Đất nước Thụy Sĩ nhỏ bé (diện tích: 41.285 km2) tuy không giáp biển song lại có rất nhiều núi non hùng vĩ hấp dẫn du khách, nhất là đối với những người yêu thích thám hiểm và môn thể thao leo núi.
Nằm ở phía Nam dãy Alps (cao 4.809m so với mực nước biển, nóc nhà của châu Âu) trên lãnh thổ Thụy Sĩ là khối núi Jungfrau, nơi được các thung lũng sông Grindelwald và Rhône bao quanh, với ba đỉnh chính: Jungfrau (mang nghĩa thiếu nữ trong tiếng Đức), Mönch (thầy tu) và Eiger (yêu tinh) lần lượt cao 4.158, 4.099 và 3.970m. Trong đó, mặt phía Bắc của Eiger nổi tiếng bởi kết cấu trông không khác gì một bức vách dựng đứng (cao gần 1.500m). Bất chấp những cảnh báo, hơn 60 nhà leo núi đã thiệt mạng vì cố gắng chinh phục nó kể từ năm 1934.
Ga Eigerwand năm 2007. Ảnh: Guido Radig/Wikimedia
Sơ đồ tuyến đường sắt chạy qua khối núi Jungfrau với các ga Eigerwand, Eismeer và Jungfraujoch. Ảnh: HFSJG
Mặc dù phải đến năm 1938 mới có một nhóm leo núi đầu tiên thành công, nhưng các kỹ sư và công nhân Thụy Sĩ trước đó đã đào được đường hầm xuyên núi (đoạn giữa Mönch và Eiger) để xây dựng nhà ga Eigerwand (nằm ở độ cao 2.865m) bên trong vách núi phía Bắc Eiger. Ga được mở cửa từ ngày 28/06/1903, là một phần của tuyến đường sắt Jungfrau dài gần 9km (khởi công từ năm 1896) kết nối Kleine Scheidegg (cao 2.061m) với Jungfraujoch (cao 3.454m, nằm giữa Jungfrau và Mönch). Từ Eigerwand, đường hầm tiếp tục uốn lượn về phía Nam Eiger đến ga Eismeer (cao 3.160m, mở cửa từ ngày 25/7/1905). Ngoài sảnh chờ và nhà hàng, tại ga Eismeer còn có cả phòng nghỉ cho du khách, bên cạnh một hệ thống cầu thang để tiếp cận sông băng Grindelwald-Fiescher. Nếu không đi bằng tàu thì lối vào duy nhất dẫn đến Eigerwand là một cánh cửa gỗ bên vách núi: Stollenloch. Đó vốn là một cái hốc được tạo ra để đổ đất đá trong quá trình xây dựng tuyến đường sắt khi công nhân đào về hướng Jungfraujoch. Stollenloch đôi khi còn được sử dụng để giải cứu những người leo núi mắc kẹt, mặc dù kết quả không phải lúc nào cũng khả quan như trường hợp thương tâm của một đoàn thám hiểm Đức-Áo năm 19361. Trước năm 2016, mỗi khi tàu dừng lại tại Eigerwand trong 5 phút, du khách có thể bước xuống để cúi người ngắm cảnh qua những ô cửa sổ đục từ đá (và biết đâu họ sẽ bắt gặp nhà leo núi nào đó), nhưng hoạt động này hiện đã bị chấm dứt. Tại điểm cuối hành trình: ga Jungfraujoch – một tòa nhà 5 tầng với đầy đủ tiện ích như nhà hàng, bảo tàng, bưu điện,… du khách còn có thể nhìn thấy đài quan sát thiên văn Sphinx (Nhân sư) cao nhất Âu (3.571m) và di chuyển quãng đường 117m lên đó bằng hệ thống thang máy.
Những cửa sổ tại ga Eigerwand trên vách núi phía Bắc Eiger.
Ảnh: Whgler/Wikimedia
Du khách ngắm cảnh từ cửa sổ tại ga Eismeer.
Ảnh: Klaus Nahr/Wikimedia
Ngay từ đầu, các kỹ sư đã chủ trương thiết kế để tuyến đường sắt răng cưa (cogwheel)2 cùng hệ thống đầu máy và toa tàu chuyên dụng (phần lớn đi qua lòng núi) chạy bằng điện. Nó hiện vẫn tiếp tục được sử dụng cho những đoàn tàu hai toa – chở tới 230 người và đạt tốc độ 12,5 km/h trên các đoạn hành trình dốc nhất. Những động cơ đầu máy hoạt động theo cơ chế hồi năng (regenerative mode) – tự tạo ra khoảng 50% lượng điện năng cần thiết để di chuyển lên lại (về sau) trong quá trình lao xuống dốc. Trước năm 2016, hành trình này mất tổng cộng 52 phút, nay giảm xuống chỉ còn 35 phút nhờ sử dụng thế hệ đầu máy hiện đại hơn.
Cho tới tận bây giờ, Jungfrau vẫn luôn được ca ngợi như là một kỳ tích kỹ thuật xây dựng ở châu Âu vào cuối thế kỷ 19 – vốn rất rất thiếu máy móc, chủ yếu vẫn dựa vào sức người và những công cụ thô sơ như cuốc, xẻng,... Tuy nhiên, điều đáng tiếc là ý tưởng xây dựng thang máy và cầu thang xoắn lên đến đỉnh Jungfrau đã không bao giờ được thực hiện.
Mặc dù chỉ có diện tích khiêm tốn những Thụy Sĩ lại sở hữu mạng lưới đường sắt dày đặc nhất châu Âu – lên tới 5.250 km (gần 100% đã được điện khí hóa), chuyên chở gần 600 triệu lượt khách mỗi năm. Tính đến năm 2015, mỗi người dân Thụy Sĩ di chuyển trung bình 2.550 km bằng đường sắt (nhiều nhất thế giới). |
Chú thích:
1. Tháng 7/1936, năm người đã thiệt mạng khi cố gắng leo lên vách núi phía Bắc Eiger, trước những nỗ lực bất thành của nhóm giải cứu.
2. Tính đến đầu thế kỷ 20, Pháp và Thụy Sĩ là những nước dẫn đầu thế giới về kỹ thuật này. Tại Đông Dương, các kỹ sư Pháp và nhân công bản xứ phải mất đúng 30 năm (1902 – 1932) mới xây dựng xong tuyến đường sắt răng cưa leo núi Tháp Chàm – Đà Lạt huyền thoại (dài 84 km). Đáng tiếc công trình nay đã bị hoang phế, mai một; còn các đầu máy hiệu Fuka thì được phía Thụy Sĩ nhập lại để kéo tàu phục vụ du khách thăm quan rặng Alps. Đế quốc Nhật Bản cũng xây dựng một tuyến đường sắt khác bằng kỹ thuật tương tự tại Đài Loan nhưng với tổng chiều dài ngắn và độ dốc thấp hơn nhiều.
Theo Amusing Planet