Trong gần 100 năm, quán rượu Carlton Tavern đã từng là trung tâm, nơi tụ họp của rất nhiều thế hệ tại cộng đồng dân cư Kilburn, Tây Bắc London, trước khi bị phá dỡ trái phép vào một sáng mùa xuân 2015.
Chủ sở hữu Carlton khi ấy muốn dẹp bỏ nó đi để nhường chỗ cho một dãy nhà ở thương mại. Các nhà phát triển bất động sản tin rằng họ sẽ chỉ bị khiển trách nhẹ và nộp một khoản tiền phạt là xong. Nhưng không, hội đồng thành phố đã yêu cầu họ phải xây dựng lại quán rượu giống y chang lúc ban đầu, đến tận “từng viên gạch”.
Quán rượu Carlton Tavern trước khi bị phá dỡ. Ảnh: Ewan Munro/Flickr
Đống đổ nát sau khi tòa nhà bị phá dỡ.
Ảnh: MyLondonNews.
Carlton Tavern sau khi được phục dựng.
Ảnh: Frank Langfitt/NPR
Carlton được xây dựng vào năm 1921 bởi Công ty bia Charrington1 theo thiết kế của kiến trúc sư Frank J. Potter (1871 – 1948) nổi tiếng. Nó là tòa nhà duy nhất trên toàn khu phố may mắn không bị bom của Đức Quốc xã phá hủy2. Nét hấp dẫn của Carlton nằm ở phong cách kiến trúc và nội thất đặc trưng trong thập niên 1920. Historic England3 đã đề xuất đưa công trình vào danh sách cần được bảo tồn cấp độ 2. “Cả ngoại thất lẫn nội thất của Carlton hầu như đều còn nguyên vẹn. Hiếm quán rượu nào từ thời đó vẫn ở trong tình trạng tốt như vậy,” một phát ngôn viên của Historic England cho biết.
Tuy nhiên, những nhà phát triển bất động sản “liều lĩnh” lại muốn biến nơi này thành các căn hộ sang trọng. Ý tưởng đó đã bị chính quyền Kilburn bác bỏ. Nhưng nhân kỳ nghỉ lễ Phục sinh, những người chủ đã yêu cầu Patsy Lord – nhân viên quản lý tại Carlton – rời đi để thực hiện kiểm kê tài sản. Hai ngày sau, khi Lord quay lại thì cô chỉ còn thấy một đống gạch ngói và kính vỡ ngổn ngang.
“Đó thực sự là một cú sốc đối với tôi”, Rita Begum – Ủy viên Hội đồng thành phố Westminster – nói. “Mới hôm trước, tôi còn đi ngang nơi này và chứng kiến rất nhiều người đang ngồi uống rượu, cười nói bên trong. Có lẽ các nhà phát triển bất động sản biết tòa nhà đang được xem xét liệt vào danh sách bảo tồn nên muốn ra tay phá dỡ nó trước. Tại sao họ lại làm như vậy khi chưa được phép?”, bà nhấn mạnh.
Trong vài tuần ngay sau sự cố, Hội đồng Kilburn đã yêu cầu CLTX Ltd – công ty phát triển bất động sản có trụ sở tại Tel Aviv, Israel – phải “phục dựng lại tòa nhà y hệt như trước khi bị phá dỡ.” Điều may mắn là English Heritage4 đã cung cấp rất nhiều tài liệu và hồ sơ kiến trúc, về cách bố trí, lát gạch và các chi tiết nội thất ban đầu của Carlton Tavern để hỗ trợ công việc phục dựng. Mặc dù vậy, phần lớn mọi người đều bày tỏ sự hoài nghi vào một phép màu. Polly Robertson – một thành viên tích cực nhất của chiến dịch hồi sinh quán rượu – cho biết: “Hầu như ai cũng cho đó là điều bất khả thi, nhưng tôi thì khác.” Và những nỗ lực ấy cuối cùng đã được đền đáp. Năm 2021, tức sau sáu năm, Carlton được mở cửa trở lại đón khách vào đúng dịp sinh nhật lần thứ 100. Trông nó hệt như trước khi bị phá dỡ.
“Từ hàng chữ Charrington Sparkling Ales & Famous Stout màu đỏ đất bên ngoài mặt tiền, những viên gạch, ngói, tay nắm của bằng đồng hay miếng thạch cao trang trí tinh tế bên trong, Carlton Tavern thực sự đã được hồi sinh,” The New York Times viết.
“Việc phục dựng ngôi nhà quả là một kỳ công. Rất nhiều người tới đây đã ca ngợi vẻ đẹp cổ kính của quán, và họ không thể tin khi nghe chúng tôi nói nó vừa mới được xây lại”, Tom Rees – chủ sở hữu mới của Carlton Tavern – cho biết. “Chúng tôi vô cùng phấn khởi vì đã kết hợp hài hòa được hai thứ: một công trình với hệ thống điện nước hoàn toàn mới bên trong một di sản hấp dẫn”.
Geoff Barraclough, Ủy viên Hội đồng Maida Vale ở phía Bắc Paddington, Tây London, chia sẻ: “Thật tuyệt khi chứng kiến sự hồi sinh của Carlton Tavern, nhờ những nỗ lực và hành động mạnh mẽ của cả cộng đồng lẫn giới lập pháp.” Bản thân ông cũng đã uống rất nhiều vào ngày khai trương lại quán.
Chú thích
1. Nhà máy bia Charrington Brewery được thành lập vào đầu thế kỷ 18, bị sáp nhập với United Breweries of London (năm 1964), và Bass Brewery (1967), thành công ty bia lớn nhất Anh Quốc – Bass Charrington.
2. Mùa hè thu năm 1940, sau khi chiếm đóng Pháp, Quốc trưởng Adolf Hitler và Bộ Tư lệnh Tối cao Quân đội Đức Quốc xã đã phát động một chiến dịch không quân nhắm vào Anh để mở đường cho hải quân và lính dù đổ bộ trong Chiến dịch Sư tử biển, buộc Anh đầu hàng hoặc ký hòa ước rút ra khỏi chiến trường châu Âu. Mặc dù chịu rất nhiều thiệt hại nhưng nước Anh cuối cùng vẫn trụ vững cho đến chiến thắng sau cùng.
3. Historic England là một cơ quan chính phủ, được Bộ Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh Quốc (DDCMS) bảo trợ, chịu trách nhiệm bảo tồn các công trình, di tích lịch sử (tòa nhà, tượng, công viên, vườn, …)
4. English Heritage là một quỹ tín thác thiện nguyện đã tham gia bảo tồn và quản lý hơn 400 công trình di sản trên khắp nước Anh.
Theo Amusing Planet