Giáo sư Muñoz, trưởng bộ môn Pháp Y, Khoa Y thuộc Đại học Tổng hợp São Paulo, giữ gìn một thứ đặc biệt hiếm hoi trong két sắt nặng cỡ tấn để trong toà nhà thuộc Viện Pháp Y và ông chỉ đưa nó ra khỏi nơi cất giấu khi giảng bài cho sinh viên: “Hài cốt của Mengele là mẫu vật rất thích hợp để giảng dạy đối với các nhà pháp y tương lai”, nhà khoa học người Brazil hào hứng giải thích.
Năm 1940, Mengele, viên bác sỹ trẻ tuổi gia nhập tổ chức SS, đầu tiên làm bác sỹ quân y và từ tháng 5.1943 là bác sỹ ở trại tập trung Auschwitz khét tiếng về sự dã man, tàn bạo. Tại đây y thản nhiên huýt sáo các bản nhạc opera trong khi “tuyển chọn” nạn nhân để tống vào lò thiêu và tiến hành các thí nghiệm hết sức tàn độc đối với tù nhân. Y đặc biệt khét tiếng về nghiên cứu các ca song sinh ở trẻ em cũng như người lớn. Y tiêm tác nhân gây bệnh hoặc chất độc vào đối tượng, sau khi một trong hai người sinh đôi bị chết, y giết luôn người còn lại nhằm so sánh hai xác chết với nhau.
Sau khi kết thúc chiến tranh, Mengele mang tên giả và sống chui lủi ở châu Âu. Năm 1949 y trốn sang Nam Mỹ và nhiều năm liền y sống yên ổn ở Argentina. Năm 1956, Mengele cảm thấy thật sự an toàn đến mức y trở về Thụy Sĩ để thực hiện một chuyến nghỉ đông.
Mãi đến năm 1959 nước Đức mới phát lệnh bắt y, và năm 1962 cơ quan tình báo Israel lần ra dấu vết của tên tội phạm này nhưng đã để vuột mất.
Giáo sư Muñoz cầm chiếc đầu lâu của Mengele.
Những năm cuối đời tên tội đồ đã ẩn náu tại một gia đình gốc Đức tên là Bossert ở Brooklin, một quận thuộc thành phố São Paulo. Gia đình này biết rõ người khách tá túc tại nhà họ là ai tuy nhiên khi có khách đến nhà thì y luôn được giới thiệu là “Senhor Pedro”.Mengele chết ở tuổi 78 tại Bertioga, một khu nghỉ dưỡng bên bờ Đại Tây Dương của Brazil. Tại đây, vào ngày 7.2.1979 Josef Mengele đã cùng với chủ nhà ra bãi biển dạo chơi. Mengele vốn là một người bơi giỏi, song có lẽ y đã bị đột quỵ khi ở dưới nước - và được chôn cất ở nghĩa trang Embu ngoại ô São Paulo.
Wolfgang Gerhard, luật sư người Áo, một người bạn của y đã thuê hai phần mộ ở nghĩa trang này, một để chôn cất bà mẹ ông ta, phần còn lại dành cho tên tội đồ. Khi còn ở Brazil, viên luật sự này đã cho Mengele ở nhờ một thời gian sau đó giới thiệu y với một gia đình ở vùng này. Trước khi về Áo, viên luật sư đã trao chứng minh thư Brazil của mình cho Mengele, Mengele đã bóc ảnh của viên luật sư và dán ảnh của y vào, từ đó Mengele có thêm một thẻ căn cước mới.
Mengele và Gerhard duy trì liên hệ thư tín với nhau nên Cơ quan công tố Đức đã phát hiện vụ luật sư Gerhard giới thiệu cho Mengele đến ở nhà của gia đình Bossert. Cảnh sát Brazil đã truy hỏi gia chủ về người khách quá cố của họ. Bossert thú nhận kẻ bị chết mang tên giả là “Wolfgang Gerhard” thực tế là Mengele.
Sáu năm sau khi chết, xác Mengele đã bị khai quật. Người ta đã thu được một nắm xương, đầu lâu và một ít mảnh vải quần áo, sau mười ngày bộ xương đã được tái tạo. Chuyên gia pháp y trẻ tuổi, người phụ trách tổ điều tra năm 1985 chính là GS. Daniel Romero Muñoz. Vị giáo sư 71 tuổi nói “Mengele đã được chôn cất đúng với bộ quần áo mà y đã mặc khi ra bãi biển”.
