Năm 1953, chúng tôi về nước để học tập tài liệu chính trị. Lớp học này có tập trung một số trí thức từ các cơ quan trung ương, có rất nhiều vị quen biết. Nhiều tuổi thì có các cụ Bùi Kỉ, Lê Đình Thám, Phan Khôi, ít tuổi thì có các anh em chúng tôi và một số trí thức khác như anh nguyễn xiển, lê bá thảo...
Ấn tượng về bác ở lớp học đó đã khắc sâu trong lòng tôi.
Lớp được chia thành nhiều tổ học tập. Tổ của tôi gồm anh Võ Thuần Nho, hai anh ở Bộ Nông nghiệp, ba thầy giáo, hai anh ở Bộ Tư pháp, và hai anh nữa tôi quên mất cơ quan. Cán bộ học ủy phụ trách tổ tôi là anh Hiệp.
Phương pháp học tập cũng đơn giản: đọc trước một số tài liệu về lý luận cách mạng, suy nghĩ về việc làm của mình xem có điều gì sai trái so với sách, rồi tự phê bình và anh em trong tổ cũng góp ý phê phán. Sau buổi học phải thấy được điều nào đúng, điều nào sai trước kia để rút kinh nghiệm phòng tránh sau này.
Chiều hôm ấy, vừa học xong bài chiến tranh giải phóng và các giai cấp trong xã hội, chúng tôi rủ nhau ra suối tắm giặt “tẩy trần”. Bỗng nghe thấy tiếng ngựa lóc cóc bên kia suối và Bác Hồ hiện ra sau lùm cây, đầu chùm khăn bông trắng, đội mũ cát. Có vẻ như Bác không thấy chúng tôi, phăm phăm tiến phía trước rồi lội qua suối vào nhà học ủy. Tối hôm đó, anh Võ báo cho chúng tôi biết Bác muốn gặp đoàn thầy giáo của khu Học xá Trung ương. Đến giờ, chúng tôi tới gian nhà Bác dừng nghỉ. Dưới ngọn đèn bão nhỏ trên cái bàn con, với đống thư đầy ắp bên cạnh, Bác ra hiệu cho chúng tôi ngồi. Anh Nguyễn Xiển thay mặt Đoàn báo cáo công tác của chúng tôi trên đất nước bạn, đã mang lại nhiều kết quả. Nghe xong, Bác gật đầu: “Như thế là tốt, các chú lưu ý giữ mối quan hệ tốt với nhân dân địa phương”, rồi Bác chỉ vào đống thư: “Các cháu viết cho Bác nhiều quá, Bác chưa đọc hết”. Xong Bác đứng dậy có vẻ muốn tiễn khách. Anh Lê Bá Thảo nhanh trí: “Không mấy khi được gặp Bác, xin Bác chữ ký để lưu niệm trong những ngày ở xa Tổ quốc”. Bác gật đầu: “Các chủ bỏ tất cả sổ tay ra, xếp thứ tự để Bác ký”. Mỗi người có dịp ngắm Bác lâu hơn dự kiến. Từ giã nhà Bác ở, dò dẫm đường về dưới ánh sáng chập chờn của mấy ngọn đèn bão, mỗi chúng tôi tưởng mình hẫng bước trên mây.
Ba giờ chiều hôm sau Bác xuống thăm nơi ở của học viên. Trước hết thăm nhà ở của các lão học viên, sau sang nhà ở của các nữ học viên. Sau cùng tới thăm chỗ chúng tôi mang danh là “học viên thanh niên”. Lúc này một số anh em chúng tôi và vài học viên ngành tư pháp đang trao đổi sôi nổi về thuật ngữ khoa học. Bàn về nguyên tắc đặt thuật ngữ mới, người thì thiên về chữ Hán, viện lẽ từ xưa tới nay, nhiều từ gốc Hán đã được Việt hóa một cách tự nhiên, người thiên về chữ La tinh, chữ phương Tây nói chung, vì đây là cái nôi nảy sinh các thuật ngữ khoa học mới. Anh em mời Bác cho ý kiến. Nghe xong, suy nghĩ một lát Bác nói: “Không thể áp dụng một nguyên tắc cứng nhắc theo phương Tây hay phương Đông. Ở đây nên tùy lĩnh vực học thuật, tùy thuật ngữ. Ý riêng của Bác là nên tìm hiểu nhiều về phía Trung Quốc, nước gần với chúng ta nhất về mặt văn hóa”.
