương tác thế nào bên trong kim tự tháp, và từ đó lập bản đồ các khu vực. Kết quả khi đó cho thấy có hai khoang trống bí ẩn chưa được biết đến trước đây.

Khoang trống lớn hơn nằm ngay phía trên sảnh chính dẫn vào Phòng hoàng đế, dài khoảng 30 mét và cao 6 m. Các nhà khảo cổ học không rõ khu vực này sẽ chứa những gì, có thể là một khu vực trống hoặc tổ hợp một số phòng nhỏ. Giả thuyết thú vị nhất cho rằng đây có thể mới thực sự là phòng để xác ướp của Khufu. Giả thuyết "nhàm chán" hơn cho rằng khoang trống đó đóng một số vai trò trong việc xây dựng kim tự tháp. Khoang trống thứ hai, nhỏ hơn nhiều, nằm gần mặt ngoài phíabắc của kim tự tháp, chức năng của nó cũng chưa được xác định.

Sơ đồ các vị trí đã biết trong kim tự tháp, hai khoảng sáng là hai khoang trống bí ẩn mà dự án "Quét kim tự tháp" ghi nhận.Bên dưới khoang trống lớn là sảnh chính và các phòng đã biết của kim tự tháp.

Để giải đáp những bí ẩn về hai khoang trống này, cũng như về các vị trí khác trong Giza, một nhóm nghiên cứu có kế hoạch quét lại Đại kim tự tháp Giza, sử dụng một hệ thống mạnh hơn có khả năng phân tích nhiều hạt muon hơn và phân tích chi tiết hơn. "Chúng tôi có kế hoạch triển khai một hệ thống quét nhạy gấp 100 lần so với thiết bị trước đây sử dụng tại Đại Kim tự tháp," nhóm nghiên cứu đề xuất ý tưởng trong một bản thảo trên arXiv. Các máy dò dự kiến sử dụng lần này có kích thước rất lớn, và sẽ đặt bên ngoài kim tự tháp từ các góc độ khác nhau. Nhờ đó dữ liệu thu được sẽ đa góc độ hơn và cho ra hình ảnh có độ phân giải cao hơn nhiều so với trước đây.

Máy dò lần này sẽ nhạy đến mức có thể ghi nhận các hiện vật bên trong các khoang trống và trong kim tự tháp, Alan Bross, nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Máy gia tốc Quốc gia Mỹ Fermi, đồng tác giả bản thảo, cho biết.

“Chúng tôi đang tìm các nhà tài trợ cho toàn bộ dự án," Bross nói. “Một khi chúng tôi có đủ kinh phí, chúng tôi tin rằng sẽ mất khoảng hai năm để chế tạo các thiết bị quét. Hiện tại, chúng tôi chỉ có đủ kinh phí để tiến hành mô phỏng và thiết kế một số nguyên mẫu."

Nhóm Bross dự kiến khoảng một năm sau khi triển khai máy quét sẽ có kết quả sơ bộ, nhưng cần từ hai đến ba năm để thu thập đủ dữ liệu muon nhằm đạt được độ phân giải cần thiết để phân tích các vị trí khác nhau trong Giza.

Nguồn: