Trong lịch sử Ai Cập cổ đại, từ năm 3000 đến 332 TCN, chỉ có duy nhất ba phụ nữ trở thành Pharaoh thay vì chỉ nắm quyền với tư cách vợ vua.
Hatshepsut là con gái của Thutmose I – một Pharaoh chiến binh với những chuyến chinh phạt Nubia và Syria thành công giúp mở rộng lãnh thổ Ai Cập. Sau khi vua cha qua đời, ngôi báu được truyền cho Thutmose II – anh trai và cũng là chồng của Hatshepsut (hôn nhân cùng huyết thống khi đó rất phổ biến trong hoàng gia), và giữa họ có một người con gái chung là Neferure.
Sau này, khi Thutmose II mất, ngôi vương lại được chỉ định truyền cho Thutmose III – con trai ghẻ và cũng là cháu trai của Hatshepsut. Tuy nhiên, vì Thutmose III khi ấy chỉ là một đứa trẻ và chưa thể tự mình cai trị Ai Cập, cho nên Hatshepsut đã đảm nhận vai trò quan nhiếp chính trong khoảng 3 năm trước khi chính thức lên ngôi Pharaoh, nhưng chưa rõ lý do (vì trên nguyên tắc, bà vẫn là người cùng trị vì với Thutmose III).
Khi đã là một Pharaoh, Hatshepsut thường được miêu tả với hình ảnh truyền thống của một đấng nam vương, nhưng cái tên mà bà sử dụng lại được cấu thành từ một số từ mang chất nữ tính, nhờ thế mà người ta biết nhiều về thân phận thật của bà hơn. Các nghệ nhân cũng dựng tượng bà giống với một Pharaoh nam có râu, nhưng vẫn mang một vài nét nữ tính, chẳng hạn có eo thon nhỏ hơn như bức tượng gỗ ở Abydos mà GS. Mary Ann Pouls Wegner từ Đại học Toronto cùng các cộng sự đã tìm thấy.
Tượng Hatshepsut. Ảnh: Miguel Cabezón / Shutterstock
Có vẻ như Hatshepsut đã rất chăm lo gây dựng lòng trung thành và sự phục tùng của quan lại trong triều. Trong cuốn sách Lịch sử Ai Cập cổ đại (NXB Oxford), tác giả Betsy Bryan lưu ý về “số lương lớn các ngôi mộ được trang trí” ở Luxor và Saqqara, cùng một dòng chữ khắc trên đền thờ Hatshepsut ở Deir el-Bahari, rằng: “những người tôn kính đức vua sẽ sống mãi, còn kẻ dám báng bổ tới Ngài tất phải chết”.
Chính sách xây dựng
Dưới triều đại của mình, Hatshepsut đã mở rộng các dự án xây dựng, thậm chí vượt xa so với cha ông. Như sau chiến dịch chinh phạt Nubia, bà đã hạ lệnh xây đài tưởng niệm ở một số vùng đất thuộc Qasr, ibrim, Semna, Faras và Buhen. Riêng ở Ai Cập, tại khu phức hợp đền thờ Karnak, bên cạnh những đài tưởng niệm, bà cũng cho dựng Cung điện Ma’at – một kiến trúc dạng chữ nhật bao gồm “một dàn các căn phòng nhỏ cùng sảnh lớn ở trung tâm trên một chiếc thuyền” (để sử dụng trong các nghi lễ). Ngoài ra, còn có rất nhiều bức tường được khắc, chạm nổi bằng những hình vẽ tươi sáng, rực rỡ về Hatshepsut và Thutmose III, nhóm nghiên cứu từ Đại học UCLA trong dự án kỹ thuật số Karnak cho biết.
Có lẽ một trong những công trình mang đậm dấu ấn của Hatshepsut nhất chính là ngôi đền tại Deir el-Bahari. Nhà Ai Cập học Ian Shaw trong cuốn “Khám phá Ai Cập cổ đại” cho biết: tên gốc của ngôi đền là djeser-djeseru, tức “nơi linh thiêng nhất trong các chốn linh thiêng”, và bao gồm ba dãy nhà cùng dẫn đến một điện thờ. Ông cũng viết rằng khi khai quật ngôi đền vào thế kỷ 19, các nhà khảo cổ đã tìm thấy khu điện thờ dành riêng cho các thần Hathor và Anubis, đồng thời ở gian thấp nhất, họ tìm thấy bức tượng khắc hình Hatshepsut giống với một nhân sư “bất khả chiến bại”, và một bức chạm mô tả “cảnh khai thác và vận chuyển những khối granit từ các mỏ đá ở Aswan”.