Tới giảng đường, Bác đứng ở trên kệ giảng đường nhìn xuống, kệ hơi cao so với Bác, Bác hỏi kệ do tổ nào làm, anh em trả lời là do tổ luật. Bác gật gù: “Thảo nào, bàn quan tòa có khác, hơi cao”. Bác dằn tay xuống kệ, kệ lung lay, Bác tiếp: “Cao quá nên không vững, càng cao càng không vững”. Anh em học viên cười vui vẻ về cái ẩn ý trong câu nói của Bác.
Chiều hôm sau anh Hiệp báo cho chúng tôi là thắc mắc của các tổ đã được phản ảnh với Bác, tối nay sẽ có giải đáp. Ăn cơm chiều xong, anh em phấn khởi chờ đợi. Trời sập tối, mọi người lục tục lên hội trường. Ban tổ chức đã đốt hai chiếc đèn măng sông để hai bên cánh gà, đủ soi sáng, Bác ngồi ở giữa sân khấu. Không may khi Bác sắp sửa cất lời thì có tiếng kẻng báo động. Lập tức, đèn phụt tắt và tất cả chìm trong bóng tối dưới tán rừng dày. Chờ, chờ mãi không thấy báo an – có người đề nghị xin cho đốt đuốc thay đèn. Toàn hội trường vỗ tay hoan nghênh, chắc nhiều người muốn nhìn thấy Bác. Một lúc sau tiếng Bác cất tiếng lên trong bóng tối: “Cứ để Bác nói trong bóng tối, các cụ và các chú chỉ cần nghe Bác chứ cần gì xem Bác. Bác có diễn tuồng đâu mà cần đèn với đóm”. Cả hội trường cười vang tán thưởng.
Thoạt đầu Bác nói về thành phần học viên của lớp học, có tới tứ đại đồng đường ở lớp này. Với cụ Bùi Kỉ hơn 70 tuổi lúc bấy giờ, còn anh Lê Văn Hạnh mới hơn 20 tuổi… Bác khen là mọi người đều thấy tội ác của thực dân và cái nhục mất nước. Nói tới tội ác của Beria, chiến hữu của Stalin, vì anh em thắc mắc nhiều về điểm này – Bác nói: “Càng ở vị trí cao thì càng phải tu dưỡng để giữ vững phẩm chất cách mạng. Càng ngồi cao, chỗ càng không vững, sơ ý dễ ngã và sẽ ngã rất đau”.
Khi nói về mặt trận liên hiệp, Bác nhấn mạnh vai trò của các tổ quần chúng, tổ chức chính trị rất quan trọng không những hiện nay mà còn lâu dài về sau này. Giải đáp này đáp ứng đúng thắc mắc của anh Lê, nhà Luật học, Bí thư thành ủy Nam Định của Đảng Xã hội Việt Nam. Trong thảo luận ở tổ, anh đã phát biểu rất hăng: “Lập ra một chính đảng, rồi không tạo điều kiện để nó phát triển chi bằng xóa bỏ nó đi cho gọn”. Bác nhẹ nhàng nhắc lợi ích của chính đảng trong đoàn kết nội bộ để kháng chiến và sau này trong đoàn kết đối ngoại để kiến quốc. Viết tới đây tôi không sao hiểu được, tại sao chúng ta lại để các đảng dân chủ và xã hội Việt Nam giải tán vào năm 1989 khi cả nước ta bước vào giai đoạn đổi mới, mở rộng cửa đối với các nước ngoài? Phải chăng lời khuyên của Bác Hồ đối với chúng tôi năm 1953 chỉ có tính chất lịch sử?
