Déjà vu là cảm giác hoặc trạng thái khi chúng ta cảm thấy một sự kiện hoặc tình huống mà chúng ta đang trải qua dường như đã xảy ra trước đó, nhưng thực tế không phải như vậy. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu và lý thuyết về déjà vu nhưng cơ chế chính xác gây ra hiện tượng này vẫn còn chứa đựng nhiều điều bí ẩn.

Déjà vu là cảm giác một điều gì đó bạn đang trải qua đã xảy ra trong quá khứ. Ảnh: Medical News Today
Déjà vu là cảm giác một điều gì đó bạn đang trải qua đã xảy ra trong quá khứ. Ảnh: Medical News Today

Bạn đang đi bộ ở một nơi mà bạn chưa từng đến và đột nhiên cảm thấy dường như mình đã đi qua con đường này rồi. Bạn bị choáng ngợp bởi một cảm giác quen thuộc – một ký ức mà bạn không thể chạm tới. Bạn đang trải qua một hiện tượng nổi tiếng gọi là “déjà vu”. Nhưng déjà vu là gì và tại sao cảm giác kỳ lạ này lại xảy ra?

Déjà vu là một cụm từ trong tiếng Pháp có nghĩa là “đã nhìn thấy”. Nhà triết học người Pháp Émile Boirac lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ déjà vu trong một lá thư gửi cho người biên tập sách của ông vào năm 1876, và sau đó là trong cuốn sách của ông với tựa đề “The Psychology of the Future” (Tâm lý học của Tương lai) xuất bản năm 1918.

Déjà vu là cảm giác một điều gì đó mà mọi người đang trải qua đã xảy ra trong quá khứ. Tuy nhiên, khi trải nghiệm déjà vu diễn ra, người đó cũng nhận thức rằng cảm giác quen thuộc này là không chính xác. Các chuyên gia gọi hiện tượng déjà vu là ảo giác trí nhớ liên quan đến sự quen thuộc và không quen thuộc, theo cuốn sách “Psychology of Learning and Motivation” (Tâm lý học của Học tập và Động lực) do nhà xuất bản Elsevier phát hành vào năm 2010. Cuốn sách cũng tiết lộ rằng, khoảng 2/3 dân số từng trải nghiệm déjà vu, và tần suất họ gặp phải hiện tượng này giảm dần theo độ tuổi.

Khoảng 2/3 dân số từng trải nghiệm déjà vu, và tần suất họ gặp phải hiện tượng này giảm dần theo độ tuổi.

Một số người báo cáo xuất hiện cảm giác déjà vu ở mức độ thường xuyên và đáng lo ngại. Các trường hợp như vậy có thể do lạm dụng chất gây nghiện, mắc chứng đau nửa đầu và lo âu, hoặc rối loạn giải thể nhân cách – một tình trạng tâm thần mà một người cảm thấy tách rời khỏi cơ thể hoặc môi trường xung quanh họ. Chứng động kinh thùy thái dương được cho là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hiện tượng déjà vu một cách thường xuyên. Các nhà khoa học cho rằng, đối với người mắc bệnh động kinh, déjà vu có thể phát sinh từ các cơn co giật ở thùy thái dương của não hoặc rối loạn chức năng ở các vùng não liên quan đến việc lưu trữ và truy xuất trí nhớ, như vùng hồi hải mã (hippocampus) và hồi cạnh hải mã (parahippocampus).

Tuy nhiên, những người không bị động kinh cũng trải nghiệm déjà vu, nên phải có những lời giải thích khác về lý do tại sao hiện tượng kỳ lạ này xảy ra.

“Một cơ chế khả thi là lý thuyết dựa trên trí nhớ. Theo đó, déjà vu phát sinh khi một tình huống hiện tại rất giống với một trải nghiệm từng gặp trước đó nhưng đã bị lãng quên”, bác sĩ Ooha Susmita tại Phòng khám sức khỏe Allo Health, cho biết. “Tình huống mới có thể mang những điểm tương đồng với một sự kiện trong quá khứ, dẫn đến cảm giác quen thuộc mà không có ký ức đi kèm về các chi tiết cụ thể. Déjà vu có thể xuất phát từ việc não bộ cố gắng hiểu những điểm tương đồng này, ngay cả khi chúng ta không thể nhớ lại trải nghiệm ban đầu một cách có ý thức”.

Trong quá khứ, các nhà khoa học đãgặp nhiều khó khăn trong việc tái hiện déjà vu trong phòng thí nghiệm vì họ rất khó xác định các tác nhân kích thích có thể gợi lên cảm giác quen thuộc. Nhưng cuối cùng họ đã vượt qua thử thách này. Vào năm 2010, các nhà nghiên cứu tại Đại học Leeds (Anh) đã sử dụng phương pháp thôi miên để gây ra hiện tượng déjà vu ở các tình nguyện viên.

Trong một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Consciousness and Cognition vào năm 2012, giáo sư tâm lý học Anne Cleary tại Đại học bang Colorado (Mỹ) và cộng sự đã sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) để kiểm tra giả thuyết cho rằng mọi người có thể trải nghiệm déjà vu khi họ bắt gặp cách sắp xếp các đồ vật trong môi trường xung quanh tương tự những gì đã trải qua trong quá khứ, miễn là họ không nhớ lại trải nghiệm quá khứ đó.

Trong quá trình thí nghiệm, Cleary và nhóm của cô ấy đã cố gắng kích hoạt déjà vu ở những người tham gia bằng cách để họ điều hướng các cảnh khác nhau thông qua kính thực tế ảo VR, trong đó một số cảnh có cùng bố cục không gian, nghĩa là các bức tường và đồ đạc của chúng được đặt ở cùng một vị trí. Nhóm nghiên cứu phát hiện mọi người có xu hướng xuất hiện cảm giác déjà vu nhiều hơn khi họ thấy mình ở trong bối cảnh có thiết kế tương tự với những cảnh mà họ đã xem trước đó nhưng không nhớ cụ thể.

Một giả thuyết khác cho rằng déjà vu là kết quả của lỗ hổng tri giác, hoặc phân tách nhận thức (split perception), theo nội dung cuốn sách “PsychologyofLearningandMotivation” (Tâm lý học tập và động lực). Hiện tượng phân tách nhận thức xảy ra khi não xử lý cùng một tín hiệu giác quan hai lần liên tiếp nhau, tại một thời điểm cụ thể. Trong giai đoạn đầu tiên, các tín hiệu ngắn gọnthường không được chú ý một cách có ý thức.Giai đoạn thứ hai diễn ra gần như ngay lập tức sau đó, và cảm giác quen thuộc (déjà vu) được thiết lập do tín hiệu ban đầu không thể gợi nhớ lại.

Năm 2016, Akira O’Connor – giảng viên tại Trường Tâm lý họcvàKhoahọc thần kinhthuộcĐại học St.Andrews ở Scotland – đã trình bày nghiên cứu cho rằng déjà vu hình thành do bộ não điều chỉnh các lỗi trong trí nhớ, theo New Scientist. O’Connor đã sử dụng một kỹ thuật quét não gọi là chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) để kiểm tra phần nào của não đang hoạt động khi déjà vu được kích hoạt trong phòng thí nghiệm. Kết quả cho thấy, khu vực não hoạt động tích cực khi déjà vu diễn ra không phải là vùng hồi hải mã [một vùng não quan trọng chịu trách nhiệm truy xuất trí nhớ] mà là vùng vỏ não trước trán trung gian (mPFC), một vùng não tham gia khắc phục xung đột thông tin giữa những gì chúng ta nhớ đã trải qua và những gì chúng ta thực sự trải qua.

Điều này có thể giải thích tại sao déjà vu xuất hiện phổ biến hơn ở người trẻ so với người già. Khi một người già đi, déjà vu không còn xảy ra thường xuyên nữa vì vùng vỏ não trước trán trung gian không còn hoạt động hiệu quả, khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc phân biệt những ký ức thực tế và ký ức sai lệch.

“Cho đến nay, không có lý thuyết khoa học nào được chập nhận một cách rộng rãi để giải thích cơ chế hoạt động của déjà vu”, Susmitacho biết.

Cần lưu ý rằng déjà vu là một trải nghiệm phổ biến và nó không được coi là dấu hiệu của bất kỳ tình trạng bệnh lý hoặc tâm lý tiềm ẩn nào. “Mặc dù sự hiểu biết của chúng ta về déjà vu đã tiến bộ trong những năm qua nhưng nó vẫn là một hiện tượng phức tạp và hấp dẫn. Chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn để làm sáng tỏ cơ chế chính xác liên quan đến hiện tượng này”, Susmita nói.