Khi du hành đến Trung Quốc vào cuối thế kỷ 13 dưới sự cai trị của triều Nguyên (1271 – 1368), Marco Polo (1254 – 1324) đã sốc vì thấy người dân nơi đây sử dụng tiền giấy trong mọi giao dịch thường ngày.

Hình vẽ Hoàng đế Hốt Tất Liệt và tiền giấy – sáo – thời Nguyên.
Hình vẽ Hoàng đế Hốt Tất Liệt và tiền giấy – sáo – thời Nguyên.

Đó có lẽ là sáng tạo đáng kinh ngạc nhất trong số những thứ mà ông được chứng kiến ở phương Đông, vượt trên thuốc súng hay kính mắt. Tại quê nhà Venice (nay thuộc nước Ý) và tất cả các nơi mà Polo đã đi qua, người ta chỉ sử dụng tiền làm từ đồng, bạc, vàng – những vật liệu mang giá trị thực chứ không phải giấy. Tiền giấy thời Nguyên – sáo – được phát hành dưới thời Hốt Tất Liệt (1215 – 1294, cháu nội Thành Cát Tư Hãn (1162 – 1227) vào năm 1260. Giá trị của những tờ sáo không đến từ chất liệu làm chúng (vỏ cây dâu tằm) mà được bảo chứng bởi trữ lượng bạc, niềm tin cùng sự tuân thủ tuyệt đối với quy định của chính quyền và xác nhận thông qua con dấu. “Các tờ giấy được phát hành trong sự trang trọng, quyền lực và có giá trị như thể chúng là vàng hoặc bạc tinh khiết”, Polo viết trong cuốn hồi ký Il Milione (hay được biết dưới cái tên Marco Polo du ký hoặc Miêu tả thế giới)1.

Nhưng Hốt Tất Liệt lại không phải là người đầu tiên phát minh ra tiền giấy. Trên thực tế, nó đã xuất hiện ở Trung Quốc khá lâu trước đó và phải mất hàng trăm năm để hình thành. Những khai quật khảo cổ cho thấy người Trung Quốc đã biết sử dụng tiền đồng ít nhất từ thế kỷ 6 TCN. Mặc dù bền, khó làm giả và mang giá trị thực nhưng tiền đồng lại gây bất tiện vì khá nặng. Đến thế kỷ 7 SCN (thời Đường (618 – 907), một hệ thống cơ sở được thiết lập để các thương nhân có thể đem tiền đồng tới gửi và nhận về một tờ giấy biên nhận nợ – chính là kỳ phiếu; theo thời gian, nó dần được chấp nhận như một phương thức thanh toán hợp lệ. Sang thời nhà Tống (960 – 1279), triều đình cho phát hành Giao Tử (交子) – được xem là những tờ tiền giấy đầu tiên trong lịch sử. Chúng được làm từ nhiều loại sợi và có thời hạn lưu hành trong ba năm để ngăn ngừa nguy cơ bị làm giả. Lúc đầu, các vùng (châu) khác nhau trên toàn lãnh thổ tự phát hành Giao Tử riêng, nhưng triều đình về sau quy định cả nước chỉ được phép lưu hành một loại tiền duy nhất. Tuy nhiên, nó cũng chỉ tồn tại được chín năm cùng với sự sụp đổ của nhà Tống.

Hệ thống Con đường Tơ Luạ, được đánh giá là đạt được sự phát triển cực thịnh vào thời Nguyên.
Hệ thống Con đường Tơ Luạ, được đánh giá là đạt được sự phát triển cực thịnh vào thời Nguyên.