Đền thờ Hatshepsut tại Thung lũng các vị vua ở Luxor (Ai Cập).
Ảnh: Mirek Hejnicki/Shutterstock
Chuyến hải trình tới Punt
Chuyến hải trình tới Punt (hay còn gọi là Thánh Địa) chính là một điểm nhấn quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hatshepsut. Punt nằm đâu đó ở phía Tây Bắc Châu Phi, giữa Eritrea, Ethiopia và Nam Sudan. Hàng thế kỷ trước Hatshepsut, người Ai Cập đã thực hiện nhiều chuyến đi tới đây để kiếm tìm của cải. Các hình chạm mô tả về Punt tại đền Deir el-Bahari cho thấy “những ngôi nhà lợp mái hình nón bên trên các cây cột trụ, cần có thang để đi lên, … Và người cai trị Punt được phân biệt với dân Ai Cập chủ yếu nhờ vào bộ râu và trang phục bất thường, bên cạnh bà vợ được mô tả là rất béo”.
Các ghi chép cổ đã chỉ ra đó là một chuyến đi đặc biệt thành công, “người Ai Cập đã chất đầy những sản vật của Punt lên tàu, bao gồm các loại gỗ quý còn thơm mùi nhựa, gỗ mun, ngà voi và vàng xanh của Emu”, đồng thời kết luận rằng chưa từng có vị Pharaoh nào thành công ở đây đến vậy”, theo cuốn “Tàu và Thủy thủ Thời kỳ đồ đồng” của Shelley Wachsmann (NXB Đại học Texas A&M, 2009).
Cái chết và sự xóa sổ
Sau khi qua đời năm 1457 TCN, Hatshepsut được chôn cất tại Thung lũng của các vị vua, nhưng những di sản của bà thì lại không được tôn vinh, do chính sách của Pharaoh Thutmose III. Thậm chí, “các bức tượng của bà còn bị kéo xuống và đập vỡ, cùng với hình ảnh và niên hiệu bị xóa bỏ”, nhà Ai Cập học Joyce Tyldesley viết trên BBC năm 2011. Đây rất có thể là một âm mưu của Thutmose III nhằm chiếm đoạt những công lao của Hatshepsut, bằng cách “hợp nhất giai đoạn trị vì của bà vào của ông ta, để trở thành vị Pharaoh vĩ đại nhất Ai Cập”, theo Tyldesley.
Xác ướp
Năm 2007, các nhà khảo cổ cho biết đã xác định được vị trí xác ướp của Hatshepsut tại ngôi mộ KV 60 ở Thung lũng của các vị vua. Kết quả chụp cắt lớp (CT) chiếc răng duy nhất bên trong chiếc hộp khắc tên Hatshepsut cho thấy khớp với một chân trong hàm răng của xác ướp”, nhà nhân chủng học Meredith Small từ Đại học Cornell cho biết. Khi qua đời, bà đang ở độ tuổi 50, bị hói, mắc bệnh tiểu đường, hay sơn móng tay bằng hai màu đen và đỏ, ngoài ra bà cũng rất thích nước hoa.
Bất chấp tình trạng sức khỏe và hình ảnh bị vùi dập sau khi mất, lịch sử vẫn nhắc tới Hatshepsut như một Pharaoh vĩ đại – Small phát biểu. “Hình ảnh của bà đã không thể bị xóa nhòa, bởi vì ngay cả với trọng lượng cơ thể, bộ râu hay sơn móng tay, thì bà vẫn là một người cai trị, và là một người trị vì vĩ đại. Ở Ai Cập cổ đại, hay cũng như thời hiện đại, đơn giản chỉ là bạn không thể kìm hãm một người phụ nữ giỏi giang”, cô nói.