Ở thời điểm đăng trên tờ Courrier de Saigon vào các năm 1875 và 1876, có thể nói bài viết “Tổng quan về địa lí, sản vật, kĩ nghệ, phong tục và tập quán vương quốc An Nam” là một tài liệu chi tiết, đa dạng, dầu mang tính “đại cương” nhưng không phải không có nhiều phát hiện chân xác, thú vị.

Hơn mười năm sau (1889), dưới bàn tay hiệu chỉnh, bổ sung của Jules Silvestre, Chánh tham biện Pháp ở Nam kỳ lúc đó, tài liệu trên đã trở thành một cuốn sách tham khảo hữu ích nhiều mặt.


Jules Silvestre vẫn giữ nguyên phần Tổng quan, “tôn trọng một cách nghiêm cẩn văn bản gốc”, bổ sung ghi chú và thêm Phụ lục khá công phu. Mặc dù khiêm tốn lưu ý độc giả rằng tác giả Phụ lục “không có ảo tưởng về giá trị của nó”, chỉ đơn thuần nối tiếp công trình nhưng rõ ràng, nhờ Phụ lục mà cuốn sách mở rộng được góc nhìn, thông tin cũng như phương pháp mô tả.

Nếu phần Tổng quan, nội dung chủ yếu xoay quanh giới thiệu các đặc điểm địa lí tự nhiên, khí hậu, sản vật; các vấn đề về “nhân chủng học”; các kĩ thuật, kĩ nghệ lao động và hoạt động tiêu khiển, giải trí thì phần Phụ lục, một cách chủ ý, đi vào các đặc điểm tính cách của người An Nam, việc thám hiểm và ghi chép sông Mê Kông, bối cảnh Sài Gòn trước khi Pháp chiếm đóng, việc khai thác than đá ở Bắc Kỳ; đặc biệt, còn có thêm các nội dung về thuế khóa, tài chính, dân số và bộ luật An Nam.

Cần nói thêm rằng, trong khi phần Tổng quan do nhiều tác giả thực hiện và dựa vào tư liệu của các nhà truyền giáo Pháp nửa đầu thế kỉ XIX thì phần Phụ lục do Jules Silvestre chấp bút lại có hơi thở, cảm quan và mức độ nhập cuộc thực địa của một chứng nhân tại chỗ. Nhưng dù gì, mục tiêu tối hậu mà Jules Silvestre gửi gắm trong cuốn sách vẫn là cung cấp cho đất nước ông, bao gồm chính quyền và các nhà thực dân, một cẩm nang tri thức đặng thuận lợi hơn cho việc hiểu, tiếp xúc và cai trị An Nam.

Ở thời điểm hiện nay, cảm giác ngạc nhiên trước các thông tin về “diện tích và biên giới”, “những sông chính”, “các hòn đảo”, “phân chia lãnh thổ” trong phần Tổng quan có lẽ không vì các con số, địa danh đôi khi chua sai phần tiếng Việt mà vì nỗ lực tỉ mỉ hóa những hiểu biết dù sơ lược về cảnh sắc xứ lạ. Viết về vùng Trà Cổ, Xuân Lạn (thuộc châu Móng Cái trước đây) chẳng hạn, các tác giả không quên khuyến nghị: “Nếu không sợ bị cướp ở những nơi hoang vắng này, người ta không hề biết mệt mỏi khi chiêm ngắm điều kì diệu mà bàn tay của con người không đạt tới được, và bất lực để bắt chước”.

Nhưng cuốn sách không sa vào ngợi ca cảnh quan, cũng ít có những say mê theo kiểu thăm thú, khám phá. Ở đây, thường xuyên là sự để tâm, để ý những sự vật, sự việc tuy nhỏ nhưng lại chính là mảnh ghép làm nên bản chất đời sống xã hội An Nam. Về ăn uống thì nhiều món, nhưng “những con chuột đồng thì rất quí, và trai làng tụ tập nhau vào thời điểm nào đó để săn lùng, bắt làm món ăn tuyệt vời, và luôn thỏa thuê ăn uống linh đình với loại rượu của xứ sở”.