Trong quá trình áp đặt sự cai trị của mình, Hốt Tất Liệt đã nỗ lực cho thử nghiệm tiền giấy để thúc đẩy lưu thông. Ông ra lệnh tiền giấy phải được sử dụng cho mọi giao dịch từ Trung Quốc sang đến Trung Đông và cấm tiền địa phương, buộc người dân phải thực hiện quy đổi để tham gia vào các hoạt động. Rút kinh nghiệm từ bài học của nhà Tống và Kim (1115 – 1234)2, chính quyền nhà Nguyên đã áp dụng một số biện pháp phòng ngừa nhằm đảm bảo tiền giấy được chấp nhận rộng rãi. Bất cứ ai từ chối chấp nhận sáo hoặc giao dịch bằng loại tiền khác đều sẽ bị kết án tử hình; và quan trọng hơn, người dân chỉ có thể nộp thuế bằng tiền giấy. Chính sách này đã để lại một di sản phong phú, thậm chí còn được đánh giá là mang tầm vượt thời đại. Nhờ chỉ sử dụng một loại tiền gọn nhẹ duy nhất, hoạt động thương mại dọc theo Con đường Tơ lụa (Silk Road)3 đã trở nên thuận lợi và được quản lý tốt hơn rất nhiều. Hốt Tất Liệt đã cho thành lập một loạt những cơ quan để đảm bảo việc lưu hành sáo được thực hiện ở cả các khu vực xa xôi nhất trên toàn đế chế – ngoại trừ vùng Vân Nam (đất cũ của Vương quốc Đại Lý (937 – 1253)4, nơi người dân từ lâu đã quen sử dụng vỏ sò thay cho tiền. Ngoài ra, chính quyền còn tìm mọi cách nhằm bảo vệ giá trị của đồng tiền (chống lạm phát) ở ngay cả trong những giai đoạn biến động nhất như hạn chế phát hành tiền mới, tăng cường tích trữ bạc, mở kho lương giúp điều tiết giá gạo trên thị trường do mất mùa hoặc thiên tai,…

Mặc dù vậy, tiền giấy vẫn tồn tại một số nhược điểm cố hữu và chúng càng được bộc lộ rõ trong thời chiến. Việc phải gồng mình đối phó với các cuộc nổi dậy của người Hán đã làm triều Nguyên cạn kiệt kho bạc dự trữ, tiền in ra không còn được bảo chứng và lạm phát leo thang – góp phần vào sự sụp đổ sau cùng (năm 1368). Nhà Minh (1368 – 1644) sau khi chiếm được giang sơn đã dần đưa Trung Quốc quay trở lại với hệ thống thanh toán sử dụng bạc.

Chú thích:
1. Cũng cần lưu ý thêm rằng một số đoạn trong những câu chuyện của Marco Polo đều không hề được nhắc tới trong sử sách Trung Hoa.
2. Nhà Kim là một triều đại do người Nữ Chân (tổ tiên của người Mãn Thanh về sau) gây dựng trong lịch sử Trung Quốc, từng kiểm soát một lãnh thổ rộng lớn bao trùm toàn bộ vùng Hoa Bắc, Hoa Trung, diệt Bắc Tống năm 1127 và xưng bá tại Đông Á.
3. Con Đường Tơ Lụa là một hệ thống các con đường buôn bán nổi tiếng, kết nối châu Á với châu Âu (hay phương Đông và phương Tây) trong suốt hơn 1000 năm. Tuyến thương mại này bắt đầu từ Phúc Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh, Trường An (Trung Quốc) đi qua Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakhstan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Địa Trung Hải và sang đến châu Âu. Ngoài ra, những nhánh phụ của nó cũng bao gồm cả Triều Tiên, Nhật Bản và hai miền Nam – Bắc Việt Nam ngày nay. Tổng chiều dài của tuyến đường chính lên tới hơn 4.000 dặm (6.437 km).
4. Đại Lý là một vương quốc của người Bạch, theo Phật giáo Mật Tông, đã từng tồn tại trong giai đoạn năm 937 – 1253 tại khu vực mà nay thuộc tỉnh Vân Nam, Quý Châu và Tây Nam Tứ Xuyên (Trung Quốc) cùng một phần Tây Bắc Bộ Việt Nam. Đại Lý được sáng lập bởi Đoàn Tư Bình (893 – 944), trải qua 22 đời vua thì bị tiêu diệt bởi cuộc xâm lược của đế quốc Mông Cổ dưới thời Đại Hãn Mông Kha (1208 – 1259).