Kiến, dơi, ong hay khỉ đều biết "giãn cách xã hội" từ rất lâu trước khi con người nhắc đến khái niệm "giãn cách xã hội do Covid-19". Động vật trong tự nhiên thực hành giãn cách xã hội một cách tự nhiên khi một thành viên trong quần thể bị bệnh.

Trong bài báo mới được công bố trên tạp chí Science, Dana Hawley, giáo sư khoa học sinh học ở Đại học Khoa học Công nghệ Virginia và các đồng nghiệp ở Đại học Texas - Austin, Đại học Bristol, Đại học Texas - San Antonio và Đại học Connecticut, đã chỉ ra một vài trong số rất nhiều loài không phải con người thực hành giãn cách xã hội, cũng như các bài học kinh nghiệm từ các phương pháp của chúng để ngăn chặn sự lây lan của các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, virus và ký sinh trùng.

“Nhìn vào động vật có thể biết cần làm gì với tư cách là một xã hội trong trường hợp bị bệnh để bảo vệ bản thân và cộng đồng," Hawley, giảng viên của Trung tâm Các mầm bệnh mới nổi, Viện Khoa học Đời sống Fralin, nói.

"Ở nhà và hạn chế tương tác với những người khác là phản ứng hành vi trực quan khi chúng ta cảm thấy ốm - và là phản ứng mà chúng ta thấy ở nhiều loại động vật trong tự nhiên - nhưng con người thường triệt tiêu bản năng này do áp lực học tập hoặc công việc, với cái giá phải trả là rất lớn cho bản thân và cộng đồng," Hawley nói thêm.

Tất cả chúng ta đều từng trải qua cảm giác buồn nôn. Bạn có thể cảm thấy uể oải và dường như không thể tập trung năng lượng để ra khỏi giường. Mặc dù bạn có thể không biết, nhưng bạn đang thực hành một hình thức giãn cách xã hội thuận tự nhiên. Vì bạn không chủ động tránh mọi người, mà chỉ đang bị tác động bởi tình trạng sức khỏe khó chịu, Hawley và các đồng tác giả gọi đây là "giãn cách xã hội thụ động". Điều này cũng đã được quan sát thấy ở các loài không phải con người.


Hành vi tự nhiên

Dơi ma cà rồng, loài chỉ ăn máu của các động vật khác, đã được nghiên cứu kỹ lưỡng vì chúng có tính xã hội cao hơn so với họ hàng của chúng là dơi ăn trái cây và côn trùng. Vì máu khó kiếm, nên những con dơi này hình thành mối liên kết xã hội bền chặt bằng cách chia sẻ thức ăn và liếm láp cho nhau (liếm và làm sạch bộ lông của nhau).

Để tìm hiểu thêm về "hành vi khi ốm" của chúng, hay hành vi của chúng thay đổi như thế nào khi nhiễm bệnh, các nhà nghiên cứu tiêm cho dơi một mảnh nhỏ của màng tế bào vi khuẩn gram âm lipopolysaccharide. Chất này vô hại, nhưng kích hoạt phản ứng miễn dịch và các hành vi khi ốm của chúng, chẳng hạn như giảm hoạt động và giảm chải chuốt.

Sebastian Stockmaier, đồng tác giả, cho biết: “Hành vi giãn cách xã hội thụ động ở dơi ma cà rồng là một 'sản phẩm phụ' của việc bị ốm. Ví dụ, những con dơi ma cà rồng ốm yếu có thể ngủ nhiều hơn để dành năng lượng cho phản ứng miễn dịch. Chúng tôi nhận thấy quá trình ngủ cũng làm giảm sự tiếp xúc với đồng loại, và chỉ những con dơi ma cà rồng bị ốm liếm láp cho nhau."

Khỉ mặt chó cũng thể hiện các hành vi chải chuốt để duy trì mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, loài linh trưởng có tính xã hội cao này có chiến lược về các hành vi giãn cách xã hội: chúng tránh lây nhiễm cho bạn tình trong nhóm, chỉ đôi khi chải chuốt cho những họ hàng bị nhiễm bệnh.

Trong quá trình tiến hóa, một số loài kiến ​​đã thích nghi để từ bỏ các nhóm xã hội chặt chẽ của mình khi cảm thấy bị ốm. Trong những trường hợp này, sự hy sinh bản thân của cá thể bị nhiễm bệnh được coi là một hành động công ích để bảo vệ phần còn lại của tổ kiến.

Cũng có trường hợp những con vật khỏe mạnh cố gắng loại trừ những thành viên bị bệnh khỏi nhóm hoặc tránh tiếp xúc với chúng hoàn toàn.

Ong là một nhóm côn trùng xã hội khác có mục tiêu chính là làm mọi thứ vì lợi ích chung của tổ ong và nữ hoàng của chúng. Vì vậy, khi những con ong bị phát hiện nhiễm bệnh, những con ong khỏe mạnh sẽ đuổi chúng ra khỏi tổ.

Lại có những loài, những cá thể khỏe mạnh chủ động rời khỏi nhóm để tránh bị nhiễm bệnh, nhưng hành vi này thường phải trả giá đắt. Để giảm nguy cơ mắc phải hoặc lây truyền virus, những con tôm hùm gai Caribe khỏe mạnh sẽ bỏ hang khi phát hiện có một thành viên nhóm bị nhiễm bệnh; đổi lại chúng sẽ bị mất nơi trú ẩn an toàn và phải đối mặt với những kẻ săn mồi chết người trong đại dương. Nhưng đối với chúng, rủi ro này là đáng giá để tránh nhiễm một loại virus gây tử vong.

Mặc dù không phải tất cả các hành vi chủ động rời khỏi nhóm đều có hệ quả nghiêm trọng như đối với tôm hùm, nhưng việc giảm tương tác xã hội nói chung sẽ luôn dẫn đến một số hệ quả, bao gồm mất cảm giác ấm áp hoặc gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm thức ăn.

“Covid-19 đã thực sự làm nổi bật nhiều hành vi mà chúng ta sử dụng để đối phó với bệnh tật," Hawley nói. "Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đã sử dụng những loại hành vi này một cách vô thức trong suốt đời mình, và bây giờ mới tập trung vào tầm quan trọng của chúng trong việc bảo vệ bản thân khỏi bị bệnh".

"Nếu bạn đang ngồi trên máy bay và ai đó bên cạnh bạn đang ho, bạn sẽ không muốn nói chuyện với họ hơn hoặc bạn có thể nghiêng người sang một bên. Có rất nhiều cách chúng ta thay đổi hành vi để giảm thiểu nguy cơ bệnh tật và chúng ta làm điều đó mọi lúc mà không cần suy nghĩ vì những hành vi đó đã ăn sâu vào chúng ta một cách tự nhiên."

Khi các chủng biến thể mới của virus SARS-Cov-2 phát sinh, con người sẽ phải tiếp tục đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân và những người xung quanh cũng như giãn cách xã hội. Không giống như các loài động vật trong tự nhiên, con người đã phát triển công nghệ như Zoom để tạo ra các kết nối xã hội trong khi vẫn giữ khoảng cách vật lý.

Nguồn: