Các nhà khoa học phát hiện xương ngón tay người dài 3,2 cm, có niên đại 85.000 năm trên sa mạc Nefud ở Ả Rập Xê Út.
Xương ngón tay hóa thạch 85.000 năm tuổi. Nguồn:Ian Cartwright
Mẩu xương này là hóa thạch cổ nhất của người hiện đại (Homo sapiens)ở ngoài châu Phi và Levant (khu vực bao quanh phía đông Địa Trung Hải). Nócho thấy con người thuở ban đầu di cư khỏi châu Phi theo lộ trình hoàn toàn khác so với suy đoán trước đây. Kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nature Ecology & Evolution.
Huw Groucutt, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Đại học Oxford (Anh) cho biết, người hiện đại có ngón tay thon và dài hơn so với người Neanderthal sống cùng thời điểm.Mẩu xương ngón tay hóa thạch thuộc về người trưởng thành, nhưng chưa rõ là đàn ông hay phụ nữ. Nó được lưu giữ trong môi trường khô cằn suốt hàng nghìn năm và không có bất kỳ ADN nào còn lưu lại.
Cho đến nay, nhiều nhà khoa học nghĩ rằng con người rời khỏi châu Phi khoảng 60.000 năm trước. Họ di cư dọc theo đường bờ biển, sống dựa vào nguồn tài nguyên biển, theo Michael Petraglia, chuyên gia khảo cổ tại Viện Khoa học Lịch sử Con người Max Planck ở Jena, Đức. “Nhưng giờ đây, với mẩu xương ngón tay hóa thạch được tìm thấy ở Ả Rập Xê Út có niên đại khoảng 85.000 – 90.000 năm, chúng tôi cho rằng người Homo sapiens rời khỏi châu Phi sớm hơn, theo những tuyến đường di cư phức tạp“ , Petraglia nói.
Quốc Hùng