Dưới thời phong kiến, con cháu của hoàng thân quốc thích phải học hành rất nghiêm túc. Họ có thể bị xử phạt nặng nếu lười học.
Nhà Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng ở Việt Nam. Kế thừa thành tựu của các triều đại đi trước, triều đình rất quan tâm phát triển giáo dục. Trong đó, việc giáo dục, đào tạo cho con em trong hoàng gia rất được coi trọng.
Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, việc dạy và học cho con em tôn thất được tổ chức và quy định rất nghiêm ngặt.
Sau khi củng cố đất nước, năm 1817, vua Gia Long đã cho thành lập nơi dạy các hoàng tử được gọi là Tập Thiện Đường. Các vua kế tiếp như Minh Mạng, Thiệu Trị đều rất quan tâm tới việc học tập của các hoàng tử, hoàng đệ.
Đến thời Tự Đức, không chỉ trực tiếp sát hạch, tuyển dụng người có tài đức làm thầy dạy cho con em tôn thất, nhà vua còn nhiều lần ra chỉ dụ răn dạy thầy đồ phải chăm chỉ hết lòng, dẫn điều lành, ngăn điều trái, không phụ lòng ủy thác.
"Nếu coi văn rộng là quan nhàn, bàn suông tán nhảm, thích rượu ngon, thích đàn hát, không biết giúp lấy điều lễ, chơi chọi gà, chơi đua ngựa, không biết giúp lấy điều nhân nhất định nghiêm trị, không khoan dung tha chút nào", trích sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ.
Năm 1870, vua Tự Đức ra chỉ dụ "học tất phải hành, nếu không chăm làm sao mong sớm tiến bộ. Ông giao Nguyễn Chính (phục trách việc dạy học cho các hoàng tử) vào các ngày mùng 1, 11, 21 mỗi tháng ra đề văn cho các hoàng tử làm cho xong, nếu chậm hạn 3 ngày chưa nộp bài thì các hoàng tử có lỗi. Nguyễn Chính và 3 viên giảng tập không gia tâm đôn đốc khuyên răn cũng khó tránh thoát tội".
|
Lầu tứ phương vô sự, nơi học tập của hoàng tử Nguyễn. Ảnh: Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế. |
Sử sách chép rằng: "Các công tử, công tôn đi học, người nào cáo bệnh thì giao cho các quan ở Tôn Nhân Phủ lại xem xét, nếu ai giả bệnh và nghỉ học không duyên cớ thì sẽ giảm lộc bổng trong năm để trách phạt người lười biếng".
Những hoàng tử học hành không tiến bộ cũng bị xử phạt rất nặng. Hoàng tử Ưng Chân học 3-4 năm không thấy tiến bộ, vua Tự Đức liền ban roi mây cho các thầy giáo dạy hoàng tử để làm giáo hình.
Là con em hoàng gia tôn thất nhưng theo quy định thời bấy giờ, việc học của các hoàng tử vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định như những học trò khác.
Trước khi vào học, hoàng tử và các giảng quan phải mặc mũ áo đại triều đến giữa giảng đường có đặt bàn thờ Khổng Tử làm lễ khai giảng. Tiếp đó, hoàng tử kính cẩn lễ lạy các thầy của mình bốn lạy và các thầy cũng lạy đáp lễ trở lại bốn lần. Sau đó, tất cả thay thường phục để bắt đầu học tập.
Việc học tập kéo dài cả ngày, bắt đầu từ sáng sớm và kéo dài đến khi Mặt Trời lặn. Vào ngày lẻ, các hoàng tử sẽ được giảng Ngũ Kinh, ngày chẵn giảng Tứ Thư. Trong đó, Tứ Thư, Ngũ Kinh thì đến ngày học kế tiếp phải thuộc lòng chính văn, thuộc kỹ Chư sử và Tính lý thì phải thông suốt, còn sử thì không cần học thuộc, chỉ cần nắm được ý chính.
Hàng tháng vào những ngày 30, mùng một các hoàng tử được nghỉ học. Những buổi chiều ngày mùng 6, 16, 26 phải đem sách học vào chầu ở điện Quang Minh để vua hỏi lại.
Hoàng tử từ 10 tuổi trở xuống không phải gò mình vào khuôn khổ, có khi còn được vua đặc cách phái người đến phủ đệ riêng dạy trực tiếp. Chỉ các hoàng tử trên 14 tuổi mới được vua cho vào chầu hầu để hỏi bài.
Từ 15 tuổi trở lên, khi văn chương đã thông, hoàng tử được học cưỡi ngựa bắn cung "mỗi tháng 3 lần, buổi chiều vào các ngày mùng một, 11, 21 cho đến chỗ tập voi mà tập cưỡi ngựa 3 lần, lại cho đặt một chỗ vắng vẻ làm nơi tập bắn, đều do viên quản thị vệ liệu lấy 1-2 viên quan võ theo đi chỉ bảo".
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân - chuyên gia về triều Nguyễn hiện sống ở thành phố Huế - ngay từ nhỏ, các hoàng tử, công chúa chịu sự dạy dỗ của các phi tần và thầy dạy học. Sau này, khi các công chúa, hoàng tử được 15-16 tuổi thì được cho lập phủ ở riêng và mời thầy về phủ dạy.
Với những tài liệu lịch sử còn lưu lại, chúng ta thấy, các hoàng tử thời Nguyễn dù được sống trong vinh hoa, phú quý, nhưng vẫn có rất nhiều quy định nghiêm ngặt được dành cho họ. Trong những quy định đó, có việc học tập.