Ngày nay, phố Nguyễn Du nằm nép bên hồ Ha-le. Nhưng ít ai biết rằng, con phố này chỉ mang tên đại thi hào từ năm 1946 và từng có một phố Nguyễn Du khác từ trước đó, đã nhiều lần được nhắc tên trên báo chí đương thời.

Hà Thành Ngọ báo số 27 tháng 9 năm 1928 với bài viết về Phố Nguyễn Du.
Nguồn: Thư viện Quốc gia.

Trước năm 1946, nhiều con phố ở Hà Nội mang tên các nhân vật người Pháp như các Toàn quyền Đông Dương (Ernest Constan, Paul Bert…); các tướng lĩnh, sĩ quan tham gia đánh chiếm thành Hà Nội (Francis Garnier, Henri Rivière…); các cố đạo (Puginier, Landais, Alexandre de Rhodes,…); các Đốc lý Hà Nội (Parreau, Morel…),… Cũng có số ít ngõ phố mang tên các danh nhân Việt Nam.

Nhà báo Hoàng Tích Chu, ông chủ bút của tờ “Hà Thành Ngọ báo” tiếng tăm đầu thế kỷ XX, cũng phải thốt lên rằng: “Gần đây thành phố Hà Nội mở rộng, đặt ra nhiều phố lẻ, ngõ con. Trừ một ngõ hẻm từ phố Hàng Đào xuyên qua phố Gia Ngư, ta được có cái hân hạnh cỏn con là thấy trên mặt tường ngõ ấy đề tên nhà thi sĩ Nguyễn Du. Cũng như ta thấy có phố Đồng Khánh, phố Gia Long, phố Đỗ Hữu Vị, phố Cao Đắc Minh. Những phố để tên ta này, mong có được tính cách vĩnh viễn…” ("Xửa điều nhầm", Hà Thành ngọ báo, số 624, ngày 3 tháng 9 năm 1929).

Nếu đúng như lời của ký giả Hoàng Tích Chu thì đã có một con phố mang tên thi hào từ thời Pháp thuộc.

Theo Từ điển phố và đường Hà Nội của GS Nguyễn Vinh Phúc, phố Gia Ngư thời Pháp thuộc là phố Ti-răng (rue Tirant) đoạn đầu đông. Đoạn đầu tây là phố Nguyễn Du (đường 20) nhưng dân chúng vẫn quen gọi là phố Gia Ngư. Sau Cách mạng, tên gọi này đã được chính thức hóa.

Hà Thành ngọ báo trong bài viết “Ngõ Nguyễn Du?” số 418 ngày 27 tháng 9 năm 1928 cũng đã chỉ rõ địa điểm để định vị con phố này: “Ngõ Nguyễn Du, ấy là cái ngõ từ giữa phố hàng Đào chạy xuyên vào phố Gia Ngư. Mấy năm về trước đây, ở phố trên muốn vào phố dưới thì phải vòng phố Cầu Gỗ qua đầu ngõ Trung Yên rồi mới tới phố Gia Ngư được. Sự không tiện ấy đã khiến phải trích tiền công mua một cái nhà tư, phá đi để làm con đường thông hai phố với nhau”.

Vậy là đã rõ, phố Nguyễn Du thời Pháp thuộc nay chính là đoạn cuối của con phố Gia Ngư, cạnh chợ Hàng Bè ngày đêm buôn bán tấp nập.

Đoạn đầu phố Gia Ngư giao với Hàng Đào ngày nay từng là phố Nguyễn Du dưới thời Pháp. Nguồn: Google Street View.

Lai lịch của con phố Nguyễn Du (Rue Nguyễn Du) này thật đơn giản. Nguyên trước đây người dân phố trên muốn vào phố dưới thì phải đi vòng phố Cầu Gỗ qua đầu ngõ Trung Yên mới tới phố Gia Ngư. Để thuận lợi cho việc đi lại, chính quyền đã mua lại một nhà dân để phá thông hai phố. Đó cũng chính là lý do tại sao con phố này ngắn đến thế. Ngắn đến mức nhiều người dân bấy giờ lầm tưởng đây là “ngõ” hay “hẻm”. Đến các ký giả của Hà Thành ngọ báo cũng phải cảm thán: “chiều dài cái ngõ ấy ngắn quá, trừ việc tiện lợi nói trên kia thì chẳng dùng làm gì, mà có ích cho dân Thành phố” (“Ngõ Nguyễn Du?”, Hà Thành ngọ báo, số 418).

Nhưng chính trong bài viết đó, người viết cũng phải đính chính: “Từ nãy tới giờ tôi nhầm gọi là ngõ. Ấy chính là một phố vì trên mặt tường, miếng gỗ vuông đề ba chữ: Phố Nguyễn Du (Rue Nguyễn Du)”.

Những sắc thái phố Nguyễn Du

Các bậc ký giả đương thời từng ngắm nhìn con phố ấy và trầm trồ so sánh phố Nguyễn Du với những ngõ hẻm của Paris hoa lệ: “Nhầm rồi! Ngõ ấy tuy chẳng có thể ví như mấy ngõ hẻm ở thành phố Paris cổ - dù cũ kỹ gập ghềnh mà vẫn không mất là vết xưa thưởng khách ngoạn du – nhưng còn dùng làm tiện cho việc khác nữa” (“Ngõ Nguyễn Du?”, Hà Thành ngọ báo, số 418).

Tuy nhiên, cũng con phố Nguyễn Du ấy, vào một thời điểm khác lại được miêu tả thực kinh khủng: “Khi xông hơi bốc, cái ngõ mang tên đẹp đã thành một con đường uế tạp: ai có việc cần phải đi qua, thì chân mở hết máy mà mũi nín hơi ra, chẳng cứ rằng phải đi qua, chỉ qua đầu ngõ cũng thấy ngay mùi chỉ những vị hôi tanh lắm rồi” (“Ngõ Nguyễn Du?”, Hà Thành ngọ báo, số 418).

Đến như nhà báo Hoàng Tích Chu cũng khó quên được: “Tôi còn nhớ trước đây, đã một lần nói đến: ngõ Nguyễn Du, cái ngõ hôi thối xuyên qua hàng Đào ra phố Gia Ngư” ("Trường Nguyễn Du", Hà Thành ngọ báo, số 578, ngày 8 tháng 7 năm 1929).

Bởi trước đây, khu vực này có một cái hồ rộng, nhiều cá gọi là hồ Thái Cực, nên đã hình thành một chợ cá và người dân sống chủ yếu bằng nghề chài lưới. Theo các sách địa chí cổ, đời Gia Long, đây là thôn Hàng Cá; đến đời Minh Mạng, nhà vua sính chữ Tàu mới đổi tên thành thôn Gia Ngư. Đến cuối thế kỷ 19, hồ Thái Cực mới được lấp (Từ điển phố và đường Hà Nội). Liệu có phải vị hôi tanh, uế tạp đến từ chợ cá này chăng?

"Phố Nguyễn Du không có cửa nhà ở! Phố Nguyễn Du không có mặt bầy hàng! Phố Nguyễn Du chỉ lai láng một làn âm khí nặng nề!...

"Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

"Quang cảnh ấy, khí vị ấy, người mang cái tên ấy chắc dưới suối vàng lại bất đắc chí một lần nữa mà ngâm câu: “Chẳng biết ngoại ba trăm năm lẻ, thiên hạ nào ai khóc Tố Như?”" (“Ngõ Nguyễn Du?”, Hà Thành ngọ báo, số 418).

Bậc ký giả đương thời đã tức cảnh sinh lời cảm thán như vậy.