Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Advances vào đầu tháng 5/2019, các nhà khoa học tại Đại học Arizona (Mỹ) đã tìm thấy dấu vết của nước trên tiểu hành tinh hình củ lạc 25143 Itokawa nằm trong hệ Mặt trời.
25143 Itokawa được hình thành trong vành đai tiểu hành tinh khoảng 4,6 tỷ năm trước, có chiều dài 535 m và rộng 300 m.
Phát hiện này củng cố giả thuyết cho rằng, nước trên Trái đất có nguồn gốc từ các tiểu hành tinh thông qua vô số vụ va chạm.
Nhóm nghiên cứu phân tích các hạt bụi nhỏ được tàu vũ trụ Hayabusa của Nhật Bản thu thập từ bề mặt tiểu hành tinh 25143 Itokawa và mang về Trái đất năm 2010. Họ phát hiện mẫu bụi chứa hàm lượng nước cao hơn đáng kể so với các vật thể khác trong hệ Mặt trời.
Mặc dù đây không phải là bằng chứng đầu tiên về nước trên một tiểu hành tinh, nhưng đây là lần đầu tiên các nhà khoa học trực tiếp phát hiện ra nước bằng những phân tích trong phòng thí nghiệm trên Trái đất.
“Các tiểu hành tinh loại S như 25143 Itokawa (được tạo thành từ silicat) có thể đã cung cấp tới một nửa lượng nước trong lịch sử hình thành của Trái đất”, Ziliang Jin, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Quốc Hùng (Theo Space)