Sau chiến tranh người Mỹ cất giữ toàn bộ hồ sơ giấy tờ liên quan đến Mengele và họ đã trao hồ sơ này cho các chuyên gia pháp y Brazil. GS. Muñoz nói: “Tôi chưa gặp một người chết nào trên bàn phẫu thuật mà hồ sơ tiểu sử được ghi lại tỉ mỉ và tốt như trường hợp này”. Điều này làm cho Mengele trở thành một vụ điển hình về pháp y - vì thế giáo sư Muñoz đã quyết định dùng bộ xương này làm tài liệu giảng dạy.
Đầu tiên Muñoz phân tích các mẩu xương, so sánh những kết quả phân tích với hồ sơ tuyển quân năm 1936 cũng như các tấm ảnh, mẫu quần áo cũng như các tư liệu cá nhân của Mengele. “Tôi cố tìm kiếm các điểm mâu thuẫn, các chi tiết vênh nhau” – tuy nhiên mọi đặc điểm của cái xác hoàn toàn phù hợp với hồ sơ bệnh án của của Mengele. Cuối cùng có thể khẳng định đây chính là hài cốt của tên bác sỹ trại tập trung Auschwitz.
Muñoz đã gặp một số chi tiết khá lạ kỳ: “Hộp sọ của Mengele phẳng hơn so với hộp sọ của người Kaukasier, nó tương đương với hộp sọ của người châu Á.” Điều này các bác sỹ trong hồ sơ tuyển quân năm 1938 cũng đã nhận ra. Muñoz đã có lời giải rất xác đáng cho điều này: “Có lẽ Mengele có nguồn gốc từ người Hunnen, giống người này đã để lại bộ gene của mình ở Trung Âu.”
Hồ sơ tuyển quân của Mengele ghi “mái tóc màu nâu hạt dẻ, hơi xoăn và mỏng”, điều này cũng thể hiện trong hài cốt của y. Giữa hai răng cửa hàm trên có khoảng cách; hồi trẻ Mengele bị viêm xoang mãn tính và thường bị áp xe chân răng. Mangele thường dùng kim tiêm để đưa thuốc kháng sinh vào chỗ mưng mủ ở vòm miệng. “Để thực hiện điều này phải có kiến thức về y học”, theo Muñoz.
Ở hông có vết trồi lên và đây là câu đố đối với các chuyên gia pháp y. Có lẽ, một lúc nào đó Mangele từng bị vỡ xương chậu, xương đã liền lại nhưng không được tốt. Muñoz cho biết: “Một báo cáo của cảnh sát ở Auschwitz cho thấy, Mengele từng bị tai nạn xe mô tô ở trong trại tập trung và bị thương ở hông.” Do có gá một miếng đệm ở đế giày nên gã bác sỹ này đi không bị khập khiễng, “chân phải y ngắn hơn chân trái”.
Nhiều năm sau vụ khai quật, Muñoz đã gửi giám định DNA hai cái răng của Mengele tại một phòng thí nghiệm ở Anh, kết quả xét nghiệm đã khớp với các đánh giá của chuyên gia pháp y Brazil. Ngay cả các chuyên gia chuyên săn lùng bọn phát xít làm việc tại Trung tâm Simon Wiesenthal, (tổ chức chuyên truy lùng phát xít, đặt tại Los Angeles), những người rất đa nghi, cũng đã thừa nhận: Người chết ở Embu – đích thực là tên “tử thần của Auschwitz”.
Gã thầy thuốc tàn bạo, độc ác từng dồn hàng chục nghìn người vào chỗ chết và gọi những người từng bị y đánh đập, tra tấn đến chết là “những con chuột thí nghiệm của ta”. Ngày nay những gì còn lại của tên ác quỷ này lại được dùng vào việc đào tạo những bác sỹ trong tương lai. Chỉ còn một câu hỏi về Mengele vẫn chưa có câu trả lời: Giáo sư hiện cất giữ hài cốt Mengele ở đâu? Ông không tiết lộ điều này vì lý do an toàn, giáo sư Muñoz nói: “Tôi không muốn nó rơi vào tay bọn trộm cắp.”