Một công cụ có từ thời chiến tranh cổ đại
Theo các tài liệu ghi chép chiến tranh thời cổ đại, việc sử dụng khói độc và mũi tên độc đã diễn ra từ thế kỷ 12 trước Công nguyên.
Năm 2009, các nhà khảo cổ học Anh khám phá bằng chứng lâu đời nhất về một cuộc tấn công hóa học tại Dura-Europos, thành phố La Mã cổ đại có tàn tích ở phía đông Syria hiện nay. Khoảng 20 binh lính La Mã đã chết trong một trận chiến sau khi hít phải khí độc dưới đường hầm vào năm 256 sau Công nguyên. Khí độc được tạo ra từ việc đốt cháy tinh thể lưu huỳnh và nhựa đường.
Qua nhiều thế kỷ, mặc dù chiến tranh ngày càng trở nên hiện đại hơn, khí độc vẫn tiếp tục được sử dụng rộng rãi bởi các vị tướng lĩnh trên chiến trường. Các chiến binh thời Trung cổ sử dụng một số chất như lưu huỳnh để tấn công kẻ thù. Nhưng do thiếu năng lực công nghệ nên họ không thể sản xuất hoặc tích lũy một kho dự trữ vũ khí hóa học hiệu quả.
Binh sĩ Anh trong chiến hào với mặt lạ phòng độc trước đe dọa của hơi mù tạc.
Ảnh: Military History Now
Thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ nhất
Vũ khí hóa học đã thay đổi cùng với sự khởi đầu của kỷ nguyên công nghiệp. Trong thế kỷ 19, lĩnh vực hóa học phát triển không chỉ tạo ra nhiều hóa chất mới mà còn tìm ra những cách hiệu quả hơn để sản xuất chúng với số lượng lớn. Đứng trước tiềm năng gây hại của các hóa chất mới (chẳng hạn như khí clo) nếu được sử dụng trên chiến trường, các quốc gia đã ký Công ước Hague năm 1899 và 1907 để cấm sử dụng “chất độc hoặc vũ khí độc” trong chiến tranh.
Tuy nhiên, những vụ tấn công bằng vũ khí hóa học trên quy mô lớn vẫn xảy ra trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Hơi cay và hợp chất xylyl bromide (C8H9Br) đã được người Đức sử dụng vào đầu cuộc chiến tranh, dọc theo mặt trận phía tây. Trong trận chiến tại Ypres lần thứ hai, Đức tung ra 150 tấn khí clo trong phạm vi 6,4 km để tiêu diệt quân đội Pháp và An-giê-ri, khi họ đang ẩn nấp trong các hào chiến đấu của lực lượng đồng minh.
“Cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học nói trên về cơ bản là một trận đấu để thử nghiệm. Nó đã mang lại hiệu quả lớn nên nhanh chóng được dùng như một chiến lược chiến tranh hoàn toàn mới”, Gerard Fitzgerald, nhà sử học về chiến tranh hóa học tại Đại học George Mason (Mỹ), cho biết.
Hậu quả của vũ khí hóa học đối với người dân là không hề nhỏ. Khí phosgene (COCl2) và khí mù tạt có thể gây ra tình trạng khủng hoảng tâm lý, đồng thời đốt cháy da, phổi và gây mù lòa. Theo ước tính, khoảng 1,2 triệu người dân bị phơi nhiễm khí độc trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và 91.000 người trong số họ đã thiệt mạng. Sau khi cuộc chiến tranh chấm dứt, Nghị định thư Geneva năm 1925 đã cấm vũ khí hóa học, cả thế giới bắt đầu quay lưng lại với việc sử dụng khí độc trong chiến tranh.
Vũ khí hóa học vẫn được dùng trên quy mô nhỏ
Nỗ lực của toàn thế giới gần như đã ngăn cản được phần nào vũ khí hóa học trong những cuộc chiến tranh sau này. “Sử dụng vũ khí hóa học là bất hợp pháp theo ý kiến chung của nền văn minh nhân loại. Tôi tuyên bố dứt khoát rằng, chúng tôi sẽ không bao giờ sử dụng loại vũ khí như vậy trong bất kỳ hoàn cảnh nào, trừ khi kẻ thù của chúng tôi mang ra sử dụng trước”, cố Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt nói trong một bài phát biểu năm 1943 để phản ứng lại cáo buộc cho rằng, các cường quốcthuộc liên minhphát xít (Đức, Ý, Nhật) đang cân nhắc tới việc sử dụng khí độc.
Cáo buộc trên xuất phát từ tin đồn là Đức Quốc xã có một kho dự trữ khí độc sarin. Tuy nhiên, phe liên minh phát xít đã không sử dụng rộng rãi khí độc để chống lại các mục tiêu quân sự trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Thay vào đó, họ sử dụng các hóa chất công nghiệp để chống lại người dân vô tội. Điển hình là việc dùng thuốc trừ sâu công nghiệp Zyklon B giết hại hàng triệu người Do Thái (cuộc thảm sát Holocaust).
Cộng đồng quốc tế đã bị sốc bởi vụ thảm sát nói trên. Tuy nhiên, các hóa chất mới vẫn tiếp tục được nghiên cứu, thử nghiệm trong thế kỷ 20. Qua nhiều năm, Mỹ đã phát triển, dự trữ các chất độc thần kinh như ricin và chất diệt cỏ như chất độc màu da cam. Người ta cho rằng, Liên Xô cũng phát triển các chất độc hóa học trong thời kỳ trên. “Số lượng vũ khí hóa học mà Mỹ và Liên Xô từng nắm giữ đủ để phá huỷ phần lớn cuộc sống con người và động vật trên Trái đất”, Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) cho biết.
Hầu hết các cuộc tấn công hóa học vào cuối thế kỷ 20 đều nhằm chống lại những mục tiêu quân sự nhỏ. Năm 1963, Ai Cập sử dụng bom mù tạt và chất độc thần kinh phosgene chống lại các mục tiêu quân sự và thường dân trong cuộc Nội chiến Yemen. Vào thập niên 1980, Iraq sử dụng chất độc thần kinh tabun và các vũ khí hóa học khác chống lại Iran và người Kurd ở Iraq trong cuộc Chiến tranh Iraq – Iran.
Năm 1997, hầu hết các quốc gia trên thế giới tham gia vào Hiệp ước Vũ khí Hoá học(CWC), trong đó ngăn cấm việc tàng trữ, phát triển, chế tạo hoặc sử dụng vũ khí hóa học. Nhưng theo Fitzgerald, hiệp ước không có tác dụng nhiều trong việc ngăn chặn sản xuất hoặc sử dụng các hóa chất công nghiệp như clo. “Clo là một trong những hóa chất công nghiệp được sản xuất nhiều nhất trên thế giới. Bạn không thể ngăn cản người ta sản xuất clo”, Fitzgerald nói.