Học ủy đã đề cao tinh thần, thái độ học tập của các tổ viên. Trong buổi phản ảnh của các tổ - tôi cũng phụ trách một tổ - lần nào cũng có mục cuối là tinh thần, thái độ học tập của tổ viên. Có lần tôi được nghe tổ trưởng phụ trách tổ lão học viên – đồng chí này còn ít tuổi, sung sức lắm – phản ảnh với học ủy, cụ này đến giờ họp tổ còn lề mề hút thuốc lào, cụ kia nằm mà đọc tài liệu, cụ khác thậm chí nằm mà phát biểu, kêu mỏi lưng… Và anh có vẻ day dứt về thái độ học tập không nghiêm túc này của các tổ viên. Tôi đã chờ xem Bác có ý kiến thế nào về hiện tượng này. Khi nói về tinh thần, thái độ học tập của học viên, Bác khen cho tới bây giờ không có sai sót gì lớn, nên hai bài mục đã đem tới kết quả rõ rệt. “Nhưng…” - cả hội trường nín thở lắng nghe - Bác tiếp lời: “Bác có nghe phản ảnh là vài chú tổ trưởng tổ các cụ “quá tả” nên làm buổi học kém kết quả mong muốn…” – Cử tọa im lặng chờ Bác nói tiếp - “Đối với các cụ học viên đã bảy tám mươi tuổi, tinh thần thái độ học tập không nên căn cứ vào tư thế, cách thức học tập. Các cụ có tuổi ngồi lâu mỏi lưng phải dựa cột, tựa gối mới thoải mái tiếp thu kiến thức. Gò bó các cụ theo tư thế của thanh niên không thích hợp với sức lực của các cụ và sẽ hạn chế sự tiếp thu. Từ nay trở đi các cụ có thể nằm để nghiên cứu tài liệu, nằm tham gia thảo luận” – và Bác nói thêm – “đây là quyền bất khả xâm phạm của các cụ”. Nghe xong, tôi hơi thẹn với chính mình. Tôi cũng là loại tổ trưởng hay nhắc nhở tổ viên mà nhiều anh hơn tuổi tôi những điều mà không cần thiết phải nhắc, chỉ vì tôi muốn làm tròn nhiệm vụ.
Cuối cùng Bác nói thêm về tinh thần kiên trì cách mạng: “Phải dứt khoát đứng ở chỗ đã chọn mà mình thấy là đúng. Suy nghĩ kỹ, phân tích kỹ trước khi chọn con đường để đi. Đã đi thì không chao đảo, giữa đường mặc dù có nhiều khó khăn trở ngại phải kiên trì tiến bước tới đích cuối cùng”. Tôi đã suy nghĩ nhiều về lời dạy của Bác Hồ, Bác nói về tính kiên trì cách mạng, ngoài những điều khái quát ra, tính kiên trì đều rất cần thiết cho mọi công tác từ nhỏ tới to, và đây cũng là một điểm thu hoạch quan trọng của riêng tôi trong lớp học chính trị ngày nào.
Tối hôm đó, quá xúc động, tôi nhắm mắt muộn hơn mọi ngày. Sáng hôm sau, bảy giờ rưỡi, tôi lững thững ra suối để rửa mặt đánh răng thì nghe thấy lóc cóc tiếng vó ngựa bên kia suối. Vẫn cái khăn bông che mặt, chụp mũ cối, vẫn anh bảo vệ theo sau, Bác có vẻ không nhìn thấy ai mà phăm phăm đi tới nơi đã định. Bác Hồ trong lớp học chính trị của giới trí thức năm 1953 là như thế. Ấn tượng về Bác đã khắc sâu trong lòng tôi.
"...Các đồng chí phải là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa và khoa học, kỹ thuật; phải góp tài góp sức để cải tiến bộ mặt xã hội của nước ta, làm cho nhân dân ta sản xuất và công tác theo khoa học và đời sống của nhân dân ta văn minh, tức là khoa học, lành mạnh và vui tươi. Đó là nhiệm vụ rất nặng nề mà cũng rất vẻ vang", bác Hồ nói chuyện tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 1 của Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam ngày 18/5/1963. |