Về nhà ở và việc xây dựng thì dựa nhiều vào các loại gỗ rừng phong phú, nhưng “thứ được ưa chuộng và khai thác nhiều nhất trong tất cả các loại gỗ, bởi người nghèo, bị áp chế và thiếu bạo dạn, chắc chắn là cây tre”. Về tập tục thường ngày thì không thể thiếu chuyện ăn trầu, “giàu hay nghèo, vua chúa hay thường dân, mọi người đều nhai trầu, bọc theo và mang nó đi khắp nơi”. Về cung cách bàn việc làng xã thì từ trưởng làng đến dân xã “ngồi xếp bằng, họ trò chuyện to tiếng, tự thưởng thức bàn điếu này”, chưa kể có khi “uống rượu ngà ngà” hoặc “mò mẫm quanh thắt lưng của họ, lấy một ít thuốc lá liền nhét vào trên chiếc bình, rất kiểu cách, và tất cả đều giống nhau”. Về các loại rau trong vườn thì có gừng, tía tô, bạc hà, nghệ, hành, hẹ và đương nhiên có cả “cù -riêng” [phiên tiếng Việt trong nguyên bản] “có vị rất chát, thơm và ngon, nếu nêm thêm vào món thịt chó”. Về cách bài trí trong nhà thì ngay giữa phòng khách “là một sạp [sập] nhỏ, được tôn cao bốn đến năm tấc [...] được trải chiếu để ngồi xếp bằng, trò chuyện, nhai trầu [...] Sạp nhỏ này là chỗ trang trọng, phụ nữ, trẻ em và gia nhân thường không được ngồi ở đó, trừ khi toàn là người trong nhà”,...

Có thể nói những chi tiết sinh động theo lối tả thực đã khiến cuốn sách không bị cũ kĩ bởi thời gian, thậm chí, chúng còn đủ khả năng chắp nối vào hôm nay bởi sự tương đồng, bền vững gần như ít biến đổi hoàn toàn. Chúng ta mường tượng được sinh hoạt lẫn tâm tính cha ông nhưng không đến mức cảm thấy quá kì lạ, kì khôi.

Tuy không chiếm chủ đạo nhưng Jules Silvestre và các tác giả cũng dành ít nhiều dung lượng, với thái độ cẩn trọng, để nhận xét về tính cách của người An Nam. Phần nhận xét này, hẳn nhiên, làm người trong cuộc giật mình và có thể khó chịu vì giọng điệu thẳng băng, đôi khi ra vẻ bề trên của người quan sát. Tuy thế, tôi nghĩ, vẫn nên bình tâm đón nhận, nhất là những tính cách tiêu cực vẫn còn hiện diện trong hôm nay. “Tính háu ăn, cờ bạc và say rượu – tác giả nhận xét, đó là những tệ nạn ở đất nước này”. Nhưng oái oăm ở chỗ, bình thường trong gia đình, người An Nam rất tiết độ, “họ hầu như không bao giờ ăn thịt, uống rượu”, chỉ các bữa cỗ bàn công việc xã, tổng hoặc lễ hội tôn giáo, đám cưới, đám tang thì “người ta thấy toàn bộ dân chúng không còn lương tri và lí lẽ”. Tác giả e rằng, thói tính mượn ăn uống, rượu chè để giải quyết công việc “không thể cải biến được”. Ông cũng mô tả, người An Nam “cãi cọ, nguyền rủa và chởi bới rất sống động”. Trong ngôn ngữ thường ngày, dưới vẻ ngoài tếu táo cợt nhả, đôi khi bộc phát cả cảm xúc “bạo lực” và “tục tĩu”. Nhìn chung, sự chừng mực và dễ bằng lòng với một gia cảnh thanh bần đã khiến người An Nam chấp nhận được “những tập tục khắc nghiệt dưới sự cai trị làng xã”. Đời người An Nam, do đó, không quá nhiều bước ngoặt lớn ngoại trừ “chơi bời, xem tuồng, hút thuốc phiện và rượu chè”.

Trong cái nhìn của nhà chính trị thực dân, thiết chế làng xã và tính cách nông dân, nông thôn An Nam vừa hài hòa vừa bất ổn, và bất ổn nhất có lẽ là duy trì quá lâu tình cảnh túng thiếu, đạm bạc về vật chất lẫn tinh thần. Không bạo hành, không hằn thù, người dân An Nam cáu giận nhất thời và nhanh chóng nguôi ngoai. Họ dễ trở lại như cũ và tiếp tục mọi việc như đã từng xảy ra.

Khi Jules Silvestre hoàn thành cuốn sách cẩm nang này thì về cơ bản, thực dân Pháp đang dần hoàn thành công cuộc bình định lãnh thổ An Nam. Quá trình xây dựng, kiến thiết và điều hành xứ thuộc địa cũng bắt đầu thiết lập bài bản. Tình yêu và lòng phụng sự nước Pháp của Jules Silvestre trong việc hoàn thiện và cung cấp một tài liệu tổng quan về An Nam, vô tình, đẩy nguồn tri thức về An Nam tiến gần hơn đến vòng trung tâm của làn sóng giao thoa Đông Tây, của bước chuyển khoa học dân tộc chí sơ khai sang dân tộc học, nhân học hiện đại. Trong tinh thần đó, đề nghị phải xem An Nam “như một quốc gia văn minh”, và rằng, “sau Trung Hoa và Nhật Bản, không có dân tộc nào trong vùng Viễn Đông này xứng đáng được khách viễn du chú ý hơn”, là một viễn kiến tinh tế.